Profin

Quan điểm

Quản lý tài chính cá nhân #21: Những thử thách phải đối mặt khi nghỉ hưu sớm không phải ai cũng biết

Quản lý tài chính cá nhân #21: Những thử thách phải đối mặt khi nghỉ hưu sớm không phải ai cũng biết

Độc lập tài chính, Nghỉ hưu sớm (FIRE) đang trở thành mục tiêu mà nhiều người trẻ hướng đến. Thực chất, cuộc sống khi nghỉ hưu sớm không phải lúc nào cũng hoàn hảo như mong đợi, thậm chí còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vì thế, theo một bài viết đăng tải trên The Washington Post, không ít người đang có ý định tiếp tục làm việc - ngay cả khi đã đến tuổi nghỉ hưu.

Áp lực về khía cạnh tài chính

#1: Ảnh hưởng từ lạm phát

Đây chính yếu tố lớn nhất có thể ảnh hưởng đến khía cạnh tài chính khi nghỉ hưu sớm. Giá cả hàng hóa, xăng dầu, các loại thực phẩm... có khả năng tiếp tục tăng thay vì giảm xuống trong nhiều năm tới. Do đó, quỹ tiết kiệm hưu trí của bạn có thể cạn kiệt nhanh hơn dự định ban đầu.

Giả sử bạn ước tính số tiền nghỉ hưu cần có là 5 tỷ đồng, chi phí sinh hoạt trung bình mỗi năm rơi vào khoảng 360 triệu đồng. Nếu lạm phát mỗi năm tăng lên ổn định với mức dao động khoảng 1-2%, đồng thời không có biến động bất ngờ gì xảy ra, số tiền 5 tỷ có thể trang trải được trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, giả sử một ngày nào đó, lạm phát tăng lên mức 10% mỗi năm, chỉ vài năm là số tiền tích luỹ của bạn sẽ cạn kiệt.

Giải pháp:

Nếu muốn duy trì mức sống như hiện tại hoặc cao hơn khi nghỉ hưu sớm, bạn phải có cách để tiền của mình không bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Theo chia sẻ của ông Warren Buffett - Giám đốc điều hành Berkshire Hathaway tại cuộc họp thường năm 2009, cách tốt nhất để chống lại lạm phát đó chính là sở hữu một phần của doanh nghiệp có tiềm lực ổn định và vững chắc. Nguyên nhân là vì dù có biến động ra sao đối với giá trị tiền tệ, mọi người vẫn có nhu cầu sử dụng sản phẩm doanh nghiệp đó. Ông cũng khuyên không nên ‘bỏ hết trứng vào một giỏ’, mà hãy cân nhắc thêm một số hình thức khác, chẳng hạn như quỹ đầu tư theo chỉ số (index fund).

Đa dạng hóa nguồn thu nhập chính là giải pháp tốt nhất để đối phó với lạm phát.

Nguồn ảnh: Vecteezy

Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa nguồn thu nhập cũng rất quan trọng. Đối với những ai có dự định nghỉ hưu sớm, thuật ngữ thu nhập thụ động có lẽ chẳng còn xa lạ. Đây chính nguồn tiền quan trọng nhất để đảm bảo cuộc sống khi nghỉ hưu sớm.

Bài viết liên quan: Quản lý tài chính cá nhân #7: Thu nhập thụ động - Bí quyết để đạt được độc lập tài chính

#2: Chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao

Các bạn trẻ khi tính toán các chi phí khi nghỉ hưu sớm thường ít bận tâm đến khoản này, trong khi đó khi tuổi tác càng lớn cơ thể càng dễ mắc bệnh hơn. Đặc biệt sau đợt dịch bệnh vừa qua, không ít người dù đã khỏi hẳn nhưng phải chịu không ít di chứng để lại.

Theo một thống kê, trung bình mỗi người Việt khám bệnh 2,1 lần/năm với số tiền bình quân là 129 USD/người (khoảng gần 3 triệu VNĐ), trong đó 37% là tiền thuốc. Ngoài ra, nếu mắc phải những căn bệnh cần phải điều trị hoặc dùng thuốc trong thời gian dài, số tiền chắc chắn sẽ còn cao hơn. Do đó, số tiền tích lũy có thể sẽ nhanh chóng cạn kiệt so với kế hoạch của bạn.

Bên cạnh đó, đại đa số giới trẻ thường có thói quen sinh hoạt không mấy lành mạnh, chẳng hạn như thức khuya lướt mạng xã hội hoặc cày phim, thường xuyên đặt đồ ăn bên ngoài thay vì tự nấu,... Những thói quen này dù mang lại sự thuận tiện và thoải mái nhất thời, thế nhưng về mặt lâu dài, cơ thể sẽ bị tổn hại không ít. Theo bài viết trên trang Health.com, thói quen thức khuya khiến huyết áp cao hơn, dễ tăng cân, có xu hướng trầm cảm và rối loạn lo âu, thậm chí gia tăng nguy cơ đột tử.

Chi phí sức khỏe có thể sẽ tiêu tốn hết khoản tiền bạn đã tích lũy được.

Nguồn ảnh: Pixabay

Giải pháp:

Bên cạnh việc bổ sung thêm một khoản dành cho chi phí sức khỏe trong kế hoạch nghỉ hưu của mình, điều quan trọng chính là thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày. Ngoài những lợi ích liên quan đến sức khỏe thể chất và tinh thần, lối sống lành mạnh còn giúp bạn tiết kiệm một khoản không nhỏ. Ví dụ, bạn có thói quen uống hai chai nước ngọt mỗi ngày, trung bình một chai có giá 10.000 đồng. Nếu giảm tần suất chỉ còn 3 chai/tuần, bạn sẽ tiết kiệm được 110.000 đồng mỗi tuần đấy.

Đời sống tinh thần có nhiều thay đổi

Khi nhắc đến kế hoạch nghỉ hưu sớm, đại đa số mọi người chỉ tập trung vào phương diện tài chính. Tuy nhiên, khía cạnh cảm xúc và các mối quan hệ xung quanh cũng có thay đổi không nhỏ khi nghỉ hưu sớm. Do đó, để có cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc, bạn cần phải lưu tâm đến hai vấn đề như sau:

#1: Vòng tròn xã hội không còn như trước

Khi nghỉ hưu sớm, cơ hội tụ tập cùng đồng nghiệp hoặc bạn bè sẽ giảm đi. Điều đó ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của bạn. Theo James R. - Giáo sư đại học đã nghỉ hưu chia sẻ trên Business Insider, hiện tại ông đang học cách hòa nhập lại với xã hội. Mặc dù ông không hề ngừng làm việc hoàn toàn và vẫn tiếp tục làm việc trực tuyến, có đôi lúc ông cảm thấy bản thân bị cô lập khỏi xã hội. Trước kia, vị giáo sư cho rằng sẽ rất tuyệt khi làm việc tại nhà vì bản chất vốn là người hướng nội. Thế nhưng, James thừa nhận rằng thỉnh thoảng ông cũng có mong muốn ở cạnh một ai đó.

Giải pháp:

Điều quan trọng nhất bạn có thể làm chính là duy trì các mối quan hệ chất lượng, thay vì số lượng. Điều đó không chỉ tốt cho tâm trạng của bạn, đồng thời có tác động tích cực đến sức khỏe. Theo kết quả một nghiên cứu được công bố trên Plos One, ở cả ba nhóm tuổi khác nhau được khảo sát, các cá thể có nhiều mối quan hệ thân thiết sẽ có nhận thức tốt hơn so với những người cùng độ tuổi.

#2: Tìm kiếm lại giá trị bản thân

Theo ý kiến của Fritz Gilbert, người đã nghỉ hưu ở tuổi 55 vào năm 2018, bên cạnh kế hoạch tích lũy tài sản, hãy dành thời gian cân nhắc xem bản thân muốn làm gì sau khi nghỉ hưu. Fritz Gilbert cho biết, khi còn đi làm, bạn sẽ nghĩ rằng có toàn bộ thời gian rảnh rỗi sẽ rất tuyệt, thế nhưng đó lại là vấn đề khá lớn mà ít người nghĩ đến.

Nếu mục tiêu nghỉ hưu sớm của bạn là để nghỉ ngơi, du lịch khắp nơi,... để bù lại những tháng ngày làm việc vất vả, đến một thời điểm nhất định, bạn sẽ cảm thấy mọi thú vui đó rồi cũng trở nên nhàm chán. Không chỉ thế, bạn còn có thể cảm thấy bản thân không còn mang lại giá trị như khi còn làm việc.

Giải pháp:

Fritz Gilbert gợi ý rằng, trước khi chính thức nghỉ hưu (khoảng 2-3 năm hoặc sớm hơn), hãy suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề bản thân muốn làm gì trong tương lai. Đó có thể là bất cứ hoạt động nào mà bạn thích: viết lách, trồng cây, nấu ăn, giữ trẻ,... hoặc những điều gì đó bạn luôn muốn trải nghiệm nhưng chưa có cơ hội thực hiện.

Khi có quá nhiều thời gian nhàn rỗi, con người thường có xu hướng chán nản, cô đơn và nảy sinh các cảm giác tiêu cực. Vậy nên, việc giữ bản thân bận rộn ở một mức độ vừa phải sẽ giúp bạn luôn ở trạng thái tràn đầy sức sống, vui vẻ và cảm thấy bản thân có giá trị.


Theo:
T.S
Nguồn:
ProFin tổng hợp

Bạn có thể quan tâm