Profin

Kiến thức

Remote và Hybrid: Ưu, nhược điểm hai mô hình làm việc này đối với chủ doanh nghiệp và nhân viên

Remote và Hybrid: Ưu, nhược điểm hai mô hình làm việc này đối với chủ doanh nghiệp và nhân viên

Do ảnh hưởng của đại dịch, mô hình làm việc từ xa ngày càng trở nên quen thuộc hơn. Các tên tuổi lớn trên toàn cầu như Amazon, Microsoft, Google đều cho phép nhân viên làm việc từ xa, trong khi Twitter còn cho phép nhân viên lựa chọn làm việc tại nhà mãi mãi. Tại Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng nhân viên làm việc từ xa cũng đang tăng dần. Vậy giữa hai mô hình remote (làm việc từ xa toàn thời gian) và hybrid (kết hợp) đâu là giải pháp hoàn hảo nhất?

Giải thích hai mô hình làm việc Remote và Hybrid

Remote là mô hình làm việc từ xa hoàn toàn, nhân viên sẽ không cần phải đến văn phòng công ty. Họ chỉ cần có đầy đủ thiết bị làm việc như máy tính xách tay - điện thoại, mạng internet ổn định và môi trường làm việc phù hợp là đủ. Một số công ty hiện nay đã tuyển dụng bằng hình thức này để giảm chi phí vận hành, đồng thời lựa chọn được ứng viên có năng lực phù hợp nhất mà không bị bó buộc vào vị trí địa lý.

Hybrid là mô hình kết hợp giữa làm việc từ xa và tại văn phòng. Nhân viên có thể đàm phán thời gian lên công ty và làm tại nhà với cấp trên. Do tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, một số doanh nghiệp đề xuất hình thức làm việc này để đảm bảo an toàn, đồng thời tạo sự linh hoạt và thoải mái cho người lao động.

Ưu, nhược điểm của từng loại hình đối với nhân viên và chủ doanh nghiệp

Ưu điểm

Đối với hình thức làm việc từ xa hoàn toàn, chủ doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí vận hành, đồng thời nâng cao chất lượng tuyển dụng ứng viên. Theo kết quả của một nghiên cứu, nếu cho nhân viên làm việc tại nhà, dù chỉ một nửa thời gian, chủ doanh nghiệp có thể tiết kiệm được trung bình 11.000 USD cho mỗi nhân viên.

Đối với người lao động, làm việc từ xa giúp họ tiết kiệm thời gian di chuyển, dễ dàng sắp xếp thời gian sinh hoạt. Ngoài ra, các ứng viên ở cách xa các thành phố lớn có nhiều cơ hội tìm kiếm công việc tiềm năng. Trước đây, để có được công việc như ý, người lao động phải rời gia đình đến nơi khác thuê nhà - điều vốn tiêu tốn khá nhiều chi phí. Kể từ khi mô hình làm việc này phổ biến hơn, họ có thể tìm kiếm công việc ngay tại quê nhà mà không cần chuyển đi nơi khác.

Trong khi đó, với mô hình hybrid, ban lãnh đạo và nhân viên vừa có thể tương tác trực tiếp để xây dựng mối quan hệ, đồng thời vẫn đảm bảo sự linh hoạt và tiện lợi. Một nhân viên có thể làm việc luân phiên, chẳng hạn như thứ 2-4-6 lên văn phòng, thứ 3-5 thì làm việc tại nhà. Một kiểu khác của loại hình hybrid là trong công ty, có phòng ban cần làm việc tại văn phòng, trong khi bộ phận khác sẽ làm việc từ xa. Ví dụ bộ phận Kỹ thuật nên ở công ty để dễ dàng xử lý các sự cố bất ngờ, các phòng ban Marketing hoặc Chăm sóc khách hàng có thể sắp xếp làm việc tại nhà, hoặc chia ca nhau lên văn phòng.

Mô hình làm việc từ xa giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận hành.

Nguồn ảnh: Paul Hanaoka / Unsplash

Nhược điểm của làm việc từ xa và kết hợp

Khi tuyển nhân viên làm việc từ xa toàn thời gian, do môi trường làm việc khác nhau, việc giao tiếp đôi khi có thể trở nên khó khăn. Giả sử như cấp trên có vấn đề gấp cần họp trực tuyến qua Zoom hoặc Google Meet, nhân viên lại đang làm việc ở quán cà phê khá ồn ào. Vì vậy, việc trao đổi thông tin có thể mất nhiều thời gian và kém hiệu quả.

Ngoài ra, kể từ khi giãn cách xã hội và làm việc tại nhà, ngày càng nhiều người rơi vào trạng thái burnout (cạn kiệt năng lượng) do gặp khó khăn trong việc cân bằng cuộc sống - công việc. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần, từ đó năng suất công việc cũng sẽ bị suy giảm.

Bài viết liên quan: Làm thế nào để lấy lại tinh thần khi rơi vào trạng thái "burnout" (cạn kiệt năng lượng)?

Không chỉ thế, làm việc từ xa hoàn toàn còn ẩn chứa nhiều rắc rối khác. Theo kết quả khảo sát từ Project Include với 3.000 nhân viên người Mỹ, hầu hết người được hỏi cho biết họ đã bị quấy rối tình dục nhiều hơn trước khi giãn cách xã hội. Thậm chí, việc quấy rối còn diễn ra dễ dàng hơn bởi sự hỗ trợ của công nghệ: tin nhắn riêng tư, cuộc gọi video, email…

Như vậy, có thể thấy cả hai mô hình này đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Vì vậy, chủ doanh nghiệp nên xem xét và cân nhắc kỹ càng trước khi lựa chọn mô hình làm việc cho công ty của mình.


Theo:
T.S
Nguồn:
ProFin tổng hợp

Bạn có thể quan tâm