Profin

Quan điểm

Cân bằng cuộc sống #1: Làm thế nào để loại bỏ sự tích cực độc hại?

Cân bằng cuộc sống #1: Làm thế nào để loại bỏ sự tích cực độc hại?

Bản chất của con người luôn hướng đến những gì tích cực, tốt đẹp. Tuy nhiên, đôi khi giải pháp tốt nhất chính là chấp nhận rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng như mong đợi.

Vì sao tích cực mọi lúc lại ‘độc hại’?

Theo trang Verywell Mind giải thích, tích cực độc hại (tiếng Anh: toxic positivity) là khi một người có niềm tin mãnh liệt rằng: dù trong hoàn cảnh khó khăn hay tàn khốc đến mức nào, họ vẫn phải luôn trong trạng thái tích cực. Điều này dẫn đến tình trạng người đó luôn che giấu những cảm xúc tiêu cực, làm lơ các vấn đề rắc rối cần phải xử lý. Một cách dễ hiểu, tích cực độc hại là việc trốn tránh thực tại bằng cách luôn tự nhủ rằng mọi việc vẫn đang tốt đẹp.

Peter Scazzero - tác giả cuốn sách Emotionally Healthy Spirituality cho biết, cảm xúc của con người giống như một tảng băng trôi. Nhiều người thường ra vẻ rằng bản thân vẫn ổn, thế nhưng sâu thẳm bên dưới là bộn bề những cảm xúc tiêu cực: thất vọng, buồn bã, tức giận,... mà họ cố gắng lờ đi, không muốn đối diện với nó. Thế nhưng, chỉ một tác động nhỏ từ bên ngoài cũng có thể làm vỡ bề mặt tảng băng - cũng là vỏ bọc “mọi thứ vẫn ổn” mà con người dựng lên.

Hậu quả là - theo một bài viết đăng tải trên TIME - việc làm ngơ những cảm xúc về mặt lâu dài sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Khi kìm nén cảm xúc tiêu cực quá lâu, con người sẽ căng thẳng nhiều hơn, tăng các triệu chứng trầm cảm, đồng thời tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh liên quan đến tim mạch, dạ dày và khó ngủ.

Vậy làm thế nào để nhận biết bản thân có đang rơi vào tích cực độc hại hay không? Sau đây là một số dấu hiệu của tích cực độc hại:

  • Cảm thấy tội lỗi khi buồn bã, thất vọng, hoặc chán nản. Bạn chối bỏ những cảm xúc đó và cố gắng thể hiện sự vui vẻ, lạc quan.

  • Khi có ai đó chia sẻ về biến cố họ đang trải qua, thay vì đặt mình vào vị trí của họ để đồng cảm, bạn lại nói với họ vài câu đại loại như: “Ôi, có vậy mà cũng buồn, xã hội còn đầy người khổ hơn kìa”, “Thôi, vui lên đi, đừng có buồn làm gì”,... Thực chất, những lời nói này không hề giúp người ta thấy khá hơn, trái lại còn khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn. Bởi thông điệp đằng sau câu nói này: vấn đề của họ là nhỏ nhặt hoặc không đáng quan tâm.

  • Khi có hàng đống rắc rối cần phải xử lý, thay vì trực tiếp đối mặt để tìm ra giải pháp, bạn lựa chọn làm ngơ và tự nhủ rồi mọi thứ sẽ ổn cả thôi.

  • Bạn ít khi chia sẻ, trải lòng những cảm xúc thật sự trong thâm tâm, ngay cả với bạn bè thân thiết, người thân hoặc bạn đời.

Sự tích cực độc hại không chỉ ảnh hưởng đến khía cạnh sức khỏe tinh thần, thể chất của một người. Về lâu dài, điều này có thể khiến mọi người xung quanh dần dần tìm cách né tránh họ. Đối với các mối quan hệ sâu sắc và lâu dài, cả hai bên cần có sự mở lòng và chia sẻ một cách chân thành. Do đó, việc né tránh bộc lộ cảm xúc thật sự, làm lơ các vấn đề tồn đọng có thể trở thành nguyên nhân khiến mối quan hệ trở nên lạnh nhạt và rạn nứt.

Tích cực độc hại khiến con người che giấu cảm xúc thật, lờ đi những vấn đề rắc rối cần phải đối mặt.

Nguồn ảnh: Unsplash / Andrew Neel

2 lời khuyên hữu ích để tránh rơi vào tình trạng tích cực độc hại

#1: Hiểu rõ và chấp nhận cảm xúc của bản thân

Bất kỳ cảm xúc nào - dù tiêu cực hoặc tích cực - đều xuất phát từ nguyên nhân đến từ bên ngoài. Tuy nhiên, Tiến sĩ Giáo dục Chi Nguyễn từng chia sẻ trên kênh podcast The Present Writer: chúng ta thường có xu hướng phủ nhận những cảm xúc tiêu cực để xoa dịu bản thân. Điều đó chỉ có tác dụng ngắn hạn, về mặt lâu dài, khi đã quen với việc che giấu cảm xúc tiêu cực, chúng ta dần dần không còn sống thật với chính bản thân mình.

Chính vì thế, bạn cần học cách chấp nhận và đối diện với tất cả cảm xúc trong tâm hồn mình. Chúng ta đều là người bình thường, cuộc sống thì vô vàn biến động, không ai có thể tránh khỏi khoảnh khắc buồn bã, tức giận hoặc thất vọng. Bạn không cần dán nhãn rằng cảm xúc đó là tốt hay xấu, hãy nhìn nhận đúng bản chất vốn có của nó. Nếu cứ tích tụ và kìm nén, lâu dần nó sẽ như bề mặt tảng băng trôi nứt vỡ, hoặc như quả bong bóng nổ tung. Đến khi đó, bạn sẽ rơi vào trạng thái mất cân bằng, phải mất rất nhiều thời gian mới có thể phục hồi. Không chỉ thế, lúc đó bạn có thể hành động hoặc nói ra những điều khiến mọi người yêu thương bạn bị tổn thương, đau lòng.

#2: Học cách giải tỏa cảm xúc

Elizabeth Gilbert - tác giả của quyển sách bán chạy toàn cầu Eat, Pray, Love (xuất bản tại Việt với tên: Ăn, Cầu nguyện, Yêu) có câu nói như sau:

Do not apologize for crying. Without this emotion, we are only robots.” (Tạm dịch: Đừng cảm thấy có lỗi vì đã khóc. Không có nó, chúng ta chỉ là những người máy mà thôi.)

Khi đối mặt với tình huống khó khăn (người thân qua đời, mất đi mối quan hệ thân thiết nhiều năm, bị phản bội,...), đừng cố gắng kìm nén. Hãy cho bản thân không gian và thời gian để đau buồn. Nếu được, hãy tìm một người tin cậy để trải lòng. Nếu muốn khóc, hãy tìm một góc nào để khóc cạn nước mắt.

Trong khi nữ giới dễ tìm được người để tâm sự, mọi việc dường như khó khăn hơn đối với phái mạnh. Ngay từ nhỏ, nam giới đã được giáo dục rằng nước mắt chính là dấu hiệu của sự yếu đuối, đàn ông con trai thì phải mạnh mẽ. Vậy nên, ngay cả với những người thân thiết nhất, nam giới cũng ít khi mở lòng. Tuy nhiên, một dấu hiệu tích cực là ngày nay mọi người bắt đầu quan tâm, tạo điều kiện cho phái mạnh có cơ hội bộc lộ cảm xúc nhiều hơn.

Qua bài viết này, ProFin hy vọng bạn sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn về “tích cực độc hại”, cách thức nhận biết và giải pháp để có thể cân bằng cảm xúc, cũng là cân bằng cuộc sống của mình tốt hơn.


Theo:
An Nguyễn
Nguồn:
ProFin tổng hợp

Bạn có thể quan tâm