Kiến thức
Anti-Budget là gì? Phương pháp này có gì khác biệt và dành cho đối tượng nào?

Nếu bạn không thích quản lý tài chính cá nhân với những nguyên tắc phức tạp và nghiêm ngặt, Anti-Budget chính là cách phù hợp nhất dành cho bạn.
Anti-Budget nghĩa là gì?
Phương pháp anti-budget lần đầu được đề cập bởi blogger Paula Pant của trang web tài chính cá nhân Afford Anything. Ý tưởng chính hình thành nên phương pháp này chính là tiết kiệm, thanh toán hóa đơn và sử dụng số dư còn lại tùy theo ý bạn. Mặc dù đơn giản, song anti-budget vẫn đáp ứng được nhu cầu tiết kiệm của số đông khi lập kế hoạch quản lý ngân sách. Phương pháp ưu tiên việc tiết kiệm chứ không phải sau cùng như các nguyên tắc quản lý khác. Vậy nên, bạn hoàn toàn vừa tiết kiệm tiền, đồng thời cũng có thể mua được những món đồ mình yêu thích.
Các bước lập ngân sách với Anti-Budget
Có 3 bước để lập kế hoạch theo dõi ngân sách với phương pháp Anti-budget. Để dễ hình dung hơn, đầu tiên bạn hãy xem thử bảng ví dụ tham khảo dưới đây.
1. Tích lũy cho quỹ tiết kiệm của bạn
Điều đầu tiên bạn cần làm đó chính là trích một phần thu nhập vào quỹ tiết kiệm. Bạn có thể để dành cho quỹ dự phòng khẩn cấp, quỹ về hưu sớm hoặc các mục tiêu tài chính dài hạn như mua nhà, mua xe hoặc trả hết các khoản vay. Không có con số cụ thể rằng bạn phải tiết kiệm bao nhiêu, tuy nhiên nếu được hãy tích lũy ít nhất 10-20% lương mỗi tháng.
2. Thanh toán các hóa đơn hàng tháng
Sau khi đã trích ra một khoản để tiết kiệm, bước tiếp theo là liệt kê ra các loại chi phí thiết yếu bạn cần thanh toán hàng tháng: tiền nhà, tiền điện - nước - internet, tiền ăn uống, học phí cho con, chi phí đi lại,... Việc liệt kê các chi phí này giúp bạn dễ kiểm soát chi tiêu và tiết kiệm hiệu quả hơn.
3. Sử dụng số dư còn lại vào những khoản khác
Không giống như các nguyên tắc ngân sách khác, anti-budget không kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động chi tiêu của bạn. Nếu đã tiết kiệm và thanh toán xong các chi phí cần thiết, bạn có thể dùng thoải mái số dư còn lại vào các nhu cầu khác của bản thân. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là không nên chi tiêu quá tay để rồi lấy tiền tiết kiệm ra dùng.
- Theo:
- Đại Phong
- Nguồn:
- ProFin tổng hợp