Profin

Kiến thức

Huy động vốn từ trái phiếu, doanh nghiệp cần lưu ý điều gì?

Huy động vốn từ trái phiếu, doanh nghiệp cần lưu ý điều gì?

Trái phiếu từ lâu đã không còn là thuật ngữ quá xa lạ với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự bùng nổ của thị trường trái phiếu trong những năm gần đây mới thực sự làm cho doanh nghiệp nghiêm túc đánh giá về những ưu điểm mà kênh huy động vốn này mang lại. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn này một cách hiệu quả? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Những điều cần biết về trái phiếu doanh nghiệp

Trái phiếu, hiểu đơn giản là một khoản vay của doanh nghiệp. Sau khi phát hành trái phiếu, doanh nghiệp có nghĩa vụ nợ đối với người sở hữu trái phiếu (còn được gọi là trái chủ). Nghĩa vụ nợ này bao gồm chi trả lãi định kỳ và thanh toán khoản nợ gốc khi trái phiếu đáo hạn.

Trái phiếu doanh nghiệp có các đặc điểm cơ bản sau đây:

  • Trái phiếu có kỳ hạn nhất định: trái phiếu có thời gian đáo hạn. Khi đến hạn, doanh nghiệp có nghĩa vụ hoàn trả cho trái chủ số vốn gốc ban đầu.
  • Trái phiếu có lãi suất cố định: lãi suất trái phiếu được xác định trước và không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Lãi trái phiếu được trừ khỏi thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp phát hành.

Doanh nghiệp cần lưu ý điều gì khi chọn huy động vốn từ trái phiếu

Khi nào doanh nghiệp nên huy động vốn từ trái phiếu?

Tùy vào nhu cầu vốn hiện tại mà doanh nghiệp sẽ có kế hoạch huy động vốn khác nhau. Nhìn chung, doanh nghiệp nên huy động vốn từ trái phiếu trong các trường hợp sau:

  • Doanh nghiệp đang có nhu cầu huy động vốn.
  • Chủ sở hữu doanh nghiệp không muốn bị pha loãng quyền sở hữu.
  • Doanh nghiệp đã có kế hoạch sử dụng nguồn vốn huy động và kế hoạch trả nợ, và đảm bảo tính khả thi của những kế hoạch này.

Trái phiếu thường hay trái phiếu chuyển đổi?

Khác với trái phiếu thông thường, trái phiếu chuyển đổi là loại trái phiếu mà trái chủ có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông tại một thời điểm xác định trong tương lai. Về bản chất, trái phiếu chuyển đổi được coi là sự kết hợp giữa trái phiếu và quyền mua cổ phiếu do doanh nghiệp phát hành. Nhờ vào tính chất ưu đãi này, trái phiếu chuyển đổi thường có lãi suất thấp hơn trái phiếu thường, do đó giúp doanh nghiệp bớt được áp lực từ việc chi trả lãi.

Tuy nhiên khi quyền chuyển đổi được thực hiện, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông trong doanh nghiệp sẽ thay đổi, hay còn gọi là pha loãng quyền sở hữu. Do đó, trước khi phát hành loại trái phiếu này, nhà quản lý doanh nghiệp cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, tránh tình trạng cổ phiếu bị pha loãng quá mức.

Trong trường hợp trái chủ thực hiện quyền chuyển đổi sang cổ phiếu, khoản nợ của doanh nghiệp cũng chuyển thành vốn cổ phần. Do đó doanh nghiệp không cần phải trả lãi của trái phiếu đó nữa, điều này cũng đồng nghĩa doanh nghiệp mất đi tấm chắn thuế từ lãi vay.

Xem thêm: "Lãi vay - lá chắn thuế hiệu quả cho doanh nghiệp"

Hình minh họa: Về bản chất, trái phiếu chuyển đổi được coi là sự kết hợp giữa trái phiếu và quyền chuyển đổi thành cổ phiếu.

Nguồn hình: Lombard Odier

Lãi suất bao nhiêu là phù hợp?

Lãi suất trái phiếu được phân thành hai loại: lãi suất cố định và lãi suất thả nổi. Ngoài ra còn có trái phiếu không trả lãi, hay còn gọi là trái phiếu chiết khấu. Về nguyên tắc, lãi suất trái phiếu sẽ do doanh nghiệp quyết định. Tuy nhiên, lãi suất bao nhiêu để đủ hấp dẫn nhà đầu tư mà vẫn có lợi cho doanh nghiệp mới là vấn đề nan giải.

Để thu hút nhà đầu tư, lãi suất trái phiếu cần đảm bảo cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Vì nếu lãi suất trái phiếu thấp hơn, nhà đầu tư thường sẽ chọn gửi tiết kiệm vì tính an toàn cao hơn. Tuy nhiên, lãi suất trái phiếu cũng không thể quá cao, nếu không sẽ gây áp lực về chi phí lãi cho doanh nghiệp.

Về bản chất, lãi suất tỷ lệ thuận với mức độ rủi ro của trái phiếu, nhằm bù đắp cho những rủi ro đó. Ví dụ, trái phiếu của một doanh nghiệp mới thành lập sẽ được coi là có rủi ro cao hơn những doanh nghiệp đã hoạt động ổn định và có uy tín trên thị trường. Do vậy, để phát hành thành công, trái phiếu của doanh nghiệp mới phải có mức lãi suất cao hơn để bù đắp cho rủi ro đó nhằm hấp dẫn nhà đầu tư. Một ví dụ khác, trái phiếu dài hạn cũng được coi là rủi ro hơn trái phiếu ngắn hạn. Vì không ai biết được trong thời gian đó sẽ có biến cố gì xảy ra đối với doanh nghiệp. Do đó trái phiếu dài hạn thường có lãi suất cao hơn, tương tự như lãi suất tiền gửi dài hạn tại ngân hàng thường sẽ cũng cao hơn lãi suất tiền gửi ngắn hạn.

Nên phát hành trái phiếu ngắn hạn hay dài hạn?

Kỳ hạn của trái phiếu cũng là thời hạn của khoản vay. Kỳ hạn trái phiếu được phân thành ba loại: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

  • Ngắn hạn: Trái phiếu có kỳ hạn từ 1 đến 5 năm.
  • Trung hạn: Trái phiếu có kỳ hạn từ 5 đến 12 năm.
  • Dài hạn: Trái phiếu có kỳ hạn từ 12 đến 30 năm.

Lựa chọn trái phiếu có kỳ hạn dài sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều thời gian hơn để tập trung vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên điểm bất lợi lớn nhất là kỳ hạn càng dài, mức lãi suất càng cao. Ngược lại, đối với trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu ngắn hạn. Lúc này rất có khả năng xảy ra trường hợp doanh nghiệp chưa kịp tạo ra thu nhập từ nguồn vốn huy động được thì đã đến kỳ hạn trả nợ. Nếu trong trường hợp này doanh nghiệp không thể thu xếp được việc trả nợ sẽ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến phá sản.

Xem thêm: "Phá sản là gì"?

Trên đây là những điểm cơ bản về trái phiếu mà doanh nghiệp cần lưu ý. Mong rằng qua bài viết này sẽ giúp ích cho doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch huy động vốn từ trái phiếu một cách hiệu quả.


Theo:
Nguyễn Dương
Nguồn:
PROFIN

Bạn có thể quan tâm