Profin

Kiến thức

Doanh nghiệp cần lưu ý gì trước khi phát hành trái phiếu chuyển đổi?

Doanh nghiệp cần lưu ý gì trước khi phát hành trái phiếu chuyển đổi?

Nếu nói trái phiếu là một loại chứng khoán nợ, và cổ phiếu là chứng khoán vốn, thì trái phiếu chuyển đổi lại là một sự kết hợp hoàn hảo giữa hai loại chứng khoán này. Vậy trái phiếu chuyển đổi là gì, khác biệt thế nào với trái phiếu thường? Và doanh nghiệp cần phải lưu ý những gì khi muốn huy động vốn bằng công cụ này? Hãy cùng ProFin tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Trái phiếu chuyển đổi khác gì với trái phiếu thường?

Trái phiếu chuyển đổi là loại trái phiếu do công ty cổ phần phát hành. Loại trái phiếu này có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của doanh nghiệp phát hành, theo các điều khoản đã được xác định trong phương án phát hành.

Về cơ bản, trái phiếu chuyển đổi có đầy đủ các đặc điểm của một trái phiếu như: có kỳ hạn và lãi suất cố định, được thanh toán nợ gốc khi trái phiếu đáo hạn nếu trái chủ không chuyển đổi thành cổ phiếu.

Xem thêm: "Trái phiếu là gì?"

Ngoài ra, trái phiếu chuyển đổi còn có các đặc điểm khác biệt so với trái phiếu thường như:

Quyền chuyển đổi thành cổ phiếu

Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa trái phiếu chuyển đổi so với trái phiếu thường. Quyền chuyển đổi này giúp trái chủ - người sở hữu trái phiếu - được chuyển đổi chúng thành cổ phiếu phổ thông với tỷ lệ và giá được xác định trước. Trái chủ có quyền lựa chọn chuyển đổi, hoặc tiếp tục nắm giữ trái phiếu đến ngày đáo hạn.

Lãi suất

Lãi suất của trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu thường đều do doanh nghiệp quy định. Tuy nhiên, do đã được hưởng ưu đãi nêu trên, nên lãi suất của trái phiếu chuyển đổi thường thấp hơn lãi suất của trái phiếu thường có cùng kỳ hạn.

Tổ chức phát hành

Theo quy định hiện hành, tổ chức được phép phát hành trái phiếu chuyển đổi bắt buộc phải là công ty cổ phần. So với trái phiếu thường có thể được phát hành bởi cả công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn.

Những điều doanh nghiệp cần lưu ý trước khi phát hành trái phiếu chuyển đổi

Điều kiện phát hành

Để phát hành trái phiếu chuyển đổi, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần.

Doanh nghiệp phải đáp ứng được các quy định cụ thể về:

  • Có thời gian hoạt động tối thiểu từ 01 năm.
  • Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán.
  • Đảm bảo tuân thủ giới hạn về số lượng nhà đầu tư khi phát hành, giao dịch trái phiếu.
  • Có phương án phát hành trái phiếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận.
  • Thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có).
  • Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật trong trường hợp thực hiện chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu;

Các đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi phải cách nhau ít nhất sáu tháng;

Trái phiếu chuyển đổi không được chuyển nhượng trong tối thiểu 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.

Lãi suất

Lãi suất trái phiếu chuyển đổi thấp hơn so với lãi suất trái phiếu thường. Do vậy, doanh nghiệp chọn phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi sẽ chịu áp lực trả lãi thấp hơn.

Mức lãi suất phù hợp có thể áp dụng cho trái phiếu chuyển đổi là mức cao hơn hoặc bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm, và thấp hơn lãi suất trái phiếu thường có cùng kỳ hạn.

Các điều khoản liên quan đến việc chuyển đổi

- Thời hạn thực hiện quyền chuyển đổi:

Để tránh trường hợp trái chủ thực hiện chuyển đổi quá sớm gây rủi ro pha loãng cổ phiếu trong ngắn hạn, doanh nghiệp thường quy định thời hạn thực hiện quyền chuyển đổi trái phiếu sau một khoảng thời gian xác định (ví dụ sau 1 năm kể từ ngày phát hành).

Thời hạn chuyển đổi cũng có thể được chia thành nhiều đợt.

Ví dụ: Trái phiếu chuyển đổi của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật T.P Hồ Chí Minh (CII_C_BOND2020) phát hành năm 2020 có thời gian chuyển đổi được dự kiến được chia thành 10 đợt. Mỗi đợt cách nhau 6 tháng. Đợt đầu tiên sẽ rơi vào ngày tròn 6 tháng kể từ ngày phát hành.

- Tỷ lệ chuyển đổi hoặc phương pháp xác định tỷ lệ chuyển đổi:

Tỷ lệ chuyển đổi là tỷ lệ được xác định bằng cách lấy mệnh giá trái phiếu chia cho giá chuyển đổi. Giá chuyển đổi sẽ được xác định theo hai cách sau đây:

Giá chuyển đổi được xác định trực tiếp.

Ví dụ: năm 2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va phát hành 800 trái phiếu chuyển đổi không có tài sản đảm bảo với lãi suất 5,5%/năm. Giá chuyển đổi được xác định bằng 74.750 vnđ/cổ phần.

Nguồn: Nghị quyết HĐQT CTCP Tập đoàn địa ốc NOVA

Giá chuyển đổi được xác định theo một phương pháp cụ thể.

Ví dụ: Trái phiếu chuyển đổi của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật T.P Hồ Chí Minh (CII_C_BOND2020) phát hành năm 2020 có giá chuyển đổi được xác định bằng công thức:

P1 = A x (1+6%) - C1

P2 = P1 x (1+6%) - C2

Pt = Pt-1 x (1+6%)- Ct

Với A được tính bằng 110% của bình quân giá đóng cửa cổ phiếu CII trong 10 phiên giao dịch liền kề trước ngày hội đồng quản trị thông qua hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu chuyển đổi ra công chúng.

P1, P2, Pt lần lượt là giá chuyển theo thứ tự tại đợt 1, đợt 2 và đợt thứ t.

C1, C2, Ct là tiền cổ tức mà CII đã chi trả cho cổ đông tính từ sau lần chuyển đổi gần nhất.

Như vậy qua bài viết này, ProFin đã trình bày các điểm khác biệt cơ bản giữa trái phiếu chuyển đổi so với trái phiếu thường, cũng như những điều doanh nghiệp cần lưu ý trước khi quyết định phát hành trái phiếu chuyển đổi. Mong rằng với những kiến thức mà ProFin truyền tải mang lại nhiều giá trị bổ ích đến cho quý độc giả.


Theo:
Nguyễn Dương
Nguồn:
PROFIN

Bạn có thể quan tâm