Profin

Kiến thức

Những yếu tố tác động đến lãi suất trái phiếu

Những yếu tố tác động đến lãi suất trái phiếu

Theo quy định hiện hành, lãi suất trái phiếu sẽ do doanh nghiệp tự quyết định khi phát hành. Tuy nhiên, trên thực tế trước khi đưa ra mức lãi suất phù hợp, doanh nghiệp cần phải xem xét nhiều yếu tố quan trọng. Đó là gì? Hãy cùng ProFin tìm hiểu qua bài viết sau.

Các loại lãi suất trái phiếu

Lãi suất cuốn phiếu

Lãi suất cuốn phiếu hay “lãi suất coupon” là loại lãi suất cố định được tính theo tỷ lệ phần trăm dựa trên mệnh giá trái phiếu. Một trái phiếu có lãi suất cuốn phiếu là 12%/năm, mệnh giá 100.000 đồng sẽ cho trái chủ một khoản trái tức (tiền lãi từ trái phiếu) bằng 12.000 đồng mỗi năm.

Lãi suất trái phiếu bằng không

Lãi suất chiết khấu được tính cho trái phiếu chiết khấu hay còn gọi là “zero coupon bond”. Đây được gọi là trái phiếu không có lãi suất hay lãi suất bằng 0. Trái chủ sẽ không được nhận trái tức theo từng giai đoạn như các loại trái phiếu khác. Thay vào đó, họ được mua trái phiếu này với giá thấp hơn so với mệnh giá. Và đến ngày đáo hạn, trái phiếu này sẽ được doanh nghiệp phát hành thanh toán lại theo mệnh giá. Phần chênh lệch giữa giá mua ban đầu và mệnh giá chính là phần lợi nhuận mà trái chủ được nhận.

Lãi suất thả nổi

Là loại lãi suất được thay đổi theo từng chu kỳ biến động qua từng giai đoạn. Mức lãi suất này sẽ được tính dựa trên một mức lãi suất cơ sở hay lãi suất tham chiếu. Lãi suất tham chiếu có thể là lãi suất trái phiếu chính phủ, hay lãi tiền gửi có kỳ hạn của các ngân hàng thương mại. Khi phát hành trái phiếu có lãi suất thả nổi, doanh nghiệp phải ghi rõ phương pháp tính lãi suất vào điều khoản phát hành trái phiếu.

Hình minh họa: Lãi suất thả nổi của trái phiếu CTGL2129003 của Vietinbank phát hành ngày 1/7/2021.

Nguồn: Công bố thông tin về việc phát hành riêng lẻ trái phiếu Vietinbank đợt 3 năm 2021.

Lãi suất đáo hạn

Lãi suất đáo hạn (Yield to Maturity - YTM) không phải là số tiền mà trái chủ nhận được, bản chất đó là công thức để tính mức lãi suất hòa vốn trung bình của một trái phiếu, nếu mua trái phiếu ở thời điểm hiện tại và nắm giữ cho đến ngày đáo hạn.

Lãi suất đáo hạn được tính bằng cách chiết khấu các dòng tiền mà trái chủ sẽ được nhận trong suốt thời gian nắm giữ trái phiếu, với biến số được tính là lãi suất đáo hạn và kết quả của phương trình này sẽ bằng giá của trái phiếu ở thời điểm hiện tại.

Lãi sất đáo hạn được tính theo công thức sau:

Với:

  • YTM là lãi suất đáo hạn;
  • P là giá hiện tai của trái phiếu;
  • C là trái tức mà trái chủ được nhận;
  • M là số tiền gốc mà trái chủ được nhận khi đáo hạn.

Những yếu tố ảnh hưởng đến lãi suất trái phiếu

Khi phát hành trái phiếu, doanh nghiệp tự quy định mức lãi suất trái phiếu trong phương án phát hành. Dĩ nhiên, các doanh nghiệp sẽ muốn mức lãi suất thấp để giảm thiểu chi phí lãi vay phải trả định kỳ. Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư lại thích trái phiếu có lãi suất cao, nhằm thu được lợi nhuận tối đa từ khoản đầu tư vào trái phiếu. Vì thế khi huy động vốn từ trái phiếu, doanh nghiệp phải tính toán và cân nhắc lựa chọn mức lãi suất phù hợp, để dung hòa lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của nhà đầu tư.

Ngoài ra, còn có những yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến lãi suất trái phiếu, chẳng hạn như:

Lạm phát

Lạm phát làm giảm đi giá trị của đồng tiền. Do đó dưới tác động của lạm phát, khoản lợi nhuận mà nhà đầu tư thu được từ trái phiếu ở mức lãi suất cũ trở nên kém giá trị hơn. Do đó, doanh nghiệp muốn phát hành thêm trái phiếu trong điều kiện lạm phát cao buộc phải nâng lãi suất trái phiếu lên bù đắp vào khoản giá trị hao hụt do lạm phát.

Biến động lãi suất thị trường

Biến động lãi suất thị trường ảnh hưởng theo tỷ lệ thuận với lãi suất trái phiếu. Khi lãi suất trên thị trường tăng, các nhà đầu tư sẽ có xu hướng tìm đến những kênh đầu tư có mức sinh lời cao. Vì thế, doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu buộc phải tăng lãi suất lên để cạnh tranh với các kênh đầu tư khác và thu hút nhà đầu tư.

Ngược lại, khi lãi suất giảm, các doanh nghiệp cũng có xu hướng phát hành trái phiếu với lãi suất thấp hơn để giảm áp lực trả lãi.

Thời gian đáo hạn

Thời gian đáo hạn cũng tỷ lệ thuận với lãi suất trái phiếu. Trái phiếu có thời gian đáo hàng càng lâu thì sẽ có mức lãi suất càng cao và ngược lại. Điều này được lý giải rằng với thời gian nắm giữ trái phiếu càng lâu, xác suất xảy ra rủi ro cho khoản đầu tư này càng cao. Các rủi ro này có thể phát sinh từ các yếu tố vĩ mô như lạm phát, biến động lãi suất, suy thoái kinh tế, hay đến từ chính doanh nghiệp phát hành. Do đó lãi suất đối với trái phiếu dài hạn hơn cần phải cao hơn để bù đắp cho những rủi ro này.

Rủi ro từ trái phiếu

“High risk - high return” - trái phiếu có rủi ro càng cao sẽ có mức lãi suất càng cao. Mức lãi suất này được hiểu là phần bù rủi ro mà nhà đầu tư phải chịu khi đầu tư vào trái phiếu.

Rủi ro đặc thù của trái phiếu là rủi ro tín dụng (hay “rủi ro vỡ nợ”), là rủi ro mà doanh nghiệp phát hành không thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Rủi ro này thường xuất hiện ở các doanh nghiệp đang có kết quả kinh doanh không tốt hoặc trong cơ cấu nguồn vốn có quá nhiều khoản nợ, dẫn đến mất khả năng thanh toán.

Để hạn chế điều này, nhà đầu tư có thể tìm hiểu và lựa chọn trái phiếu được phát hành bởi các doanh nghiệp có uy tín, có năng lực tài chính ổn định hoặc lựa chọn loại trái phiếu có tài sản đảm bảo.


Theo:
Nguyễn Dương
Nguồn:
ProFin

Bạn có thể quan tâm