Profin

Kiến thức

Quản lý tài chính cá nhân #19: Làm thế nào thiết lập mục tiêu tài chính cá nhân với mô hình SMART?

Quản lý tài chính cá nhân #19: Làm thế nào thiết lập mục tiêu tài chính cá nhân với mô hình SMART?

Bạn đã bao giờ nghe đến mô hình SMART hay chưa? Đây chính là nguyên tắc được thiết lập nhằm thực hiện mục tiêu đề ra dễ dàng hơn. Không chỉ áp dụng trong công việc và kinh doanh, SMART còn có thể ứng dụng trong phương diện tài chính cá nhân. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn qua bài viết dưới đây của ProFin.

Giải thích về mô hình SMART

SMART được viết tắt từ Specific, Measurable, Achievable, Realistic và Timely (nghĩa tiếng Việt: tính cụ thể, khả năng đo lường, tính khả thi, tính thực tế và giới hạn thời gian). Mô hình này xuất hiện lần đầu vào năm 1981 trên một bài báo, tác giả là George Doran. Kể từ đó, SMART được sử dụng thường xuyên trong các dự án làm việc nhóm và cá nhân. Không chỉ phát huy tác dụng đối với theo dõi hiệu suất công việc, SMART còn có thể áp dụng trong khía cạnh quản lý ngân sách cá nhân.

Áp dụng mô hình SMART để thiết lập mục tiêu tài chính cá nhân

Specific (tính cụ thể)

Yếu tố đầu tiên đó chính là tính cụ thể và chi tiết. Để thiết lập mục tiêu rõ ràng và không mơ hồ, bạn cần phải trả lời những câu hỏi sau đây:

  • What (cái gì): Bạn đang muốn đạt được điều gì? Ví dụ: bạn muốn tiết kiệm tiền để mua xe mới, hoặc tích góp tài sản để nghỉ hưu trước tuổi 40.
  • Why (vì sao): Lý do bạn muốn đạt được điều đó? Bạn muốn nghỉ hưu sớm để làm gì? Việc mua chiếc xe mới có tầm quan trọng như thế nào với bạn?
  • Where (ở đâu): Đối với mục tiêu tài chính cá nhân, câu hỏi này không quá quan trọng. Tuy nhiên, đôi khi nó chỉ những sự kiện liên quan, chẳng hạn như bạn muốn chuyển sang công ty khác có lương cao hơn, chuyển sang thuê nhà có giá thấp hơn để tiết kiệm tiền.
  • Who (với ai): Trong trường hợp lên kế hoạch quản lý ngân sách gia đình, bạn sẽ cần các thành viên cùng thực hiện chung với nhau.
  • Which (cái nào): Mục tiêu của bạn có gặp vấn đề gì gây trở ngại hay không? Nếu có, làm cách nào để giải quyết nó? Ví dụ, bạn đang muốn tích góp tiền để về hưu sớm nhưng vẫn còn nhiều khoản vay chưa thanh toán xong. Phải làm thế nào để giải quyết nợ nhanh chóng là vấn đề bạn cần suy nghĩ.

Mô hình SMART giúp bạn thiết lập mục tiêu tài chính hiệu quả và rõ ràng.

Nguồn ảnh: cottonbro từ Pexels

Measurable (khả năng đo lường)

Đến bước này, bạn cần có những tiêu chí cụ thể để đánh giá khả năng đạt được mục tiêu.

  • How much (bao nhiêu): Đặt ra một con số chính xác để giúp bạn dễ dàng đo lường được tiến độ mục tiêu. Ví dụ: Bạn cần bao nhiêu số tiền để có thể nghỉ hưu sớm?
  • How many (bao nhiêu lần): Để đạt được mục tiêu chính đó, bạn cần chia ra những nhiệm vụ nhỏ để dễ dàng thực hiện. Ví dụ: Để đạt số tiền về hưu sớm, mỗi tháng bạn cần phải tích lũy bao nhiêu tiền? Bao nhiêu năm bạn sẽ đạt được con số đó?

Achievable (tính khả thi)

Mục tiêu đề ra phải có tính khả thi để bạn không cảm thấy chán nản hoặc bỏ cuộc giữa chừng. Ví dụ: Thu nhập hàng tháng của bạn là 15 triệu và đây là nguồn thu duy nhất của bạn, mục tiêu tiết kiệm 12 triệu/tháng gần như là không thể. Vì một tháng bạn sẽ phải chi tiêu rất nhiều khoản chi, khoản dư còn lại rất khó lên đến 12 triệu.

Bạn nên đặt ra mục tiêu tài chính có tính khả thi cao để không bỏ cuộc giữa chừng.

Nguồn ảnh: cottonbro từ Pexels

Realistic (tính thực tế)

Điều khác biệt giữa tính khả thi và tính thực tế là gì? Hãy phân tích thử một tình huống như sau: Với thu nhập cố định hàng tháng là 15 triệu, bạn quyết định để dành số tiền 50 triệu để đi du lịch châu Âu tự túc vào mùa hè năm 2021. Kế hoạch này hoàn toàn có tính khả thi vì bạn có thể dành được con số đó, tuy nhiên nó không thực tế trong thời kỳ dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

Timely (giới hạn thời gian)

Một mục tiêu đề ra cần được thực hiện trong khoảng thời gian ngắn hạn hoặc dài hạn. Điều này giúp bạn dễ dàng sắp xếp và lên kế hoạch đạt được mục tiêu. Ví dụ: bạn dành 30 triệu trong vòng 6 tháng để mua được chiếc điện thoại mới. Như vậy, mỗi tháng bạn cần trích ra 5 triệu dành cho khoản tiền này.

Trên đây là cách để áp dụng mô hình SMART để thành lập mục tiêu tài chính. Hy vọng bạn cảm thấy bài viết này của ProFin hữu ích.


Theo:
T.S
Nguồn:
ProFin

Bạn có thể quan tâm