Điểm tin
Làm việc hiệu quả #1: Đập tan cảm giác trì hoãn vào mỗi sáng sớm với “Eat The Frog” và “Deep Work”

Đấu tranh với cảm giác trì hoãn chưa bao giờ là một điều dễ dàng, đặc biệt là khi bạn có quá nhiều công việc cần xử lý nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu.
Nguồn gốc của phương pháp “ăn ếch”
Phương pháp này bắt nguồn từ Brian Tracy, diễn giả người Mỹ gốc Canada, đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy đã được xuất bản tại Việt Nam: Để hiệu quả trong công việc (có đề cập đến phương pháp Eat The Frog), Nghệ thuật quản lý tài chính cá nhân, Nghệ thuật quản lý thời gian,...
Mark Twain từng nói: “Hãy ăn một con ếch sống trước tiên vào buổi sáng và không có gì tồi tệ hơn sẽ xảy ra với bạn cho đến cuối ngày". Hiểu theo một cách khác, “con ếch” ở đây chính là điều quan trọng nhất mà nếu cứ mãi trì hoãn thì bạn sẽ thấy bồn chồn và lo lắng cả ngày.
Như vậy bạn có thể thấy nguyên tắc hoạt động của ‘Eat The Frog” rất đơn giản: mỗi sáng, hãy xác định nhiệm vụ quan trọng nhất trong ngày cần được hoàn thành trước.
Nếu bạn cảm thấy choáng ngợp vì quá nhiều công việc hoặc bài tập phải làm, phương thức này chắc chắn dành cho bạn. Cần lưu ý rằng điều này không có nghĩa là trong ngày chỉ làm mỗi một việc, bạn vẫn cần thực hiện những việc khác. Tuy nhiên, việc ưu tiên xử lý công việc quan trọng nhất, thường là nhiệm vụ đòi hỏi sự tập trung cao độ trong thời gian dài sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, đồng thời giảm căng thẳng và áp lực. Ví dụ, vào thứ 6 hàng tuần, bạn có đến tận 7-10 nhiệm vụ cần xử lý. Tuy nhiên, mỗi chiều thứ 6, bạn phải nộp báo hàng tuần và trình bày cho cấp trên. Như vậy, đó chính là công việc bạn cần ưu tiên giải quyết. Sau đó, lần lượt xử lý các công việc còn lại.
Kết hợp “Eat The Frog” với “Deep Work” để đạt hiệu quả tốt nhất
Ngay cả khi đang sử dụng các phương pháp tăng năng suất khác, bạn vẫn có thể kết hợp với phương thức “ăn ếch” để đạt được hiệu quả cao nhất.
Như ProFin đã đề cập ở bài viết trước đó, phương pháp deep work (làm việc sâu) của giáo sư Cal Newport ra đời nhằm mục đích loại bỏ những yếu tố phân tâm từ bên ngoài. Từ đó, bạn sẽ dần hình thành thói quen làm việc thông minh, đồng thời tiết kiệm thời gian và giảm sự căng thẳng. Tuy nhiên, nếu không xác định được đâu là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, quy trình làm việc sâu của bạn sẽ không đạt được hiệu quả tốt nhất.
Chính vì vậy, ProFin đề xuất bạn nên kết hợp cả hai để đạt được năng suất làm việc - học tập tốt nhất. Đặc biệt, nếu là một người làm việc tự do, đây chắc chắn là phương pháp làm việc hiệu quả bạn nên thử nghiệm một lần.
Trong trường hợp cảm thấy không phù hợp với “deep work”, bạn vẫn có thể keets hợp với các phương pháp khác, chẳng hạn như pomodoro.
Làm thế nào để xây dựng kế hoạch làm việc với “Eat The Frog” và “Deep Work”?
Sau đây là 4 bước để làm việc hiệu quả cùng với “Eat The Frog” và “Deep Work”:
Bước 1: Xác định “con ếch” của bạn
Đầu tiên, hãy liệt kê ra danh sách công việc cần xử lý trong ngày, sau đó lựa chọn nhiệm vụ có độ ưu tiên cao nhất. Bước này nên được thực hiện vào sáng sớm, nếu không phải kiểu người dậy sớm, bạn có thể tranh thủ làm vào buổi tối trước đó.
Bước 2: Sắp xếp và lên lịch thời gian “làm việc sâu”
Sau khi chọn được nhiệm vụ cấp bách, bạn nên đặt lịch khoảng thời gian phù hợp để bắt đầu “làm việc sâu”. Tùy vào môi trường và tính chất công việc, bạn có thể sắp xếp linh hoạt sao cho thuận tiện nhất. Đối với những nhiệm vụ phức tạp cần nhiều thời gian và năng lượng để hoàn thành, hãy xen kẽ các khoảng nghỉ nhỏ để thư giãn và giảm bớt căng thẳng.
Bước 3: Thiết lập môi trường làm việc hiệu quả
Tiếp theo, hãy cố gắng loại bỏ những yếu tố phân tâm, chẳng hạn như tắt thông báo mạng xã hội, ứng dụng mua sắm trên smartphone. Trong trường hợp bạn làm việc ở văn phòng đông đúc, hãy đeo tai nghe cách âm, để chế độ rung cho cuộc gọi khẩn cấp. Bên cạnh đó, bạn có thể dùng một số công cụ miễn phí sau đây để hỗ trợ tập trung tốt hơn.
Bài viết liên quan: 4 ứng dụng miễn phí giúp bạn cải thiện khả năng tập trung
Bước 4: Bắt tay vào thực hiện và theo dõi kết quả
Điều quan trọng nhất đem lại kết quả chính là hành động, sau khi đã thực hiện 3 bước trên, hãy bắt đầu xử lý “con ếch” đầu tiên của bạn. Sau vài lần đầu áp dụng, bạn có thể xem xét và đánh giá hiệu suất công việc, từ đó tìm ra giải pháp điều chỉnh và cải thiện tốt hơn.
Ngoài ra, như đã nói ở phần trên, bạn vẫn có thể áp dụng 4 bước này để kết hợp “Eat The Frog” cùng với các phương thức khác: như Pomodoro, hoặc quy tắc 15 phút.
- Theo:
- An Nguyễn
- Nguồn:
- ProFin