Kiến thức
Nghề hay nghiệp #4: Làm thế nào để tìm được công việc ngoài giờ phù hợp nhất?

Theo kết quả khảo sát từ Dollar Sprout, 41% người tham gia cho biết họ dựa vào thu nhập từ công việc tay trái để xoay sở chi phí sinh hoạt hàng tháng, tỷ lệ này tăng 27% so với năm 2020. Kết quả này không quá bất ngờ, kể từ khi dịch bệnh bùng nổ, ngày càng có nhiều người tìm kiếm công việc ngoài giờ để làm thêm, khi vị trí toàn thời gian không mang lại thu nhập ổn định do COVID-19.
Nếu bạn đang có ý định dấn thân vào tìm công việc thứ hai để có thêm thu nhập, hoặc tích lũy cho các mục tiêu tài chính dài hạn, dưới đây là những điều bạn cần lưu ý:
Xác định công việc tiềm năng dành riêng cho bạn
Kể từ sau khi giãn cách xã hội, trên thị trường hiện nay có rất nhiều vị trí cho phép làm việc từ xa, vì vậy bạn có khá nhiều sự lựa chọn hơn so với trước kia. Tuy nhiên, trước khi nộp hồ sơ ứng tuyển, sau đây là một số câu hỏi bạn cần trả lời để nhận ra tiềm năng của bản thân:
- Bạn mong muốn làm việc ở lĩnh vực nào? Kể cả khi không có niềm đam mê mãnh liệt với công việc nào, ít ra bạn cũng có thể liệt kê ra được công việc mình thích và không thích. Ví dụ bạn thích làm những công việc thuộc khối ngành truyền thông hơn là nhóm ngành dịch vụ, kinh tế - tài chính,...
- Bạn đánh giá kỹ năng của mình ở lĩnh vực đó như thế nào? Sau khi xác định được khối ngành muốn làm, tiếp theo bạn cần đánh giá khách quan về kỹ năng chuyên môn. Bạn có nhiều kinh nghiệm làm việc ở lĩnh vực đó không? Nếu không, bạn sẽ cải thiện bằng cách nào? Ví dụ như tham gia lớp học đào tạo, khóa học trực tuyến, hoặc các hội thảo chuyên ngành,,...
- Bạn cần bỏ ra những chi phí gì? Để làm được công việc đó, bạn có cần mua sắm thêm các trang thiết bị gì hay không? Chẳng hạn như các công việc như thiết kế đồ họa 3D, chỉnh sửa video, thiết kế phần mềm,... đòi hỏi phải có máy tính cấu hình mạnh mẽ và nhiều tính năng hiện đại.
- Làm thế nào tìm được khách hàng đầu tiên? Không giống như công việc tại công ty, khi làm việc tự do bạn buộc phải tự mình tìm kiếm khách hàng. Có một số cách bạn có thể làm: tận dụng mối quan hệ xung quanh, đăng tải lên các nhóm cộng đồng freelancer Việt Nam trên Facebook hoặc một số website dành cho người làm việc tự do như: FreelancerViet, Vlance.vn Upwork,...
Nguồn ảnh: ProFin
Học cách cân bằng công việc và cuộc sống cá nhân
Khi có hai công việc, bạn có thể gặp khó khăn trong việc cân bằng cuộc sống của mình. Nếu làm việc quá sức, bạn có thể rơi vào tình trạng burnout (cạn kiệt năng lượng). Dưới đây là một số mẹo giúp bạn quản lý thời gian và sắp xếp công việc dễ dàng hơn:
- Sắp xếp công việc thông minh. Khi có hai công việc, khối lượng công việc chắc chắn sẽ nhiều hơn so với trước đây. Do đó, bạn cần có kế hoạch sắp xếp công việc thông minh để giảm căng thẳng, đồng thời xử lý mọi thứ nhanh chóng hơn. ProFin khuyến nghị bạn nên kết hợp phương pháp Eat The Frog (xác định nhiệm vụ có độ ưu tiên cao nhất) và Deep Work (lên lịch làm việc “sâu”) để đạt được kết quả tốt nhất.
- Dành thời gian sạc lại năng lượng. Việc gắng sức làm việc trong thời gian dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Do đó, đừng quên dành ra một khoảng thời gian riêng trong ngày để ăn uống, nghỉ ngơi và tập vài bài thể dục nhẹ nhàng.
- Loại bỏ các yếu tố gây phân tâm. Có thể bạn đã biết, mạng xã hội có khả năng gây nghiện hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Bạn tự nhủ chỉ lướt khoảng 10 phút rồi quay lại làm việc, thế rồi hàng giờ đã trôi qua khi nào không biết. Để khắc phục điều này, bạn có thể dùng một số ứng dụng điện thoại giúp tập trung như Forest, hoặc cài đặt tiện ích Block Site (chặn các trang web gây mất tập trung) cho trình duyệt như Chrome, Safari, Firefox, Opera,...
Nhận thức những rủi ro có thể xảy ra khi làm việc tự do
Hiện nay, công việc tay trái mà mọi người nhận thường là công việc tự do (freelancing). Tuy nhiên, công việc tự do cũng có không ít rủi ro và bất cập về nhiều khía cạnh khác nhau, chứ không hoàn toàn màu hồng như hình dung.
#1: Phương diện tài chính
Theo phân tích từ trang The Balance Careers, một trong những điểm trừ khi làm việc tự do chính là thu nhập không ổn định, các vấn đề liên quan đến thuế, bảo hiểm xã hội, cũng như thiếu đi các phúc lợi đi kèm.
Vào giai đoạn đầu, thu nhập của bạn sẽ không ổn định và đều đặn. Thực chất, yếu tố này không quá quan trọng đối với những người muốn có thêm tiền chi tiêu thoải mái hơn. Thế nhưng, đối với những cá nhân cần có thêm nguồn thu để thanh toán khoản vay trả góp, hoặc xử lý nợ nần, đây có thể là vấn đề quan trọng cần chú ý.
Ngoài ra, khi có hai nguồn thu nhập cùng lúc từ hai nơi khác nhau, bạn không thể ủy quyền cho công ty quyết toán mà phải trực tiếp quyết toán với Cơ quan Thuế. Điều này tương đối rắc rối cho những ai chưa có kinh nghiệm tự đi làm thủ tục quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
#2: Đối với đời sống cá nhân
Dựa trên kết quả khảo sát từ Dollar Sprout, 48% người tham gia cho biết họ có ít thời gian hơn dành cho gia đình và bạn bè. Không chỉ vậy, họ còn phải đánh đổi nhiều thứ khác như không có thời gian cho các hoạt động giải trí, ngủ ít hơn, tập thể dục ít hơn và giảm đi thời gian tập trung vào công việc chính.
Kết quả khảo sát từ Dollar Sprout về các mặt trái khi có hai công việc cùng lúc.
Nguồn: ProFin
Từ kết quả trên, có thể thấy đời sống tinh thần và sức khỏe bị ảnh hưởng không ít khi phải duy trì cùng lúc hai công việc. Serenity Gibbons - Cựu Trợ lý Biên tập tại The Wall Street Journal cho biết, khi phải duy trì cùng lúc hai công việc, mức độ căng thẳng sẽ tăng lên so với thông thường. Điều đó không chỉ mang lại tác động tiêu cực đối với sức khỏe thể chất - tâm lý, đồng thời còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì các mối quan hệ xung quanh.
Kết luận: Trước khi bạn bắt tay vào công cuộc tìm kiếm thêm công việc tự do ngoài giờ, hãy nhìn vào bức tranh tổng thể, bao gồm cả mặt tích cực và những điều cần phải đánh đổi (thời gian rảnh rỗi ít hơn, áp lực tăng cao,..) để đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất.
“Nghề hay nghiệp” là chuỗi bài do ProFin thực hiện với mong muốn cung cấp góc nhìn mới, kiến thức hữu ích cho các bạn sinh viên, người mới đi làm hoặc bất kỳ ai đang quan tâm đến việc định hướng và phát triển bản thân trong dài hạn. Qua chuỗi bài viết, ProFin hy vọng bạn có thể quyết định được những công việc hàng ngày đang làm là “nghề” hay “nghiệp”, để từ đó lựa chọn cho mình hướng đi đúng đắn và khôn ngoan nhất.
- Theo:
- An Too
- Nguồn:
- ProFin tổng hợp