Profin

Quan điểm

Cân bằng cuộc sống #6: Bạn có đang rơi vào trạng thái “năng suất độc hại”?

Cân bằng cuộc sống #6: Bạn có đang rơi vào trạng thái “năng suất độc hại”?

Trong thời gian làm việc tại nhà, bạn có nhận thấy bản thân đang cố gắng làm việc quá mức? Thậm chí, bạn không dành thời gian cho gia đình hoặc nghỉ ngơi, mà tranh thủ xử lý công việc càng nhanh càng tốt. Nếu có những dấu hiệu như vậy, rất có thể bạn đang lâm vào một tình trạng gọi là “năng suất độc hại”.

Như thế nào là năng suất độc hại?

Mặc dù nghe qua có vẻ mới mẻ và lạ lẫm, thực chất năng suất độc hại (tiếng Anh: toxic productivity) có tính chất khá tương đồng với workaholic (nghĩa tiếng Việt: người nghiện công việc). Nguyên nhân dẫn đến điều này không quá phức tạp: chúng ta sống trong xã hội hiện đại và hối hả. Ai cũng muốn thành công nhanh chóng, chính vì vậy họ dồn hết công sức, thời gian để tập trung vào công việc.

Như ProFin đã đề cập ở trên, năng suất độc hại có tính chất khá tương đồng với vấn đề nghiện công việc. Những người rơi vào tình trạng này sẽ cố gắng làm việc không ngừng nghỉ, họ luôn cảm thấy có gì đó không ổn nếu không dồn sức làm việc. Theo nhà tâm lý học Kathryn Esquer của Teletherapist Network, kể từ khi đại dịch bùng nổ, số người mắc phải tình trạng này ngày càng gia tăng do thói quen sinh hoạt bị xáo trộn.

4 dấu hiệu của năng suất độc hại

Bạn không muốn bất cứ điều gì làm gián đoạn công việc: Sự chăm chỉ và quyết tâm hoàn thành công việc là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, nếu bạn không muốn tạm ngừng làm việc để ăn uống, tắm rửa, nghỉ ngơi, trò chuyện cùng người thân hoặc bạn bè,... vì lo ngại điều đó sẽ làm gián đoạn công việc. Đó chính là năng suất độc hại.

Đặt ra những kỳ vọng không thực tế: Bạn đặt ra mục tiêu ngày nào cũng phải đạt được năng suất cực cao, bất chấp các vấn đề bất ngờ phát sinh.

Không thoải mái khi nghỉ ngơi: Vào những lúc không làm việc, bạn cảm thấy có gì đó không đúng, và không thể nào tận hưởng thời gian thư giãn cho riêng mình.

Không có mục tiêu sự nghiệp rõ ràng: Dù cố gắng hoàn thành mọi thứ, tuy nhiên bạn lại mơ hồ về đích đến trong tương lai. Bạn không biết mình làm vậy vì điều gì, bạn không quan tâm đến việc tăng thu nhập, thăng chức, hoặc trở thành người đứng đầu. Bạn chỉ lao đầu vào làm việc, thế thôi.

Kể từ khi giãn cách xã hội, nhiều người rơi vào tình trạng năng suất độc hại.

Nguồn ảnh: pch.vector / Freepik

Tác động tiêu cực của tình trạng năng suất độc hại

Theo Kruti Quazi - chuyên gia tư vấn tâm lý được chứng nhận cho biết, tình trạng năng suất độc hại kéo dài khiến một người không còn vạch ra ranh giới rõ ràng giữa công việc và đời sống cá nhân. Từ đó, họ dễ rơi vào trạng thái burnout (kiệt sức, cạn kiệt năng lượng), đồng thời có thể dẫn đến căng thẳng mãn tính và trầm cảm. Không chỉ vậy, điều đó còn làm gia tăng nguy cơ mắc phải các chứng bệnh về tim mạch, huyết áp, tiểu đường, các loại ung thư khác, theo một bài viết của trang The Healthy.

Bài viết liên quan: Làm thế nào để lấy lại tinh thần khi rơi vào trạng thái "burnout" (cạn kiệt năng lượng)?

Làm thế nào để cải thiện tình trạng năng suất độc hại?

Thiết lập khoảng thời gian nghỉ ngơi trong ngày: Bước đầu tiên, bạn cần thêm vào các khoảng nghỉ ngắn trong thời gian làm việc. Nếu cảm thấy bồn chồn hoặc đứng ngồi không yên, hãy thử tập yoga hoặc các bài thiền để dễ dàng thư giãn hơn.

Tìm hiểu nguyên nhân sâu xa khiến bạn trở nên như thế: Theo một bài viết trên trang The Healthy, nguồn gốc sâu xa của năng suất độc hại có thể xuất phát từ nỗi sợ hãi bên trong mỗi người: sự thất bại, không được coi trọng, không xứng đáng với giá trị của bản thân,... Nhiều người lựa chọn cách bận rộn nhằm lờ đi những cảm giác đó. Tuy nhiên, bạn cần phải đối mặt với nỗi sợ bên trong của mình để xử lý triệt để vấn đề.

Học cách làm việc hiệu quả, cân bằng cuộc sống và công việc: Thay vì dồn hết công sức và thời gian, hãy học cách làm việc thông minh hơn. Như vậy, bạn có thể giải quyết công việc nhanh chóng, đồng thời có nhiều không gian - thời gian cho bản thân và giảm căng thẳng hiệu quả.


Theo:
An Too
Nguồn:
ProFin tổng hợp

Bạn có thể quan tâm