Profin

Kiến thức

Làm việc hiệu quả #9: “Ngụy biện lập kế hoạch” - Thiên kiến tâm lý khiến chúng ta cứ mãi chậm deadline?

Làm việc hiệu quả #9: “Ngụy biện lập kế hoạch” - Thiên kiến tâm lý khiến chúng ta cứ mãi chậm deadline?

Bạn đã có sẵn lịch trình cho một ngày làm việc hiệu quả: đọc sách, học trực tuyến, tập thể dục,... Thế nhưng, cuối cùng bạn chỉ đọc được vài ba trang sách, học được vài phút,... rồi tạm dừng để kiểm tra mạng xã hội hoặc xem vài tập phim Netflix. Cuối cùng, một ngày đã trôi qua và bạn không hoàn thành được những gì mình đề ra. Điều đó có quen thuộc với bạn hay không? Nếu câu trả lời có, bạn đang mắc phải hiện tượng “planning fallacy”.

Giải thích định nghĩa Planning Fallacy

Planning Fallacy (tạm dịch: ngụy biện lập kế hoạch) được định nghĩa bởi hai nhà tâm lý học hành vi Daniel Kahneman và Amos Tversky. Đây là một dạng thiên kiến nhận thức (cognitive bias) ảnh hưởng đến khả năng phán đoán và đưa ra quyết định. Tương tự như những dạng thiên kiến tâm lý khác, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của một người theo nhiều khía cạnh khác nhau.

Bài viết liên quan: 5 hiện tượng tâm lý thường thấy có thể khiến bạn gặp rắc rối về mặt tài chính

Theo Daniel Kahneman và Amos Tversky, “ngụy biện lập kế hoạch” là xu hướng dự đoán sai lầm về thời gian để hoàn thành một nhiệm vụ nào đó. Điều này có nghĩa là bạn đánh giá quá cao về khả năng của bản thân hoặc chưa nhìn nhận đúng với thực tế, ngay cả khi điều đó đã từng xảy ra trong quá khứ.

Đối với cấp độ cá nhân, giả sử bạn có một bản báo cáo hàng tháng cần làm trước ngày thứ 6. Vào những tháng trước, bạn cần bắt tay vào làm trước thời hạn một tuần để hoàn thành. Tuy nhiên, vào tháng này, khi lên kế hoạch làm việc, bạn nghĩ mình chỉ cần 3 ngày là đủ. Cuối cùng, đến tận thứ 5, bạn mới chỉ làm xong ⅔ bản báo cáo và buộc phải thức đêm để làm cho xong. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các kế hoạch hoặc mục tiêu bạn đã đề ra, đồng thời khiến bạn dễ trở nên căng thẳng hơn.

Nguyên nhân gì dẫn đến hiện tượng “ngụy biện lập kế hoạch”?

Con người thường có xu hướng hình dung ra các viễn cảnh tích cực hơn là tiêu cực. Chúng ta luôn kỳ vọng về những kết quả tốt đẹp sẽ diễn ra, thay vì chuẩn bị phương án dự phòng cho các trường hợp xấu nhất. Ngay cả điều đó đã từng diễn ra trong quá khứ, chúng ta vẫn mong đợi rằng lần này kết quả sẽ khác. Ngoài ra, con người cũng thường ghi nhớ các kết quả tích cực nhiều hơn so với các kết quả không như mong đợi. Theo kết quả một khảo sát các tân sinh viên từ Harvard Business Review, hầu hết những bạn tham gia khảo sát đều tin rằng khả năng học tập của bản thân sẽ vượt trội hơn 84% các bạn cùng lớp. Dĩ nhiên, con số này sẽ chính xác với một số bạn, tuy nhiên không thể nào tất cả đều nằm trong 16% sinh viên xuất sắc được.

Việc luôn hướng đến kết quả tích cực dẫn đến việc chúng ta đánh giá sai về năng lực của chính mình. Không ít người luôn cho rằng thành công là do tài năng của mình, còn thất bại là do các yếu tố ngoại cảnh tác động. Đây chính là một tư duy khá nguy hiểm mà nhiều người thường phạm phải.

Nhiều người có thói quen đánh giá bản thân dựa trên những thành công, bỏ qua các sai lầm trong quá khứ.

Nguồn ảnh: Brooke Cagle / Unsplash

Làm thế nào để không rơi vào hiện tượng “ngụy biện lập kế hoạch”?

Như ProFin đã đề cập ở trên, đây là một dạng thiên kiến nhận thức khá nguy hiểm, có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Vì vậy, dưới đây là một số mẹo bạn có thể áp dụng để tránh rơi vào hiện tượng này:

Nhìn nhận sự việc đa chiều và khách quan

Khi bắt đầu lên kế hoạch, dù là dự án công việc hay là dự án cá nhân, hãy tiếp nhận thông tin và nhìn nhận theo nhiều chiều hướng khác nhau. Không nên quá kỳ vọng vào kết quả tốt đẹp nhất, cũng không nên quá tiêu cực. Hãy tiếp cận vấn đề và đưa ra kết quả khách quan nhất dựa trên các thông tin có sẵn.

Đặt ra thời gian cụ thể

Quay trở lại với ví dụ ProFin đã đặt ra ở đầu bài, làm thế nào để hoàn thành các nhiệm vụ bạn đã đề ra? Đừng để ra một cách chung chung như hôm nay làm báo cáo, ngày mai đọc sách,... Hãy chọn ra khung giờ cụ thể cho từng nhiệm vụ và đặt thông báo nhắc nhở. Bạn có thể kết hợp hai phương pháp “Eat The Frog” và “Deep Work” để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Bài viết liên quan: Đập tan cảm giác trì hoãn vào mỗi sáng sớm với “Eat The Frog” và “Deep Work”

Chia nhỏ các nhiệm vụ

Trong trường hợp đối với các nhiệm vụ dài hơi, chẳng hạn như: lấy chứng chỉ hoàn thành một khóa học 6 tháng, đọc hết quyển sách chuyên ngành,... Bạn có thể chia ra các giai đoạn hơn, chẳng hạn mỗi ngày đọc 10 trang sách. Như vậy, bạn sẽ có động lực hoàn thành nhiệm vụ nhanh chóng hơn.


Theo:
An Nguyễn
Nguồn:
ProFin

Bạn có thể quan tâm