Profin

Kiến thức

Nghề hay nghiệp #2: Digital Nomad - Xu hướng làm việc từ mọi nơi có dành cho bạn?

Nghề hay nghiệp #2: Digital Nomad - Xu hướng làm việc từ mọi nơi có dành cho bạn?

Theo kết quả một thống kê, tính đến năm 2020, có hơn 35 triệu người trên toàn cầu đang làm việc với hình thức “digital nomad”. Đó là gì và làm sao để thực hiện, hãy cùng ProFin tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Giải thích ý nghĩa cụm từ Digital nomad

Thuật ngữ digital nomad (tạm dịch: du mục kỹ thuật số) lần đầu tiên xuất hiện cách đây hơn 20 năm, trong quyển sách cùng tên The Digital Nomad, được viết bởi hai tác giả Tsugio Makimoto và David Manners. Trong quyển sách này, cả hai đã cho rằng trong tương lai không xa, một thiết bị giúp nhân viên có thể làm việc từ bất cứ đâu trên thế giới.

Kể từ khi dịch bệnh bùng nổ, hình thức làm việc này ngày càng được nhiều bạn trẻ lựa chọn bởi nhiều lợi ích khác nhau. Đây là những đối tượng sống theo phong cách du mục, họ có thể làm việc từ xa ở bất cứ đâu (quán cà phê, khách sạn, bãi biển, thậm chí là một đất nước khác,...) và không cần có mặt tại văn phòng công ty. Họ chỉ cần các thiết bị công nghệ như máy tính xách tay, máy tính bảng và mạng internet ổn định là được. Tại Việt Nam, những người làm việc tự do (freelancer) cũng có thể được coi là digital nomad.

Những ngành nghề phổ biến nhất đối với hình thức làm việc này bao gồm: marketing (truyền thông), thiết kế đồ họa, lập trình, giảng dạy trực tuyến, tư vấn, chăm sóc khách hàng,... Theo kết quả của một thống kê, tính đến năm 2020, có hơn 35 triệu người trên toàn cầu đang làm việc dưới hình thức này. Bên cạnh đó, theo kết quả một nghiên cứu từ MBO Partners, có hơn 10.9 triệu người ở Hoa Kỳ đang theo đuổi phong cách làm việc du mục này, trong khi đó 19 triệu người Mỹ khác đang cân nhắc để lựa chọn hình thức này trong tương lai.

Ưu, nhược điểm của phong cách “du mục kỹ thuật số”

Lợi thế lớn nhất của hình thức digital nomad chính là sự linh hoạt và tự do. Tuy nhiên, phong cách làm việc này không dành cho tất cả mọi người. Nếu không có đủ kỹ năng cần thiết, bạn có thể không kiếm đủ tiền để xoay sở chi phí sinh hoạt hàng tháng và buộc phải quay lại phong cách làm việc cũ.

Vì vậy, trước khi có ý định từ bỏ công việc toàn thời gian để theo đuổi hình thức “du mục kỹ thuật số”, hãy cân nhắc các điểm cộng và điểm trừ sau đây:

Nguồn ảnh: ProFin

Tiềm năng phát triển trong tương lai

Sau khi đã cân nhắc các điểm cộng và điểm trừ, bạn cảm thấy hình thức này phù hợp với mình và muốn dấn thân vào. Vậy bước tiếp theo bạn nên làm đó chính là tìm hiểu về tiềm năng phát triển của loại hình này trong tương lai.

Nếu như cách đây một vài năm, mô hình làm việc tự do còn khá hạn chế và nhiều bất cập đối với những người làm việc tự do. Hiện tại, sau khi trải qua giai đoạn giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp bắt đầu ưu tiên tìm kiếm các ứng viên tiềm năng làm việc từ xa. Đối với nhà tuyển dụng, mô hình làm việc này giúp họ dễ tìm thấy ứng viên có năng lực tốt nhất và phù hợp nhất với tiêu chí của họ, đồng thời tiết kiệm một khoản chi phí vận hành không nhỏ. Bạn có thể tham khảo kết quả khảo sát ý kiến của 1.100 nhà tuyển dụng trên Indeed về mô hình làm việc từ xa dưới ảnh sau:

Quan điểm của nhà tuyển dụng về mô hình tuyển dụng nhân sự từ xa, theo kết quả khảo sát của Indeed.

Nguồn ảnh: ProFin

Như vậy, nếu tự tin với chuyên môn và khả năng quản lý công việc của bản thân, bạn có thể tìm kiếm công việc từ xa trên các trang tuyển dụng uy tín. Hầu hết các đơn vị tuyển dụng trong nước và ngoài nước đều bổ sung một chuyên mục riêng cho các vị trí làm việc từ xa (remote work) trên website của họ.

Làm thế nào để lập kế hoạch trở thành một digital nomad?

Nếu vẫn còn đang làm việc toàn thời gian tại văn phòng, bạn không thể nào cứ đột ngột nghỉ việc rồi trở thành một người “du mục kỹ thuật số” được. Bạn cần lập một kế hoạch chi tiết và hoàn chỉnh để có thể gặt hái thành công. Sau đây là một số gợi ý của ProFin để bạn bắt đầu:

Xác định công việc bạn muốn làm

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều vị trí có thể làm việc từ xa, thế bạn muốn làm công việc gì trong số đó? Bạn có thể lựa chọn dựa trên hai tiêu chí sau: thứ bạn thích và thứ bạn giỏi. Nếu có cả hai yếu tố đó thì quá hoàn hảo, trong trường hợp bạn chỉ có một thì cũng không có vấn đề gì. Đây là bước quan trọng nhất, vì vậy bạn có thể mất nhiều thời gian để hiểu được đam mê và năng lực của bản thân.

Chuẩn bị phương án cho những trường hợp tệ nhất

Một sai lầm mà không ít người phạm phải đó chính là chỉ nhìn vào mặt tích cực. Duy trì tinh thần lạc quan dĩ nhiên rất tốt, tuy nhiên cuộc sống vốn không thuận lợi và đơn giản như vậy. Bạn buộc phải tính đến viễn cảnh tệ nhất như sau:

  • Sau nhiều tháng vẫn không kiếm được dự án
  • Thu nhập bấp bênh, không đủ chi trả chi phí sinh hoạt hàng tháng

Chính vì vậy, bạn cần tích lũy trước một khoản tiết kiệm dự phòng, lý tưởng nhất là từ 3-6 tháng sinh hoạt phí. Như vậy, ngay cả khi mọi thứ không tiến triển thuận lợi như mong đợi, bạn sẽ không bị căng thẳng hoặc áp lực về mặt tài chính và buộc phải quay trở lại hoặc chấp nhận công việc mình không thích.

Bài viết liên quan: Làm thế nào để xây dựng quỹ tiết kiệm khẩn cấp?

Bắt tay vào xây dựng Portfolio

Đối với một người làm việc tự do, tầm quan trọng của portfolio (danh mục dự án) rất quan trọng. Hiểu một cách đơn giản nhất, portfolio là danh mục các dự án, sản phẩm bạn đã từng thực hiện trong quá khứ. Portfolio có nhiều hình thức khác nhau: file PDF, trang web, trang blog cá nhân, file thuyết trình hoặc video. Tùy theo tính chất công việc hoặc khả năng sáng tạo, bạn có thể chọn cho mình một hình thức phù hợp nhất: vừa thể hiện năng lực chuyên môn, vừa bộc lộ cá tính của riêng bạn.

Trong trường hợp muốn dấn thân hoặc chuyển hướng sang một lĩnh vực mới, bạn nên cố gắng tận dụng các mối quan hệ xung quanh. Hãy làm một vài dự án đầu tiên miễn phí hoặc mức giá rẻ cho bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên. Như vậy, họ có thể giới thiệu bạn cho các khách hàng khác, còn bạn có dự án để xây dựng portfolio của mình.

Bạn có thể xây dựng Portfolio cá nhân dưới dạng một trang web, hoặc các hình thức khác nếu muốn.

Nguồn ảnh: Ravi Vora

Ngoài ra, hãy tham gia các hội thảo chuyên ngành, khóa học trực tuyến để bổ sung kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn. Một số trang web học trực tuyến có uy tín bạn có thể tham khảo như: Udemy, Coursera, LinkedIn Learning,...

Xây dựng thói quen làm việc hiệu quả

Khi trở thành một “du mục kỹ thuật số”, điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải tự mình kiểm soát quy trình công việc, không phải thông qua bộ phận nào, ngoại trừ việc đàm phán với khách hàng. Vì thế, bạn cần xây dựng cho mình ý thức kỷ luật tốt, cùng với khả năng sắp xếp công việc và quản lý thời gian hiệu quả. ProFin xin gợi ý cho bạn là hãy kết hợp hai phương pháp “Eat The Frog” cùng với “Deep Work” (hoặc “Pomodoro”) để đạt hiệu quả tốt nhất.

Bài viết liên quan: Đập tan cảm giác trì hoãn vào mỗi sáng sớm với “Eat The Frog” và “Deep Work”

Học cách cân bằng công việc và đời sống cá nhân

Trong thời gian giãn cách xã hội phải làm việc tại nhà, không ít bạn trẻ đã rơi vào tình trạng “burnout” (kiệt sức). Vì vậy, bạn phải học cách chăm sóc bản thân và vạch ra ranh giới giữa công việc với đời sống cá nhân. Hãy sử dụng phương pháp Deep Work để thiết lập các khoảng nghỉ nhỏ sau thời gian dài làm việc. Ngoài ra, đừng quên ngủ đủ giấc, không uống quá nhiều chất kích thích như cà phê, ngủ đúng giờ và ăn uống lành mạnh.

Bài viết liên quan: Làm thế nào để lấy lại tinh thần khi rơi vào trạng thái "burnout" (cạn kiệt năng lượng)?

“Nghề hay nghiệp” là chuỗi bài do ProFin thực hiện với mong muốn cung cấp góc nhìn mới, kiến thức hữu ích cho các bạn sinh viên, người mới đi làm hoặc bất kỳ ai đang quan tâm đến việc định hướng và phát triển bản thân trong dài hạn. Qua chuỗi bài viết, ProFin hy vọng bạn có thể quyết định được những công việc hàng ngày đang làm là “nghề” hay “nghiệp”, để từ đó lựa chọn cho mình hướng đi đúng đắn và khôn ngoan nhất.


Theo:
An Too
Nguồn:
ProFin tổng hợp

Bạn có thể quan tâm