Profin

Điểm tin

Giảm mạnh thuế nhập khẩu nguyên liệu, bình ổn giá thức ăn chăn nuôi: Chưa kịp mừng đã phải lo thêm...

Giảm mạnh thuế nhập khẩu nguyên liệu, bình ổn giá thức ăn chăn nuôi: Chưa kịp mừng đã phải lo thêm...

Để góp phần hạ giá thức ăn chăn nuôi hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước trước sức ép tăng giá nguyên liệu nhập khẩu, Chính phủ giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu (Most Favoured Nation - MFN) của lúa mì từ 3% giảm xuống 0%, ngô từ 5% xuống 2%.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Theo đó, Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với lúa mì từ 3% xuống 0% và ngô từ 5% xuống 2%, và được áp dụng kể từ ngày 30/12/2021.

Điều chỉnh trên tạo hỗ trợ tích cực cho ngành chăn nuôi, song thuế nhập khẩu mặt hàng cạnh tranh trực tiếp lại cũng giảm mạnh và tạo thêm thách thức mới.

CHỈ MỘT PHẦN XOA DỊU...

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm nay Việt Nam đã nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đạt 4,137 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá nguyên liệu nhập khẩu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng mạnh chủ yếu do dịch COVID-19 tác động tới logistics toàn cầu, đẩy giá cước vận chuyển hàng hóa tăng cao chưa từng có. Ngoài ra, việc phục hồi sản xuất ở nhiều quốc gia cũng khiến nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi gần đây tăng kỷ lục.

Đà tăng giá của nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng mạnh đã đẩy giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm ở trong nước tăng 15 - 20% tùy từng thời điểm.

Cụ thể, giá thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt hiện khoảng 10.785 đồng/kg (tăng 14,6%); thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông màu khoảng 10.885 đồng/kg (tăng 14,4%); thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông trắng khoảng 11.206 đồng/kg (tăng 12,1%).

Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã có khoảng 45 - 50% trang trại gia cầm lớn đã phải “treo chuồng” và 70 - 75% hộ chăn nuôi tạm ngừng tái đàn.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - thủ phủ chăn nuôi cả nước, trong hai loại nguyên liệu được giảm thuế thì lúa mì chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng con người, chỉ có ngô mới là nguyên liệu chính dùng trong công thức phối trộn thức ăn chăn nuôi và chiếm khoảng 70%, đậu tương chiếm 10%, đạm động vật và các chất phụ gia chiếm 20%.

“Chính phủ quan tâm giảm 3% thuế suất thuế nhập khẩu ngô sẽ giúp kéo giảm được khoảng mấy trăm đồng/kg thức ăn chăn nuôi là tương đối tích cực song vẫn còn cao, và có một bất cập khác là thuế suất thuế nhập khẩu thịt heo đông lạnh từ 15% cũng được giảm xuống còn 10%.

Điều này sẽ khiến cho ngành chăn nuôi trong nước có thêm một đối thủ cạnh tranh rất nặng ký, nên dù thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn đã giảm nhưng người chăn nuôi ở Đồng Nai vẫn còn e dè trong việc tái đàn”, ông Đoán cho biết.

Theo phân tích của Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, nếu muốn nuôi một con heo thương phẩm người chăn nuôi phải trải qua 4 giai đoạn nuôi, từ heo con tập ăn đến cai sữa, giá thức ăn cho heo con tập ăn đến cai sữa hiện trên 35.000 đồng/kg, và giá thức ăn cho heo thương phẩm là 13.000 đồng/kg.

Để nuôi một con heo đạt thịt trong lượng 100 kg tiền đầu tư thức ăn tương đương 4 triệu đồng, cộng tiền thuốc thú y và các thứ thì giá thành khoảng 5 triệu đồng, cộng thêm tiền mua con giống 1,5 triệu/con, giá thành sẽ là 6,5 triệu đồng. Đây là trong điều kiện chăn nuôi bình thường nếu có xảy ra dịch bệnh tiền đầu tư sẽ cao hơn.

PHẬP PHỒNG VỚI BA LOẠI DỊCH

Hiện nay giá heo hơi ở Đồng Nai đang dao động từ 42.000 đến 45.000 đồng/kg, như vậy người chăn nuôi đang lỗ khoảng 2 triệu đồng. Nếu có xảy ra các sự cố về dịch tễ thì người chăn nuôi tiếp tục lỗ nặng.

Đầu tháng 11/2021, giá heo hơi ở vùng trọng điểm chăn nuôi Đồng Nai tăng đột biến, từ 35.000 đồng/kg tăng lên từ 50.000 - 52.000 đồng/kg, nhưng mức giá này chỉ tồn tại đúng một tuần và sau đó giảm xuống và đang dao động từ 42.000 - 45.000 đồng/kg.

Do tình hình dịch tễ vẫn đang diễn biến rất phức tạp khi chưa có vắc xin phòng bệnh, và do các trang trại chăn nuôi lo sợ bị gãy gánh giữa đường lại thua lỗ thêm nữa nên họ đẩy mạnh bán heo ra thị trường. Chính vì vậy, tại thời điểm này giá heo không thể tăng lên được và điều này sẽ dẫn đến một thực tế là đến Tết Nguyên đán lượng heo trong chuồng sẽ bị cạn kiệt.

“Ngành chăn nuôi đang bị ba loại dịch tác động mạnh. Thứ nhất, khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở các tỉnh, thành phía Nam, chính quyền áp dụng giãn cách xã hội, thịt heo không tiêu thụ được, làm cho lượng heo trong chuồng không bán ra được gây ra dịch bệnh trên heo.

Thứ hai là dịch tả heo Châu Phi và thứ ba là "dịch giá" đã xói mòn sức chịu đựng của các hộ chăn nuôi”, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai chia sẻ.

Trước đây ngành chăn nuôi đã từng có thời hoàng kim có lúc giá heo hơi lên đến trên 100.000 đồng/kg, người chăn nuôi đạt lợi nhuận cao và thúc đẩy chăn nuôi cũng phát triển rất tốt, nhưng thời “hoàng kim” diễn ra tương đối ngắn. Và trong 2 năm vừa qua những hộ chăn nuôi đều trong tình trạng thua lỗ, đặc biệt đối với chăn nuôi gia cầm đã có hộ phá sản.


Theo:
NGUYỄN HUYỀN
Nguồn:
BizLive

Bạn có thể quan tâm