Quan điểm
Cân bằng cuộc sống #4: Làm thế nào để lấy lại tinh thần khi rơi vào trạng thái "burnout" (cạn kiệt năng lượng)?

Kể từ khi làm việc tại nhà do giãn cách xã hội, cụm từ “burnout” (cạn kiệt năng lượng) ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Vậy burnout là gì và làm thế nào để cải thiện?
Giải thích hiện tượng “burnout”
Burnout là cảm giác kiệt sức, bất lực khi trải qua tình trạng căng thẳng trong thời gian dài, chủ yếu liên quan đến khía cạnh công việc. Hiện tượng này có thể khiến bạn mất đi hứng thú với những thú vui, không còn cảm giác hào hứng làm bất cứ điều gì.
Sau đây là 5 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cạn kiệt năng lượng:
-
Thường xuyên làm việc quá sức: Theo dữ liệu thống kê của WHO, có đến 745,000 người lao động đã qua đời vào năm 2016 do làm việc quá tải trong thời gian dài.
-
Môi trường làm việc căng thẳng: Vào giai đoạn phải làm việc tại nhà do giãn cách, nhiều lãnh đạo lo sợ nhân viên sẽ lơ là nhiệm vụ nên đã lên kế hoạch kiểm soát chặt chẽ. Làm việc trực tiếp tại văn phòng cũng có những trường hợp tương tự. Điều này có thể gia tăng áp lực cho nhân viên và khiến họ luôn cảm thấy căng thẳng.
-
Sự cạnh tranh không lành mạnh: Điều này có thể dẫn đến sự đố kỵ, ganh ghét độc hại nơi công sở. Từ đó khiến nhiều người cố gắng làm việc để chứng tỏ giá trị của bản thân, đồng thời có cơ hội để hạ bệ đối thủ.
-
Bị cô lập nơi làm việc: Con người là sinh vật xã hội, chúng ta luôn cần sự kết nối với người khác. Vì vậy, những nhân viên gặp khó khăn với việc hòa nhập với đồng nghiệp, hoặc bị tẩy chay vì một lý nào đó,... sẽ cảm thấy thiếu động lực và dễ rơi vào tình trạng burnout hơn.
-
Bị phân biệt đối xử: Không ít công ty hiện nay vẫn còn diễn ra điều này, khi trong một nhóm có người phải làm nhiều việc hơn, một người thì không làm gì cả. Một trường hợp khác, một người có quan hệ tốt hơn với cấp trên được thăng chức. Trong khi người kia không được thăng tiến, lại phải đảm nhận công việc nhiều hơn.
Làm thế nào để cải thiện tình trạng burnout?
Khi đã xác định được nguyên nhân gốc rễ, cách tốt nhất chính là xử lý một cách triệt để. Tuy nhiên, tìm kiếm một công việc mới ở môi trường lành mạnh hơn không hề dễ dàng và nhanh chóng. Có rất nhiều yếu tố nên cân nhắc trước khi nghỉ việc. Vì vậy, đây là 3 mẹo bạn có thể tham khảo để nạp lại năng lượng cho bản thân:
1. Thiết lập thời gian nghỉ ngơi
Đó có thể là khoảng nghỉ ngắn 5-10 phút tại công ty, hoặc chuyến du lịch cuối tuần sau khi kết thúc một dự án dài hơi. Một nghiên cứu trong nhiều năm qua đã cho thấy, mọi người cảm thấy ít căng thẳng và phục hồi năng lượng sau một chuyến du lịch. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc đi du lịch có vẻ không an toàn, bạn chỉ cần tập thói quen thư giãn từ 5-10 phút mỗi tiếng đồng hồ là được. Nếu điều đó vẫn chưa đủ, bạn có thể dành cuối tuần để thư giãn và chăm sóc bản thân, trò chuyện cùng người thân và bạn bè,...
2. Tập thói quen sinh hoạt lành mạnh
Không ít người thường xuyên thức khuya, ăn uống qua loa để giải quyết công việc, thói quen này lại càng nhiều hơn khi làm việc tại nhà. Thay đổi điều này hoàn toàn không dễ dàng, vì vậy hãy bắt đầu bằng những bước nhỏ, chẳng hạn như đi ngủ sớm hơn hôm qua 10 phút, uống nhiều hơn 1 ly nước so với hôm trước, bổ sung rau củ vào một bữa trong ngày,...
3. Học cách tin tưởng vào bản thân
Theo một nghiên cứu được công bố trên trang Frontiers in Psychology, cảm thấy tự tin vào năng lực của bản thân là một cách để chống lại “burnout”. Dù muốn hay không, bạn phải chấp nhận rằng luôn có một số cá nhân luôn tìm cách hạ bệ và dập tắt sự tự tin của người khác. Bạn không thể thay đổi bản chất của họ, vì vậy hãy tự hào vì những gì mình đã làm được, đồng thời làm lơ những người cố hạ bệ bạn và xây dựng mối quan hệ tích cực.
- Theo:
- An Too
- Nguồn:
- ProFin tổng hợp