Kiến thức
Nghề hay nghiệp #3: Làm thế nào áp dụng bảng phân tích SWOT để vạch ra hướng đi mới cho sự nghiệp?

Dù bạn là người đi làm hay là vẫn còn trên ghế nhà trường, sẽ có những lúc phải đối mặt với những thử thách để nâng cao khả năng của mình. Với bảng phân tích SWOT, bạn sẽ có cái nhìn tổng quát về bản thân và tìm ra phương hướng giải quyết thích hợp một cách nhanh chóng.
Cụm từ SWOT mang ý nghĩa gì?
Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến cụm từ SWOT ít nhất một lần. SWOT được viết tắt từ 4 từ sau: Strong (điểm mạnh), Weaknesses (điểm yếu), Opportunities (cơ hội), và Threats (những mối đe dọa). Vào ban đầu khi vừa mới xuất hiện, SWOT chủ yếu sử dụng trong lĩnh vực kinh doanh, các khối ngành kinh tế - tài chính. Về sau, nhiều người nhận ra SWOT có thể áp dụng vào nhiều khía cạnh khác: quản lý tài chính cá nhân, cải thiện bản thân (học ngoại ngữ mới, kế hoạch giảm cân, thăng tiến trong công việc,...) và thậm chí là lựa chọn đối tượng để hẹn hò, kết hôn.
Xem thêm: Làm thế nào áp dụng SWOT vào kế hoạch quản lý tài chính cá nhân?
Cách để áp dụng SWOT vào khía cạnh phát triển bản thân
SWOT đưa ra những câu hỏi thuộc từng danh mục strong (điểm mạnh), weaknesses (điểm yếu), opportunities (cơ hội), và threats (những mối đe dọa). Qua đó, bạn sẽ có cái nhìn đúng nhất về tiềm năng của bản thân và những điểm cần cải thiện. Giả sử như bạn đang có kế hoạch nâng cao kỹ năng chuyên môn để tìm kiếm thêm công việc ngoài giờ. Đây là những câu hỏi bạn cần phải trả lời:
Strengths (điểm mạnh):
- Bạn có những chứng chỉ chuyên môn hoặc bằng cấp gì trong lĩnh vực đang làm việc?
- Bạn có nền tảng kiến thức như thế nào về lĩnh vực có thể giúp bạn tìm thêm việc ngoài giờ? Chẳng hạn như: SEO, thiết kế đồ họa, kế toán,..
- Trong những năm đi làm, bạn có tham gia hoặc đảm nhận dự án lớn hay quan trọng của công ty không?
- Bạn đánh giá thế nào khả năng sắp xếp công việc và làm việc độc lập của mình?
Weaknesses (điểm yếu):
- Bạn còn thiếu những tố chất gì mà một người làm việc tự do cần có? Ví dụ: tính kỷ luật cao, kỹ năng đàm phán với khách hàng tốt,...
- Có yếu tố nào khiến bạn cảm thấy thiếu tự tin khi phải một mình đảm nhận một dự án không?
- Bạn có từng phạm những sai lầm tại chỗ làm cũ có thể ảnh hưởng đến hình ảnh chuyên nghiệp của bạn không? Ví dụ như: nộp báo cáo trễ, vào họp không đúng giờ,...
Opportunities (cơ hội):
- Bạn có ưu điểm gì nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường?
- Bạn có nhiều mối quan hệ có thể giúp bạn tiếp cận các cơ hội công việc tốt nhất không?
- Bạn có tham gia khóa học hoặc hội thảo nào có thể giúp bạn làm đẹp hồ sơ cá nhân không?
Threats (đe dọa):
- Tỷ lệ cạnh tranh của lĩnh vực bạn muốn dấn thân vào có cao không?
- Nếu nhận thêm công việc tự do, bạn có gặp khó khăn gì trong việc cân bằng đời sống cá nhân và hai công việc cùng lúc không?
- Nếu định chuyển sang hẳn làm việc tự do, thu nhập của bạn có đủ để xoay sở chi phí sinh hoạt trong thời gian đầu không?
Để có cái nhìn bao quát hơn, bạn có thể liệt kê câu trả lời của mình vào bảng như sau:
Tóm lại, có thể thấy bảng phân tích SWOT giúp bạn nắm được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, đồng thời giúp bạn dễ dàng lên kế hoạch và đưa ra phương án cải thiện. Không chỉ áp dụng vào quản lý tài chính cá nhân hay công việc, bạn có thể bảng phân tích SWOT vào bất cứ khía cạnh nào bạn cảm thấy cần thiết.
“Nghề hay nghiệp” là chuỗi bài do ProFin thực hiện với mong muốn cung cấp góc nhìn mới, kiến thức hữu ích cho các bạn sinh viên, người mới đi làm hoặc bất kỳ ai đang quan tâm đến việc định hướng và phát triển bản thân trong dài hạn. Qua chuỗi bài viết, ProFin hy vọng bạn có thể quyết định được những công việc hàng ngày đang làm là “nghề” hay “nghiệp”, để từ đó lựa chọn cho mình hướng đi đúng đắn và khôn ngoan nhất.
- Theo:
- Đại Phong
- Nguồn:
- ProFin