
Trong bài viết này, mời bạn cùng ProFin tìm hiểu những điều doanh nghiệp Việt Nam cần biết về trái phiếu chuyển đổi, bao gồm: Lợi ích của trái phiếu chuyển đổi là gì? Trái phiếu chuyển đổi được phát hành như thế nào? Những ai được quyền mua trái phiếu chuyển đổi?
Lợi ích của trái phiếu chuyển đổi đối với doanh nghiệp phát hành
Trái phiếu chuyển đổi là một loại trái phiếu do công ty cổ phần phát hành, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của chính tổ chức phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định trước.
Các doanh nghiệp chọn phát hành trái phiếu chuyển đổi nhằm mục đích huy động thêm vốn hoạt động, mà không cần phải phát hành thêm cổ phiếu dẫn đến rủi ro bị pha loãng. Hơn nữa, lãi suất từ trái phiếu chuyển đổi thường thấp hơn trái phiếu thường nên sẽ giảm áp lực chi phí lãi vay lên doanh nghiệp.
Một lợi ích khác là trong trường hợp trái chủ quyết định chuyển đổi thành cổ phiếu, khoản nợ gốc và lãi vay phát sinh trong tương lai của doanh nghiệp sẽ không còn, dẫn đến việc giảm chi phí lãi vay và tăng lợi nhuận ròng. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng để đánh đổi lợi ích đó, giá trị vốn chủ sở hữu của cổ đông hiện hữu cũng bị giảm do việc pha loãng cổ phiếu.
7 điều doanh nghiệp cần biết về trái phiếu chuyển đổi
Có những hình thức phát hành nào?
Trái phiếu chuyển đổi được phát hành theo một trong hai hình thức: chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng.
Chào bán ra công chúng: là việc chào bán theo một trong các phương thức sau đây:
- Chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng;
- Chào bán cho từ 100 nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
- Chào bán cho các nhà đầu tư không xác định.
Chào bán riêng lẻ: là việc chào bán không thông qua phương tiện thông tin đại chúng và theo một trong các phương thức sau đây:
- Chào bán cho nhà đầu tư chiến lược (không được quá 100 nhà đầu tư);
- Chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Nhà đầu tư nào được quyền mua trái phiếu chuyển đổi?
Đối với hình thức chào bán trái phiếu chuyển đổi ra công chúng không có yêu cầu đặc biệt về nhà đầu tư được quyền mua trái phiếu chuyển đổi.
Tuy nhiên đối với hình thức chào bán riêng lẻ, đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc nhà đầu tư chiến lược, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.
Theo đó, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán được quy định cụ thể trong Luật chứng khoán.
Điều kiện của tổ chức phát hành?
Chỉ có công ty cổ phần được phép phát hành trái phiếu chuyển đổi. Khác với trái phiếu thường có thể được phát hành bởi công ty cổ phần hay công ty TNHH. Điều này cũng dễ hiểu do tính chất của trái phiếu chuyển đổi chỉ được phép chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông - là loại chứng khoán chỉ có công ty cổ phần mới được phép phát hành.
Mệnh giá trái phiếu chuyển đổi là bao nhiêu?
Mệnh giá trái phiếu là căn cứ để xác định số tiền lãi nhận được từ trái phiếu và cũng là số tiền mà trái chủ sẽ nhận lại vào ngày đáo hạn.
Mệnh giá trái phiếu được phát hành tại thị trường Việt Nam được quy định là 100.000 vnđ/trái phiếu. Đối với trái phiếu được phát hành ra thị trường quốc tế, mệnh giá trái phiếu sẽ theo quy định tại thị trường phát hành.
Lãi suất danh nghĩa là gì?
Lãi suất danh nghĩa của trái phiếu chuyển đổi là tỷ lệ phần trăm (%) lãi tính trên mệnh giá trái phiếu mà doanh nghiệp phát hành phải thanh toán cho trái chủ vào các kỳ trả lãi.
Lãi suất danh nghĩa có thể được xác định theo các hình thức: lãi suất cố định cho cả kỳ hạn trái phiếu, lãi suất thả nổi, hoặc kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi.
Đối với lãi suất danh nghĩa là lãi suất thả nổi hoặc kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi, doanh nghiệp phát hành phải nêu cụ thể cơ sở tham chiếu để xác định lãi suất danh nghĩa tại phương án phát hành.
Ví dụ: Quy định về cách tính lãi suất thả nổi trái phiếu Vietinbank (Trái phiếu 2129) phát hành ra công chúng năm 2021 và đáo hạn năm 2029: Lãi suất của trái phiếu là lãi suất thả nổi áp dụng cho toàn bộ thời hạn trái phiếu và được xác định bằng lãi suất tham chiếu (là bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VND, kỳ hạn 12 tháng của Vietinbank, Vietcombank, BIDV và Agribank) + 0,9%/năm.
Kỳ hạn trái phiếu được xác định như thế nào?
Kỳ hạn trái phiếu là thời gian được tính từ lúc trái phiếu được phát hành cho đến khi đáo hạn. Trái phiếu chuyển đổi có kỳ hạn như trái phiếu thường. Kỳ hạn trái phiếu được quy định không thấp hơn 1 năm.
Kỳ hạn trái phiếu được chia thành 3 nhóm chính như sau:
- Ngắn hạn: Trái phiếu có kỳ hạn từ 1 đến 5 năm.
- Trung hạn: Trái phiếu có kỳ hạn từ 5 đến 12 năm.
- Dài hạn: Trái phiếu có kỳ hạn từ 12 đến 30 năm.
Đối với trái phiếu chuyển đổi, kỳ hạn trái phiếu cũng là thời hạn để thực hiện quyền chuyển đổi. Khi thời hạn này kết thúc, quyền chuyển đổi cũng mặc nhiên biến mất.
Quy định về quyền chuyển đổi ra sao?
Trái chủ có thể sử dụng quyền chuyển đổi để đổi trái phiếu thành cổ phiếu phổ thông của chính doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.
Nội dung của điều khoản chuyển đổi bao gồm:
-
Tỷ lệ chuyển đổi và giá chuyển đổi
Tỷ lệ chuyển đổi là tỷ lệ của mệnh giá trái phiếu và giá chuyển đổi. Tỷ lệ chuyển đổi cho biết số lượng cổ phiếu mà một trái phiếu có thể đổi được.
Giá chuyển đổi là mức giá của mỗi cổ phiếu mà một trái phiếu có thể chuyển tương đương thành cổ phiếu thường.
Giá chuyển đổi có thể được xác định theo một mức giá cụ thể hoặc bằng một phương pháp định giá. Giá chuyển đổi thường được xác định cao hơn mức giá thị trường của cổ phiếu tại thời điểm đó, để tránh rủi ro quyền chuyển đổi được thực hiện ngay khi trái phiếu vừa được phát hành.
Nguồn: Nghị quyết HĐQT về phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế - Novaland.
-
Điều chỉnh giá và tỷ lệ chuyển đổi
Giá của cổ phiếu phổ thông có thể được điều chỉnh bởi các sự kiện như: Doanh nghiệp chia cổ tức, chia tách cổ phiếu, phát hành thêm cổ phiếu mới,...
Giá chuyển đổi và tỷ lệ chuyển đổi có thể được điều chỉnh trong trường hợp doanh nghiệp tiến hành chia cổ tức, phát hành thêm cổ phiếu, hoặc chia tách, gộp cổ phiếu khiến cho giá thị trường của cổ phiếu bị điều chỉnh khác đi.
Vì thế, phương pháp điều chỉnh giá và tỷ lệ chuyển đổi cần được quy định rõ trong điều khoản và điều kiện chuyển đổi.
Dưới đây là một ví dụ về điều khoản Giá chuyển đổi điều chỉnh:
Ví dụ: Vào năm 2018, Novaland đã phát hành 1.200 trái phiếu chuyển đổi có mệnh giá là 200.000 USD/trái phiếu, lãi suất 5,5%/năm. Số trái phiếu này sẽ đáo hạn vào ngày 27/4/2023. Tỷ giá dự kiến áp dụng tại thời điểm chuyển đổi là 22.775 VND/USD.
Mức giá chuyển đổi sẽ được xác định lại hằng năm theo phương pháp lấy trung bình của giá thị trường 10 ngày trước ngày reset.
Mức giá chuyển đổi năm 2020 được xác định là 60.000 đồng/cp. Trong quý I/2021 do Novaland chia thưởng bằng cổ phiếu tỷ lệ 36%, thuộc trường hợp thứ (2) trong điều khoản điều chỉnh giá chuyển đổi, nên giá chuyển đổi được điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng về 44.000 đồng, tương ứng với tỷ lệ chuyển đổi là 103.513,64 cổ phiếu/trái phiếu.
Nguồn: Nghị quyết HĐQT về phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế - Novaland.
ProFin đã giới thiệu với bạn lợi ích của việc phát hành trái phiếu chuyển đổi cũng như những điều doanh nghiệp cần biết về trái phiếu chuyển đổi. Qua đó, hy vọng quý độc giả sẽ có thêm được nhiều kiến thức bổ ích phục vụ cho công việc của mình.
- Theo:
- Nguyễn Dương
- Nguồn:
- ProFin