Profin

Quan điểm

Quản lý tài chính cá nhân #12: 3 yếu tố tài chính nên cân nhắc trước khi nghỉ việc

Quản lý tài chính cá nhân #12: 3 yếu tố tài chính nên cân nhắc trước khi nghỉ việc

Nghỉ việc là một quyết định quan trọng, do vậy trước khi nộp đơn, có rất nhiều yếu tố bạn nên cân nhắc, đặc biệt là khía cạnh tiền bạc.

Xác định nguyên nhân cốt lõi khiến bạn muốn nghỉ việc

Theo lời khuyên của Jeffrey DeGroat - một nhà tâm lý học lâm sàng, bạn nên tìm ra vấn đề thật sự khiến bản thân cảm thấy chán nản, mệt mỏi. Bởi vì khi chưa giải quyết vấn đề cốt lõi, dù bạn có rời đi chỗ làm cũ hoặc mối quan hệ cũ, bạn sẽ vẫn cảm thấy thất vọng và không vui vẻ.

Chính vì thế, trước khi thông báo ý định nghỉ việc cho cấp trên, hãy dành thời gian để suy ngẫm lại. Điều đó giúp bạn có cái nhìn toàn cảnh về tình hình công việc, đồng thời đưa ra quyết định sáng suốt hơn thay cho hành động bốc đồng theo cảm xúc. Một số khía cạnh sau đây bạn nên ưu tiên xem xét:

  • Khối lượng công việc: Dạo này lượng công việc bạn phải xử lý nhiều hơn trước dẫn đến burnout (cạn kiệt năng lượng) không? Hoặc trường hợp ngược lại, bạn không được giao bất kỳ nhiệm vụ gì vì thiếu sự tin tưởng từ cấp trên?

  • Cơ hội thăng tiến: Theo khảo sát từ Office Team, 66% nhân viên sẽ bỏ việc khi cảm thấy bản thân không được đánh giá đúng với năng lực chuyên môn. Chẳng hạn như bạn đã làm việc tại một công ty khá lâu, tuy nhiên vẫn chưa có cơ hội thăng chức, phát triển sự nghiệp rõ ràng.

  • Chế độ phúc lợi: Công ty của bạn có chính sách lương thưởng, nghỉ phép rõ ràng hay không? Bên cạnh đó, các lợi ích bắt buộc của nhân viên như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có được quan tâm đúng mực.

  • Môi trường làm việc: Theo kết quả khảo sát 2.000 nhân viên của tập đoàn tuyển dụng HAYS, văn hóa công ty chính là lý do chính khiến họ tìm kiếm công việc mới. Bên cạnh đó, kết quả báo cáo do Deloitte thực hiện cho thấy, 72% nhân viên người Mỹ sẽ rời bỏ tổ chức hiện tại để tìm một nơi họ dễ dàng hòa nhập hơn.

Sau khi khám phá ra nguyên nhân khiến bạn muốn nghỉ việc, bạn hãy dành thời gian để ngồi xuống trò chuyện với cấp trên để tìm ra biện pháp giải quyết. Nếu cấp trên không lắng nghe ý kiến của bạn hoặc đưa ra giải pháp, đó chính là thời điểm thích hợp để rời đi.

3 yếu tố tài chính nên cân nhắc trước khi nghỉ việc

Công cuộc tìm việc có thể kéo dài hơn bạn hình dung, đặc biệt thị trường lao động đã trở nên khốc liệt hơn sau khi dịch bệnh xảy ra. Vì vậy, đừng vội vàng xin nghỉ khi chưa có việc làm mà hãy cân nhắc 3 yếu tố dưới đây:

#1: Xây dựng quỹ tiết kiệm

Theo gợi ý của Susan Peppercorn - một chuyên gia Tư vấn và định hướng sự nghiệp, giả sử đang có ý định nghỉ việc trong vòng 12 tháng tới, trong 3 tháng đầu tiên, bạn nên tập trung vào việc tiết kiệm tiền. Bạn có thể tham khảo một số lời khuyên xây dựng quỹ tiết kiệm của các chuyên gia tài chính tại bài viết dưới đây.

Việc có một khoản tiền tiết kiệm không chỉ giúp bạn không rơi vào hoàn cảnh túng thiếu, đồng thời còn khiến bạn tỉnh táo và đưa ra lựa chọn khôn ngoan nhất. Nếu tài chính cạn kiệt mà vẫn chưa có được việc như ý, nhiều khả năng bạn buộc phải chấp nhận một công việc không thật sự thích cùng mức lương thấp.

Bạn cần xây dựng quỹ tiết kiệm khẩn cấp trước khi chấm dứt công việc hiện tại.

Nguồn ảnh: Freepik

#2: Dùng tiền để trau dồi kỹ năng chuyên môn

Việc học thêm các kỹ năng là rất cần thiết nếu bạn muốn tìm kiếm công việc có vị trí cao hơn, hoặc chuyển sang lĩnh vực mới mà trước đây bạn không hề có kinh nghiệm. Điều đó cũng gián tiếp chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là một người cầu tiến, luôn sẵn sàng học hỏi cái mới để đem lại giá trị cho công ty.

Kể từ khi dịch bệnh bùng nổ, các nền tảng giáo dục trực tuyến ngày càng phát triển và được ưa chuộng hơn. Ưu điểm lớn nhất là về mặt chi phí và thời gian mà vẫn đảm bảo được chất lượng kiến thức, rất phù hợp cho những người đi làm. Hiện tại trên toàn cầu có rất nhiều nền tảng dạy học trực tuyến chất lượng với mức chi phí thấp như Coursera, Udemy, edX, FutureLearn,... Bạn có thể đọc bài đánh giá chi tiết về 4 nền tảng trực tuyến này ở bài viết dưới đây.

Ngoài ra, đây là một số gợi ý hữu ích từ Indeed bạn có thể tham khảo để đạt được kết quả học tập như mong muốn:

  • Đặt ra mục tiêu cụ thể: Thay vì đặt ra mục đích chung chung như là để có được công việc mới, hãy đặt ra mục tiêu cụ thể hơn. Chẳng hạn, nếu muốn nâng cao kỹ năng thuyết trình trước đám đông, bạn nên đặt ra mục tiêu là nắm vững các nguyên tắc cần thiết để tạo ra một bài phát biểu có ảnh hưởng.

  • Chia nhỏ các kỹ năng bạn cần phải học: Ví dụ bạn đang muốn học về Marketing, bạn nên chia ra các kỹ năng nhỏ hơn, chẳng hạn như Social Media, SEO, Email Marketing, Advertising,... Như vậy bạn sẽ dễ dàng sắp xếp thứ tự và thời gian học hợp lý.

  • Nhận diện các rào cản có thể khiến bạn không hoàn thành khóa học: Bạn nên lập ra một danh sách các chướng ngại có ảnh hưởng đến việc học (ví dụ như tài chính và thời gian) và một danh sách động lực (được thăng chức, thu nhập tốt hơn,..). Nhìn vào hai danh sách này cùng lúc sẽ giúp bạn tìm ra phương pháp học tập phù hợp để đạt được mục tiêu đề ra.

#3: Cải thiện kỹ năng đàm phán lương

Thực chất, kỹ năng thỏa thuận lương không chỉ quan trọng khi ứng tuyển vào một vị trí. Sau khi làm việc được một thời gian, bạn có thể mong muốn được tăng thu nhập để tương xứng với cống hiến của mình. Vậy nên, đây là một kỹ năng cần thiết bạn nên tìm cách cải thiện và nâng cao.

Theo đề xuất của Indeed, đầu tiên, bạn cần đánh giá chính xác tiềm năng của bản thân (chẳng hạn như kinh nghiệm làm việc, kỹ năng lãnh đạo, trình độ học vấn, chứng chỉ chuyên môn,...). Tiếp theo, bạn hãy tìm hiểu về mức thu nhập bình quân cho vị trí đang ứng tuyển. Từ đó, bạn sẽ biết được mình nên đưa con số bao nhiêu là thích hợp nhất.

Andres Lares - Đối tác quản lý của Shapiro Negotiations Institute cho biết, bạn nên chuẩn bị trước cho cuộc thảo luận đàm phán lương với bộ phận Nhân sự hoặc cấp trên. Cụ thể hơn, bạn nên biết mình sẽ nói gì và phản ứng ra sao với các tình huống có thể xảy ra trong cuộc trò chuyện đó. Không chỉ thế, điều này sẽ giúp bạn tự tin hơn trong lúc đàm phán, đồng thời hạn chế tình trạng lỡ lời hoặc không kiểm soát cảm xúc.


Theo:
T.S
Nguồn:
ProFin tổng hợp

Bạn có thể quan tâm