Quan điểm
Quản lý tài chính cá nhân #1: Đâu là nguyên nhân khiến bạn gặp khó khăn trong việc tiết kiệm?

Đại dịch diễn ra buộc nhiều người - đặc biệt là các bạn trẻ - phải quan tâm nhiều hơn đến tình hình tài chính cá nhân, để không phải lâm vào tình trạng khó khăn, túng thiếu. ProFin thực hiện chuỗi bài viết về chủ đề này, nhằm chia sẻ đến độc giả những quan điểm đúng, và các kinh nghiệm hữu ích. Ở bài viết đầu tiên, hãy cùng ProFin tìm hiểu 4 nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan khiến chúng ta ngày càng đổ nhiều tiền vào việc mua sắm, vui chơi... thay vì tiết kiệm.
Bạn đánh giá thấp những chi phí nhỏ
Benjamin Franklin - chính trị gia lỗi lạc người Mỹ, đồng thời là nhà văn, nhà khoa học nổi tiếng đã từng nói:
"Hãy cẩn thận với những chi phí nhỏ. Một lỗ thủng nhỏ có thể làm đắm cả con tàu."
Thông điệp chính mà Benjamin Franklin muốn truyền tải qua câu nói này khá đơn giản: những loại chi phí không tên, không đáng kể khi đứng riêng lẻ là nguyên nhân khiến một cá nhân nợ nần chồng chất, thậm chí có thể đẩy một doanh nghiệp rơi vào cảnh khốn đốn.
Thời gian gần đây, một thuật ngữ mới ra đời tên là "latte factor” cũng mang ý nghĩa tương tự. Đó cũng là tên quyển sách bán chạy nhất The New York Times của tác giả David Bach - “The Latte Factor: Why You Don't Have to Be Rich to Live Rich”. Theo ông, “latte factor” chính là chỉ những chi phí nhỏ chúng ta trả mỗi ngày, lâu dần sẽ thành một con số khổng lồ, chẳng hạn như cốc cà phê hoặc trà sữa có giá 25.000 đồng, bịch bánh tráng trộn có giá 15.000 đồng. Nhìn qua, cả hai đều không phải số tiền quá lớn, tuy nhiên hãy xem thử kết quả vài phép tính đơn giản dưới đây.
Giả sử mỗi ngày bạn đều uống 1 ly cà phê/trà sữa + 1 bịch bánh tráng trộn có giá như trên, mỗi ngày bạn sẽ tiêu 40.000 đồng cho tiền ăn vặt - một con số không quá đáng kể. Tuy nhiên, nếu cộng dồn lại, một tháng bạn sẽ tốn khoảng 1.200.000 đồng, một năm sẽ là 14.400.000 đồng. Đây chắc chắn không phải là con số nhỏ, bạn hoàn toàn có thể dùng để xây dựng quỹ tiết kiệm khẩn cấp, hoặc tích lũy cho các mục tiêu tài chính dài hạn.
Ngoài ra, theo tác giả David Bach, cụm từ “latte factor” còn dùng để chỉ các chi phí nhỏ khác như: sách truyện, văn phòng phẩm (sổ tay, nhãn dán, giấy ghi chú), phụ kiện trang trí nhỏ xinh... cũng có tác động tương tự.
Những chi phí nhỏ như một ly cà phê lại có thể là nguyên nhân bào mòn ví tiền của bạn.
Nguồn ảnh: Wendy Wei / Pexels
Tác động từ mạng xã hội và các đơn vị thương mại điện tử
FOMO viết tắt từ Fear Of Missing Out, nghĩa tiếng Việt: nỗi sợ bị bỏ rơi, có nghĩa là nỗi sợ bỏ lỡ những xu hướng, một thú vui nào đó đang được mọi người quan tâm. Thuật ngữ này được đặt ra bởi Tiến sĩ Dan Herman, công bố rộng rãi lần đầu vào năm 2000 trên Tạp chí Quản lý Thương hiệu (Journal of Brand Management). Mạng xã hội ngày càng phát triển đã góp phần thúc đẩy hiện tượng FOMO ở những người trẻ. Họ liên tục lướt mạng xã hội để cập nhật các thông tin, xu hướng mới nhất đến mất ăn mất ngủ.
Không chỉ dừng lại ở đó, FOMO còn có thể tác động đến khả năng mua hàng của người dùng mạng xã hội. Theo kết quả khảo sát từ Allianz Life (một trong những công ty tài chính lớn nhất tại Đức), 55% các bạn trẻ bị ảnh hưởng bởi hội chứng FOMO có thói quen mua sắm những món đồ thường xuyên nhìn thấy trên mạng xã hội, ngay cả khi không có ý định mua hàng trước đó. Điều này không quá khó hiểu, hiện nay các influencer (người tạo ảnh hưởng đến một cộng đồng nhất định: YouTuber, TikToker, Blogger,...) và nhãn hàng, đơn vị thương mại điện tử có độ phủ sóng vô cùng dày đặc. Các chiến dịch quảng cáo, chương trình khuyến mãi,... xuất hiện ở mọi ngóc ngách trên mạng xã hội nhằm thúc đẩy nhu cầu khách hàng lên cao nhất có thể.
Ngoài ra, mọi người thường thích xây dựng hình ảnh hoàn hảo, tích cực trên mạng xã hội. Không khó để bắt gặp các bài đăng, story khoe về một món hàng cao cấp ai đó vừa mới mua. Bên cạnh đó, nhiều nhãn hàng hiện nay cũng tận dụng thông điệp yêu thương bản thân (self-love) để khuyến khích người dùng mua hàng. Điều đó cũng dẫn đến một hiện tượng khác khiến người ta mua sắm nhiều hơn có tên là mua sắm bốc đồng, ProFin sẽ đề cập ở phần tiếp theo của bài viết.
Thói quen mua sắm bốc đồng
Theo trang NerdWallet, mua sắm bốc đồng (tiếng Anh: Impulse Buying) là hành động mua một món đồ nằm ngoài dự định mua hàng trước đó. Nguyên nhân dẫn đến hành vi này chủ yếu đến từ các yếu tố bên ngoài. Theo Carrie Rattle - chuyên gia huấn luyện tài chính tại New York cho biết, hành vi mua sắm bốc đồng có thể xảy ra khi bạn tình cờ thấy một món đồ trong cửa hàng, trên mạng xã hội hoặc bắt gặp người nào đó đang sử dụng.
Ví dụ cụ thể hơn, chẳng hạn như đang lướt một trang thương mại trực tuyến, bỗng dưng bạn nhìn thấy một miếng lót chuột rất xinh xắn, thế là bạn bỏ thêm vào giỏ hàng dù ở nhà đã có sẵn vài cái. Tương tự, khi đã mua sắm xong và chờ tính tiền ở quầy thu ngân, bạn nhìn thấy hộp kẹo và bỗng dưng thấy thèm, thế là bạn mua thêm hộp kẹo đó, dù ban đầu không hề có ý định mua.
Theo như ví dụ trên, đó dường như chỉ là ngẫu hứng nhất thời mà thôi, ai cũng có giây phút như vậy. Tuy nhiên, theo phân tích từ trang Psychology Today, những người có thói quen mua sắm bốc đồng thường sở hữu một trong những đặc điểm sau đây:
- Quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh, hình tượng của bản thân.
- Gặp khó khăn trong vấn đề cảm xúc, họ khó cưỡng lại việc mua sắm, đồng thời điều đó có thể cải thiện tâm trạng cho họ.
- Không quan tâm nhiều đến tình hình tài chính của bản thân, họ chỉ muốn sở hữu món đồ đó.
Có thể thấy, hệ quả tiêu cực đầu tiên của thói quen này chính là khía cạnh ngân sách cá nhân. Những người thường xuyên mua hàng bốc đồng khó có thể tiết kiệm, đồng thời dễ rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất. Không chỉ vậy, về mặt lâu dài, họ có thể tích trữ hàng đống đồ không sử dụng chất đầy nhà. Trong khi không gian sống có ảnh hưởng rất lớn đến tâm trạng, một nơi ở chật chội và chứa quá nhiều đồ đạc sẽ dễ sinh ra cảm giác ngột ngạt và bức bối.
Một hiện tượng tâm lý khác khá phổ biến trong thời gian gần đây, đó chính là mua sắm báo thù (tên tiếng Anh: revenge shopping). Mua sắm báo thù chính là hành động mua sắm thả ga sau một thời gian không được chi tiêu thoải mái. Vào nửa đầu năm 2021, Nikkei Asia đã dùng cụm từ này để nói về việc hãng thời trang cao cấp Hermes ghi nhận doanh thu 2.7 triệu USD tại Trung Quốc, chỉ trong 11/4 - ngày đầu mở cửa sau quãng thời gian giãn cách.
Tại TPHCM, ngay sau khi chấm dứt chuỗi ngày giãn cách, nhiều người đổ xô đi ăn uống, làm đẹp, mua sắm,... để bù lại khoảng thời gian tạm ngừng các hoạt động đó. Điều này tương đối dễ hiểu khi lâu ngày mới được ra ngoài mua sắm, nhiều người muốn tận hưởng bù cho quãng thời gian trước đó. Tuy nhiên, nếu không có kế hoạch kiểm soát chi tiêu và để cuốn trôi theo cảm xúc, rất dễ dẫn đến hao hụt tiền bạc do vung tiền quá trán.
Nguồn ảnh: alexdndz / Vecteezy
Lạm phát lối sống: thu nhập tăng, nhu cầu cũng tăng
Theo định nghĩa của trang The Balance, lạm phát lối sống (tên tiếng Anh: lifestyle inflation hoặc lifestyle creep) là xu hướng chúng ta chi tiêu nhiều hơn khi thu nhập bắt đầu tăng lên. Ví dụ vào thời điểm mới tốt nghiệp đi làm, thu nhập còn khá thấp trong khi có quá nhiều chi phí phải lo: tiền thuê nhà, ăn uống, gửi cho người thân,... nên bạn chi tiêu rất tiết kiệm. Vài năm sau, khi được thăng chức và tăng thu nhập (ví dụ như gấp 2, gấp 3 so với khi mới ra trường), bạn nghĩ rằng trước kia mình đã phải vất vả dường nào mới được như ngày hôm nay, vì sao lại không hưởng thụ nhiều hơn?
Bên cạnh đó, như ProFin đã đề cập ở trên, hiện nay nhiều thương hiệu đã tận dụng thông điệp yêu thương, chăm sóc bản thân lồng vào sản phẩm, dịch vụ để thu hút người tiêu dùng. Vì thế, khi mua một món hàng mới, chúng ta cảm thấy hào hứng, nghĩ rằng mình đã biết yêu bản thân. Thực chất, yêu bản thân (thuật ngữ: self-love) không thể hiện về mặt vật chất, đó là việc trân trọng các giá trị bên trong và lắng nghe suy nghĩ của chính mình.
Ngoài ra, sự nguy hiểm của hiện tượng lạm phát lối sống chính là chúng ta đổ tiền vào hình thức bên ngoài, thay vì đầu tư cho những giá trị mang tính lâu dài. Ví dụ bạn sẵn sàng bỏ ra 10 triệu đồng để mua quần áo hàng hiệu, ăn uống ở hàng quán sang trọng, nhưng lại ngại ngần bỏ ra vài triệu đồng để tham gia các khóa học nâng cao chuyên môn, hoặc không quan tâm đến việc xây dựng quỹ tiết kiệm khẩn cấp. Cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận lợi, vì vậy đầu tư kiến thức và học cách tiết kiệm chưa bao giờ là thừa với bất kỳ ai.
- Theo:
- T.S
- Nguồn:
- ProFin tổng hợp