Quan điểm
Quản lý tài chính cá nhân #4: Quỹ tiết kiệm khẩn cấp dưới góc nhìn của Chuyên gia tài chính

Dù muốn hay không, chúng ta buộc phải thừa nhận rằng cuộc sống khó lòng lường trước những biến cố bất ngờ. Giả sử đại dịch không xảy ra, vẫn còn rất nhiều biến động xảy ra buộc bạn cần sử dụng nhiều tiền để xoay sở. Sau đây, ProFin sẽ tổng hợp một số lời khuyên hữu ích của các chuyên gia tài chính về cách xây dựng quỹ tiết kiệm khẩn cấp.
Vì sao ai cũng nên có quỹ tiết kiệm khẩn cấp?
Brigham Young (1801 - 1877) - Chính trị gia lỗi lạc người Mỹ, Người thành lập thành phố Salt Lake, đồng thời là Thống đốc đầu tiên của Lãnh thổ Utah có câu nói như sau:
"If you wish to get rich, save what you get. A fool can earn money, but it takes a wise man to save and dispose of it to his own advantage." (Tạm dịch: Nếu muốn trở nên giàu có, hãy tiết kiệm những gì bạn có được. Một kẻ khờ khạo cũng có thể kiếm được tiền, thế nhưng một người đàn ông khôn ngoan mới biết cách tiết kiệm và tận dụng nó như một lợi thế)
Câu nói trên cho chúng ta thấy việc tiết kiệm có tầm quan trọng hơn cả kiếm tiền. Hầu hết chúng ta đều có năng lực làm việc để kiếm tiền (ít hoặc nhiều), thế nhưng không phải ai cũng biết tiết kiệm.
Thời đại ngày nay, hình thành thói quen tiết kiệm lại càng khó khăn hơn bao giờ hết. Tác động từ mạng xã hội và các trang thương mại điện tử, hiện tượng mua sắm bốc đồng, lạm phát lối sống,... thúc đẩy nhu cầu mua sắm lên cao.
Bài viết liên quan: Quản lý tài chính cá nhân #1: Đâu là nguyên nhân khiến bạn gặp khó khăn trong việc tiết kiệm?
Bên cạnh đó, xã hội hiện nay có nhiều biến động hơn so với các thế hệ trước. Khái niệm “ổn định” của ông bà ta ngày xưa không còn phù hợp với hiện tại: công nghệ phát triển nhanh chóng, thị trường kinh tế - tài chính biến động mỗi ngày... Đặc biệt, khi dịch bệnh hoành hành, những lĩnh vực vốn là mảnh đất tiềm năng như: ẩm thực, du lịch, làm đẹp, karaoke,... rơi vào tình trạng ảm đạm chưa từng có. Không ít công ty mới thành lập đang trên đà phát triển, do ảnh hưởng của đại dịch buộc phải sa thải nhân viên hoặc cắt giảm thu nhập. Nhiều người do không có sự chuẩn bị trước về mặt tài chính, khi biến cố xảy đến, họ buộc phải mượn tiền từ những người xung quanh, công ty tài chính hoặc “vay nóng” ở các tổ chức đáng ngờ.
Vào thời điểm giãn cách xã hội do dịch bệnh diễn biến phức tạp, không khó để bắt gặp những bài viết tâm sự trải lòng liên quan đến việc nợ nần, hao hụt tiền bạc trên mạng xã hội và các diễn đàn. Trên trang VnExpress, nhiều độc giả chia sẻ họ thường xuyên căng thẳng và áp lực vì nợ nần ngày càng tăng, trong khi vẫn không đủ tiền xoay sở. Trong một bài phỏng vấn do Zing thực hiện, vào thời điểm năm 2021 sắp kết thúc, không ít người trẻ chật vật vì tình hình tài chính không ổn định. Bên cạnh việc trì hoãn các kế hoạch quan trọng như đám cưới, mua nhà, mua quà Tết về quê,... họ buộc phải chi tiêu dè dặt hơn để trang trải các chi phí thiết yếu hàng tháng.
Nguồn ảnh: Vecteezy / tkpstocker698418
Thế nhưng, ngay cả đại dịch không xảy ra, cuộc sống vẫn có rất nhiều biến động khó ai có thể lường trước. Chẳng hạn như tai nạn, công ty đang làm việc phá sản, vấn đề về sức khỏe,... Không ai có thể chắc chắn cuộc đời của mình chỉ toàn may mắn mà không phải trải qua sóng gió, khó khăn nào. Vận động viên trượt băng nổi tiếng Johnny Weir - người từng đạt rất nhiều giải thưởng uy tín trong sự nghiệp đã từng nói:
"Nobody gets lucky all the time. Nobody can win all the time. Nobody's a robot. Nobody's perfect." (Tạm dịch: Không có người nào gặp may mắn mọi lúc. Không có ai lúc nào cũng chiến thắng. Con người không phải là người máy. Con người chẳng có ai hoàn hảo)
Vì vậy, sự chuẩn bị về mặt tài chính là một điều quan trọng. Một số tiền tiết kiệm dù không quá lớn vẫn có thể hỗ trợ bạn trong tình huống ngặt nghèo, không cần đi vay nợ hoặc không cần vay số tiền quá lớn, từ đó giúp bạn ít cảm thấy căng thẳng và áp lực.
Lời khuyên hữu ích của các chuyên gia tài chính về cách xây dựng quỹ tiết kiệm khẩn cấp
Quỹ tiết kiệm khẩn cấp (Emergency Fund) là khoản tiền giúp bạn trang trải chi phí sinh hoạt khi có bất trắc, sự cố diễn ra mà không cần phải vay nợ hay thế chấp tài sản. Suze Orman - Tác giả có nhiều tác phẩm lọt vào danh sách bán chạy của The New York Times (một số tựa sách nổi bật đã xuất bản tại Việt Nam: Các quy luật của tiền, 9 bước tự do tài chính, Phụ nữ và tiền bạc,...) cho biết: con số lý tưởng nhất có thể đạt được là chi phí sinh hoạt thiết yếu cho 8 tháng.
Tuy nhiên, đối với nhiều người, tiết kiệm hoặc lập kế hoạch ngân sách cá nhân tương tự như giảm cân và ăn uống lành mạnh, theo chia sẻ của Melissa Browne - chuyên gia tài chính, đồng thời là tác giả quyển sách Budgets Don’t Work (But This Does). Lợi ích từ nó là không ai có thể phủ nhận, nhưng rất dễ để bỏ cuộc giữa chừng. Vì những món ăn không lành mạnh luôn ngon miệng hơn, cũng như tiêu tiền thì đơn giản hơn tiết kiệm.
Nguồn ảnh: Vecteezy / Designs Online
Một nguyên nhân khác khiến việc lập quỹ tiết kiệm khó khăn là vì nhiều cá nhân, hoặc gia đình không có nguồn thu ổn định. Đối với trường hợp này, theo lời khuyên của Sheida Isabel Elmi - Quản lý tại Chương trình An ninh Tài chính của Viện Aspen, họ nên có kế hoạch tiết kiệm linh hoạt, thay vì trích phần trăm thu nhập cố định hàng tháng. Cô đưa ra ví dụ như sau, nếu như tháng đó bạn đang có hóa đơn y tế đắt đỏ gần phải chi trả, khoản tiền tiết kiệm cho tháng đó có thể ít hơn. Trong trường hợp tháng nào có tiền thưởng thêm, tháng đó sẽ tiết kiệm nhiều hơn một chút.
Đối với những ai có nhiều nghĩa vụ tài chính (chẳng hạn như vừa phải lo cho con cái, vừa phụng dưỡng bố mẹ,...), chuyên gia tiền tệ Jannese Torres Rodriguez đề xuất nên có hai quỹ tiết kiệm khẩn cấp. Cô giải thích thêm, việc xây dựng hai quỹ giúp cô có khả năng hỗ trợ tài chính cho người thân khi cấp bách, đồng thời vẫn còn một khoản tiền tiết kiệm cho riêng mình. Việc tích lũy cho hai quỹ cùng lúc có thể khó khăn với nhiều người, vì vậy cô gợi ý nên bắt đầu để dành tiền cho bản thân trước, rồi từ từ tích góp cho quỹ tiết kiệm còn lại. Nếu có cơ hội, bạn nên khuyến khích các thành viên khác trong gia đình cùng đóng góp cho quỹ này.
- Theo:
- T.S
- Nguồn:
- ProFin tổng hợp