Profin

Quan điểm

Quản lý tài chính cá nhân #2: 3 phương pháp quản lý ngân sách được đề xuất bởi các chuyên gia hàng đầu thế giới

Quản lý tài chính cá nhân #2: 3 phương pháp quản lý ngân sách được đề xuất bởi các chuyên gia hàng đầu thế giới

Ở bài viết này, ProFin sẽ tổng hợp 3 quy tắc quản lý ngân sách cá nhân đơn giản, hiệu quả được các chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực quản lý kinh tế - tài chính khuyên dùng.

Zero-Based Budgeting

Zero-Based Budgeting viết tắt là ZBB, nghĩa tiếng Việt: Lập ngân sách từ con số 0. Trước đây, ZBB chủ yếu áp dụng cho các doanh nghiệp, xuất hiện lần đầu vào những năm 1960 bởi Peter Pyhrr - cựu Account Manager của Texas Instruments. Sau này, một số chuyên gia tài chính đã đề xuất áp dụng ZBB để quản lý ngân sách cá nhân và gia đình. Một trong số đó chính là Dave Ramsey - người đã đề xuất hai chiến lược thoát nợ vô cùng hiệu quả và đơn giản: “quả cầu tuyết” (debt snowball) và “tuyết lở” (debt avalanche). Chuyên gia tài chính cá nhân Jeanette Mack cũng cho biết, đây chính là phương pháp phù hợp nhất nếu bạn gặp khó khăn trong việc xây dựng, quản lý ngân sách cá nhân.

ZBB hoạt động dựa trên nguyên tắc mỗi con số trong tài khoản đều phải được phân loại, dù là nhỏ nhất. Giải thích một cách đơn giản, sau khi bạn đã phân loại các khoản chi tiêu, số dư tài khoản còn lại bắt buộc phải bằng 0. Do đó, phương pháp này có tên gọi là “Lập ngân sách từ con số 0”.

Vì sao nên sử dụng ZBB? Không giống các quy tắc quản lý chi tiêu khác, ZBB yêu cầu bạn kiểm soát chặt chẽ nguồn tiền ra vào của mình. Vì vậy, phương pháp này đòi hỏi công sức và sự nghiêm túc nhiều hơn. Nếu không dành ra thời gian thường xuyên kiểm tra, ZBB khó có thể phát huy tác dụng.

Như vậy làm thế nào để áp dụng vào thực tế? Đầu tiên, bạn cần liệt kê các khoản chi tiêu hàng tháng như sau:

  • Chi phí cố định: tiền nhà, tiền điện - nước - internet, tiền ăn uống, thanh toán khoản vay hàng tháng (nếu có),...
  • Chi phí cá nhân: ăn vặt, mua sắm, tụ tập bạn bè, hẹn hò,...
  • Quỹ tiết kiệm khẩn cấp: dành cho các khoản bất ngờ như chi phí y tế, sửa chữa xe, sự kiện (sinh nhật, đám cưới,...)

Sau đó, bạn bắt đầu phân bổ thu nhập của mình vào các khoản tương ứng. Trong trường hợp đã phân chia xong các khoản cần thiết mà vẫn còn lại số dư nhất định, hãy cho vào quỹ tiết kiệm dự phòng. Nếu không, bạn có thể sẽ dùng số dư đó vào những khoản chi không cần thiết. Bạn có thể tham khảo bảng ví dụ dưới đây của ProFin để dễ hình dung hơn:

Nguồn ảnh: ProFin

Nguyên tắc Pareto

Nguyên tắc Pareto (hay còn gọi là quy tắc 80/20) hoạt động dựa trên quy tắc tập trung vào 20% quan trọng nhất. Tên của nguyên tắc này được đặt theo tên của nhà kinh tế người Ý Vilfredo Pareto. Ông nhận ra điều này khi bất ngờ phát hiện ra chỉ có 20% dân số sở hữu 80% tổng giá trị tài sản của nước Ý. Sau đó, ông bắt đầu áp dụng quy tắc này cho những thứ xung quanh và ông nhận ra nhiều điều thú vị. Chẳng hạn như trong một khu vườn, 20% số cây sẽ đóng góp được 80% sản lượng trái cây thu hoạch được. Khi làm việc, chỉ có 20% thời gian sẽ giúp bạn xử lý 80% khối lượng công việc mỗi ngày.

Phương pháp 80/20 ngày càng phổ biến hơn Richard Koch xuất bản loạt sách về chủ đề này: Con người 80/20, Nguyên lý 80/20, Sống theo phương thức 80/20,... Tại Việt Nam, loạt sách được Nhà xuất bản Trẻ phát hành, đến nay, sách được tái bản nhiều lần do được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Theo Richard Koch, nguyên tắc này có thể áp dụng vào mọi khía cạnh trong cuộc sống, kể cả trong khía cạnh tài chính cá nhân - điều ông đã đề cập trong cuốn Sống theo phương thức 80/20.

Vì sao nên sử dụng nguyên tắc Pareto? Phương pháp này phù hợp cho những người mới bắt đầu tìm hiểu về quản lý tài chính cá nhân: đơn giản, dễ áp dụng và không cần quá chi tiết. Mục đích chính khi lập kế hoạch tài chính cá nhân chính là bớt lãng phí và tiết kiệm hơn. Vậy thì theo quy tắc 80/20, bạn chỉ cần trích 20% thu nhập của bạn vào khoản tiết kiệm hàng tháng. 80% còn lại sẽ chi tiêu vào các nhu cầu khác. Bạn có thể tham khảo bảng ví dụ của ProFin dưới đây để dễ hình dung hơn:

Nguồn ảnh: ProFin

Quy tắc 50/30/20

Quy tắc này được khuyên dùng bởi Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Elizabeth Warren, lần đầu xuất hiện trong quyển sách All Your Worth: The Ultimate Lifetime Money Plan do bà là tác giả.

Cách thức hoạt động của quy tắc này chính là phân loại chi tiêu hàng tháng như sau:

  • 50% dành cho nhu cầu thiết yếu: tiền nhà, hoá đơn điện nước, thanh toán khoản vay hàng tháng (nếu có),...
  • 30% cho những chi phí cá nhân: đi chơi, các dịch vụ giải trí (Netflix, Spotify,...)
  • 20% để tích lũy cho các mục tiêu tài chính: quỹ tiết kiệm khẩn cấp, kế hoạch dài hạn như mua nhà, nghỉ hưu sớm,...

Vì sao nên sử dụng quy tắc 50/30/20? Nếu như phương pháp ZBB đòi hỏi nhiều công sức và cần được cập nhật thường xuyên, trong khi Pareto lại có phần quá đơn giản thì 50/30/20 chính là sự lựa chọn phù hợp nhất. Phương pháp này không cần cập nhật thường xuyên, trong khi đó vẫn đảm bảo sự chi tiết trong khâu kiểm soát chi tiêu. Bạn có thể xem bảng ví dụ dưới đây của ProFin để dễ dàng hình dung hơn:

Nguồn ảnh: ProFin

Theo:
T.S
Nguồn:
ProFin tổng hợp

Bạn có thể quan tâm