Quan điểm
Quản lý tài chính cá nhân #5: Vì sao không bao giờ là quá sớm để lập kế hoạch nghỉ hưu?

Khi nhắc đến vấn đề nghỉ hưu, nhiều người trẻ thường cho rằng đó là một cái gì đó rất xa xôi, chưa cần phải đặt sự quan tâm đến. Thực chất, có rất nhiều rủi ro có thể phát sinh vào những năm tháng không còn làm việc, nếu như bạn không có sự chuẩn bị sẵn sàng về mặt tài chính.
Vì sao giới trẻ nên quan tâm đến việc chuẩn bị nghỉ hưu?
#1: Tình hình kinh tế biến động khó lường
Vào tháng 9 năm 2021, tỷ phú Ray Dalio - Đồng sáng lập và Giám đốc đầu tư của Bridgewater Associates đã phát biểu trong hội nghị Skybridge Capital SALT New York 2021: một thảm họa kinh tế mới đang đến gần, mọi người cần có sự chuẩn bị cho điều đó. Trước đây, vị tỷ phú 72 tuổi đã từng đoán trước được cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 2008. Sau đó, ông dự đoán rằng Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với nhiều năm khủng hoảng tài chính do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tại Việt Nam, áp lực lạm phát tăng cao trong năm 2022 là rất lớn - theo nhận định của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Nguyên nhân là do các quốc gia có xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược khiến giá cả nguyên liệu tăng cao.
Có thể thấy, tình hình kinh tế thì biến động khó lường, khó ai có thể đoán trước được khi nào thị trường sẽ thay đổi theo hướng tích cực.
#2: Chi phí y tế điều trị, chăm sóc sức khỏe
Nhiều người khi còn trẻ do làm việc quá nhiều, ít dành thời gian chăm sóc sức khỏe đúng cách. Vì vậy khi tuổi ngày càng cao, họ có nhiều nguy cơ mắc nhiều chứng bệnh khó chữa và phải tiêu tốn nhiều chi phí để điều trị.
Theo thống kê của IARC, tính đến năm 2020, Việt Nam đứng thứ 16 tại châu Á và thứ 92 trên thế giới về tỷ lệ mắc bệnh ung thư. 5 căn bệnh ung thư phổ biến nhất chính là ung thư gan (14.5%), phổi (14.4%), vú ở nữ (11.8 %), dạ dày (9.8%), đại trực tràng (9%). Theo một nghiên cứu của American Cancer Society, nguyên nhân dẫn đến ung thư liên quan đến việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống có cồn (bia, rượu); thịt đỏ; không ăn đủ trái cây, rau củ cần thiết cho cơ thể và ít thực hiện các hoạt động thể chất.
#3: Gánh nặng tài chính từ gia đình
Vấn đề này ngày càng phổ biến hơn vào những năm gần đây, thậm chí được đặt tên gọi là “Kids in Parents' Pockets Eroding Retirement Savings” (viết tắt là KIPPERS). Cụm từ này ám chỉ những đứa con dù đã trưởng thành nhưng vẫn ở cùng bố mẹ và phụ thuộc về mặt tài chính. Trong khi đó, một từ lóng khác có tên là “boomerang children” dùng để chỉ những người con quay về sống cùng bố mẹ sau quãng thời gian tự lập. Theo kết quả nghiên cứu của Pew Research Center thực hiện vào giữa năm 2021 tại Mỹ, 52% các bạn trẻ trưởng thành thuộc độ tuổi từ 18 - 30 (tương đương với 26.6 triệu người) đã quay về sống cùng gia đình. Đa phần đều xuất phát từ khía cạnh tài chính: thu nhập thấp, mất việc trong khi không có tiền tiết kiệm, hoặc nợ nần chồng chất.
Không chỉ ở các nước phương Tây, một số quốc gia châu Á cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự. Tại xứ sở kim chi, có một từ lóng tên là “kangaroo tribe” (tạm dịch: bộ lạc chuột túi) mang ý nghĩa giống với hai từ phía trên. Cụm từ này xuất hiện từ đầu những năm 2000 - thời điểm tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ tăng cao. Theo một bài viết đăng tải trên NBC News, hơn 50% người độc thân và chưa kết hôn thuộc độ tuổi từ 30 - 40 vẫn đang chung sống cùng bố mẹ. Đối với những người tương tự thuộc độ tuổi từ 40 - 44, tỷ lệ là 44%. Tại Việt Nam, mặc dù không có nghiên cứu hoặc khảo sát cụ thể, song các tình trạng này hoàn toàn không hiếm gặp.
Đối với các bậc phụ huynh có con cái như trên. Họ phải sử dụng khoản tiền đã tiết kiệm dành dụm để lo cho con. Một số người lớn tuổi quyết định tiếp tục lao động, hy sinh sức khỏe và công sức để có thể trang trải cuộc sống cho gia đình.
Nguồn ảnh: Getty Image
Làm thế nào để chuẩn bị cho nghỉ hưu?
#1: Xác định lối sống nghỉ hưu bản thân mong muốn
Gần đây, ắt hẳn cụm từ FIRE (viết tắt từ Financial Independence & Retire Early, nghĩa tiếng Việt: độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm) không còn quá xa lạ với giới trẻ Việt. Tuy nhiên, FIRE không đơn giản chỉ là nghỉ hưu và không làm gì cả. Tại các quốc gia phát triển, FIRE có rất nhiều biến thể khác nhau, sau đây chính là hình thức phổ biến nhất:
Fat FIRE: loại hình dành cho người muốn được hưởng thụ nhiều hơn khi bắt đầu về hưu. Chẳng hạn như không cần làm việc, đi du lịch nhiều nơi,... Nếu lựa chọn phong cách nghỉ hưu này, bạn phải tích lũy được nhiều tiền hơn so với các hình thức còn lại.
Lean FIRE: dành cho những người không ưu tiên việc hưởng thụ, mà sẽ duy trì lối sống tiết kiệm và tối giản sau khi nghỉ hưu sớm. Trước đây, hình thức này được nhiều người lựa chọn nhất vì không yêu cầu tích lũy được quá nhiều tiền như Fat FIRE.
Barista FIRE: loại hình phù hợp cho những người quyết định tiếp tục làm việc, tuy nhiên họ có thể chuyển sang công việc nhẹ nhàng hơn, chẳng hạn như làm bán thời gian hoặc làm việc tự do. Sau khi đại dịch bùng nổ, ngày càng có nhiều người lựa chọn theo đuổi hình thức này. Theo kết quả phân tích của Nick Bunker - Giám đốc Nghiên cứu Kinh tế tại Indeed được đăng tải trên CNBC, tỷ lệ những người nghỉ hưu quay lại làm việc đã tăng cao hơn trước. Cụ thể, vào tháng 10/2021, tỷ lệ này là 2.5%, cao hơn so với 2.1% vào tháng 6/2020. Không chỉ thế, theo cuộc phỏng vấn của The Washington Post, ngày càng có nhiều người lớn tuổi quyết định tiếp tục làm việc, ngay cả khi bước vào tuổi nghỉ hưu. Đại dịch đã tạo cơ hội cho họ sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ, từ đó những người lớn tuổi có lợi thế cạnh tranh so với các đối tượng trẻ hơn.
Có thể thấy, với tình hình lạm phát tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngày càng có nhiều người quyết định tiếp tục làm việc thay vì nghỉ hưu quá sớm. Tùy vào tình hình tài chính, nhu cầu cá nhân, bạn có thể tham khảo 3 biến thể FIRE trên để chọn cho mình hình thức phù hợp nhất.
#2: Đặt ra mục tiêu rõ ràng và kế hoạch cụ thể
Sau khi đã xác định được lối sống nghỉ hưu mà bản thân mong muốn, tiếp theo bạn nên đặt ra một mục tiêu rõ ràng, bao gồm những yếu tố sau:
- Bạn cần tích lũy bao nhiêu tiền?
- Thu nhập hiện tại của bạn có đáp ứng được con số trên không?
- Bạn cần làm gì để đa dạng hóa nguồn thu nhập?
Để trả lời được các câu hỏi trên, bạn cần hiểu được ý nghĩa của vài thuật ngữ tài chính cơ bản sau đây:
- Số tiền cần đạt được khi nghỉ hưu được tính bằng công thức sau: Chi phí hàng tháng x 12 x Số năm còn làm việc.
- Giá trị tài sản ròng (tiếng Anh: Net worth, tổng giá trị tài sản bạn thật sự sở hữu). Được tính bằng công thức: Tổng tài sản - Các khoản nợ
- Tỷ lệ nợ trên thu nhập (tên tiếng Anh: debt-to-income ratio, viết tắt DTI) là tỷ lệ phần trăm tổng thu nhập hàng tháng bạn dùng để thanh toán nợ.
- Thu nhập thụ động là khoản tiền kiếm được không phụ thuộc vào thời gian làm việc. Bạn cần phải bỏ công sức đầu tư và biết cách quản lý dòng tiền hiệu quả để thu được lợi tức một cách đều đặn. Đọc thêm bài viết của ProFin để tìm hiểu thêm về thu nhập thụ động tại đây.
Sau khi nắm được ý nghĩa của các cụm từ trên, bạn sẽ có cái nhìn chính xác nhất về tình hình tài chính của bản thân. Từ đó, bạn sẽ biết mình nên làm gì để đạt được con số tích lũy đã đặt ra.
Nguồn ảnh: Jessica Lynn Lewis / Pexels
Một số lời khuyên hữu ích của các chuyên gia tài chính
#1: Quy tắc 4%
Trước đây, những người nghỉ hưu thường sử dụng quy tắc 4%. Quy tắc này được biết đến bởi nhà hoạch định tài chính đã nghỉ hưu William Bengen vào năm 1994. Ông cũng là tác giả của quyển sách Conserving Clients Portfolio During Retirement (tạm dịch: Bảo tồn danh mục đầu tư khi nghỉ hưu). Theo ông, 4% là tỷ lệ an toàn để không rơi vào tình trạng hết tiền khi không còn làm việc.
Cách áp dụng tỷ lệ này rất đơn giản: đầu tiên, bạn cộng lại tất cả khoản đầu tư của mình. Năm đầu tiên nghỉ hưu, bạn rút 4% số tiền đó để chi xài. Những năm kế tiếp, bạn điều chỉnh số tiền rút ra tùy theo tình hình lạm phát trên thị trường.
#2: Hệ thống thùng chứa
Trong khi quy tắc 4% được thành lập khá lâu, có thể sẽ không phù hợp với bối cảnh thị trường hiện tại. Có một phương pháp khác tân tiến hơn mà bạn có thể sử dụng, đó chính là hệ thống thùng chứa (bucket system). Một số chuyên gia tài chính đánh giá cao và sự hiệu quả của chiến lược nghỉ hưu này, điển hình là Jason Smith - tác giả quyển sách The Bucket Plan: Protecting and Growing Your Assets for a Worry-Free Retirement.
Tìm hiểu thêm về ưu, nhược điểm của hệ thống thùng chứa cũng như cách để triển khai chiến lược này tại đây.
#3: Đánh giá tiềm năng tài chính một cách thực tế
Theo Trưởng Bộ phận Phúc lợi hưu trí của Goldman Sachs Asset Management - ông Jeri Savage, những người trẻ cần có các giả thuyết thực tế hơn về kế hoạch nghỉ hưu của họ. Họ cứ nghĩ đơn giản rằng khi về hưu chỉ cần giảm bớt chi tiêu là được. Tuy nhiên, như ProFin đã đề cập ở trên, có không ít rủi ro có thể phát sinh và khiến bạn phải tiêu hao nhiều hơn dự tính ban đầu.
Để đảm bảo hành trình nghỉ hưu của mình, người trẻ cần phải đạt được cột mốc an toàn tài chính - thay vì chạy theo mục tiêu tự do tài chính, vốn là cột mốc xa hơn rất nhiều. Theo tác giả trang Get Rich Slowly, một cá nhân đạt được an toàn tài chính cần có đủ 4 yếu tố: không có gánh nặng nợ nần, biết kiểm soát chi tiêu, gia tăng tiền tiết kiệm/giá trị tài sản ròng hàng tháng và không phải làm công việc bạn không thích để trang trải cuộc sống.
#4: Học cách cân bằng công việc và đời sống cá nhân
Khi nhắc đến nghỉ hưu, đại đa số mọi người sẽ nghĩ về vấn đề tiền bạc, trong khi vấn đề sức khỏe thể chất và tâm lý cũng rất quan trọng.
Vì vậy, hãy học cách cân bằng công việc và cuộc sống, không nên quá nghiêm khắc và tạo áp lực cho bản thân, từ đó dẫn đến tình trạng burnout (cạn kiệt năng lượng). Ngoài ra, đừng quên duy trì các mối quan hệ thân thiết có tác động tích cực đến bạn. Mỗi ngày hãy bắt đầu tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, thiền, yoga,... để cải thiện sức khỏe thể chất, đồng thời giảm căng thẳng và các triệu chứng trầm cảm.
- Theo:
- T.S
- Nguồn:
- ProFin tổng hợp