Profin

Quan điểm

Cân bằng cuộc sống #2: Vì sao thế hệ Millennials và Gen Z dễ bị cuốn vào lối sống hối hả (“hustle culture”)?

Cân bằng cuộc sống #2: Vì sao thế hệ Millennials và Gen Z dễ bị cuốn vào lối sống hối hả (“hustle culture”)?

Theo chia sẻ của Marianne Cooper - Nhà xã hội học tại Đại học Stanford, một người đang chìm đắm vào lối sống hối hả chính là khi họ luôn trong trạng thái “hyper-competitiveness” (tạm dịch: tính cạnh tranh quá mức).

Giải thích cụm từ Hustle Culture

Nhà xã hội học Marianne Cooper giải thích thêm, cụm từ “hyper-competitiveness” là một dạng chuẩn mực cho cả nam và nữ. Họ phải chứng minh năng lực vượt trội của mình, nỗ lực đạt được nhiều thành tựu và công việc chính là thứ được ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của họ.

Nếu một người bạn biết (hoặc có thể là chính bản thân bạn) luôn vùi đầu vào công việc bất kể giờ giấc hoặc ngày nghỉ, họ chính là một phần của văn hóa hối hả. Cái bẫy đáng sợ nhất của lối sống này chính là: nếu chăm chỉ và nỗ lực hơn nhiều người khác, bạn sẽ thành công và đạt được ước mơ của mình. Điều này không sai, nhưng chưa chính xác hoàn toàn. Có rất nhiều yếu tố để một người thành công, chẳng hạn như trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence), khả năng lãnh đạo (leadership), khả năng đàm phán,... chứ không chỉ làm việc chăm chỉ là đủ. Chính vì vậy, tình trạng làm việc đến mức quá sức dẫn đến burnout (kiệt sức, cạn kiệt năng lượng) ngày càng tăng.

Theo kết quả thống kê của Deloitte, 77% người tham gia khảo sát cho biết họ đang trải qua tình trạng burnout trong công việc hiện tại. Không chỉ thế, 91% đều nói rằng họ không thể kiểm soát được tình trạng căng thẳng hoặc thất vọng, điều đó có ảnh hưởng lớn đến hiệu suất làm việc. 83% cho biết tình trạng burnout có tác động tiêu cực đến các mối quan hệ cá nhân của họ.

Qua đó, có thể thấy rằng văn hóa hối hả có tác động xấu đến mọi người, đặc biệt là thế hệ Millennials và Gen Z (sinh năm 1981 - 2015). Hãy cùng ProFin tìm hiểu nguyên nhân vì sao hai thế hệ này lại là nạn nhân của chuẩn mực sống hối hả này ở phần tiếp theo của bài viết.

Lối sống hối hả khiến người trẻ làm việc không ngừng nghỉ, từ đó họ ngày càng rơi vào tình trạng burnout nhiều hơn.

Nguồn ảnh: Kampus Production / Pexels

Thế hệ ám ảnh với chuẩn mực của xã hội

Hai nhóm tuổi Millennials và Gen Z lớn lên trong thời đại mạng xã hội phát triển và sự nổi dậy mạnh mẽ của dòng sách self-help (còn gọi là sách tự lực, tự hoàn thiện: thể loại sách giúp độc giả giải quyết các vấn đề vướng mắc của bản thân. Tên của dòng sách này được đặt theo tác phẩm bán chạy vào năm 1859 có tên Self-Help của tác giả Samuel Smiles). Các bạn trẻ thuộc thế hệ này ắt hẳn không xa lạ gì với các tựa sách self-help nổi tiếng, chẳng hạn như Đắc Nhân Tâm, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Đừng bao giờ đi ăn một mình, Đi tìm lẽ sống,... Có nhiều ý kiến trái chiều về giá trị thật sự của sách self-help mang lại cho người đọc, tuy nhiên bài viết này sẽ không đi sâu về chủ đề đó.

Vào giai đoạn này, những gương mặt trẻ khởi nghiệp thành công xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội và truyền thông hơn bao giờ hết. Các câu nói định nghĩa sự thành công, làm thế nào để vượt lên số phận, theo đuổi đam mê được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Một số câu nói được nhiều người biết đến, thậm chí còn coi đó chính là lẽ sống như:

"If you are born poor its not your mistake. But if you die poor its your mistake." - Bill Gates.

Tạm dịch: Nếu sinh ra trong nghèo khó, đó không phải lỗi của bạn. Nhưng nếu chết đi vẫn nghèo khó, đó là lỗi của bạn.

"Hard work beats talent when talent doesn’t work hard." - Tim Notke.

Tạm dịch: Người làm việc chăm chỉ sẽ đánh bại người có tài, khi người có tài lại không làm việc chăm chỉ.

Rất khó để phân định đúng - sai của sách self-help hoặc những câu nói của các nhân vật trên. Tuy nhiên, có một điều chúng ta buộc phải thừa nhận - sách self-help và những tấm gương vượt khó được truyền thông tung hô - hai yếu tố này ảnh hưởng rất nhiều đến khái niệm thành công của các bạn trẻ thuộc thế hệ Millennials và Gen Z. Họ cố gắng làm việc vì cảm thấy không đủ, chưa đáp ứng được kỳ vọng của gia đình và xã hội. Nghiêm trọng hơn, trên thực tế tỷ lệ tự sát do trầm cảm đang tăng dần hơn trong những năm gần đây. Theo một bài viết đăng tải trên trang SAVE (Suicide Awareness Voices of Education), trung bình mỗi năm có gần 800.000 người tự sát trên toàn cầu, tương đương với cứ khoảng 40 giây là có một người tự tử. Theo thống kê từ WHO, tỷ lệ trung bình trên toàn cầu ở nam giới là 13.5%, nữ giới là 7.7%. Qua đó, có thể thấy rằng cả phái nam và phái nữ đều phải chịu áp lực, định kiến xã hội về nhiều khía cạnh khác nhau, bao gồm áp lực phải thành công.

Tín hiệu tích cực sau đại dịch

Kể từ sau khi đại dịch bùng nổ, nhiều người đã quyết định từ bỏ lối sống hối hả. Vài tháng vừa qua, nhân viên toàn cầu đang hưởng ứng phong trào The Great Resignation (tạm dịch: Cuộc từ chức vĩ đại). Theo kết quả thống kê của Cục Thống kê Lao động Mỹ, có hơn 20 triệu người nghỉ việc tính từ tháng 4 - tháng 8 năm 2021. Gần đây, hashtag #QuitMyJob trở thành xu hướng thịnh hành trên mạng xã hội toàn cầu, bắt đầu từ nền tảng TikTok. Hashtag này bắt đầu bởi Shana Blackwell khi cô thông báo bỏ việc tại Walmart trên TikTok.

Theo một bài phỏng vấn Lawrence Katz - Giáo sư Kinh tế tại Harvard đăng tải trên The Harvard Gazette, bên cạnh lý do tìm kiếm cơ hội làm việc tốt hơn, nhiều người trẻ đã quyết định đứng lên đòi quyền lợi cho mình. Một số người mong muốn làm việc từ xa để sắp xếp cuộc sống dễ hơn, đặc biệt là những người mẹ trẻ. Số khác lại rời bỏ công ty vì không nhận được câu trả lời rõ ràng từ ban lãnh đạo khi họ đặt câu hỏi về những quyền lợi của mình (thu nhập, phúc lợi,...).

Kể từ khi đại dịch xảy ra, nhiều người trẻ quyết tâm rời khỏi “văn hóa hối hả’ để tìm lại chính mình.

Nguồn ảnh: The Ladder

Lời khuyên hữu ích khi bạn đang mắc kẹt trong lối sống hối hả

Theo chia sẻ của Mayuko Inoue - hiện là một Content Creator (người sáng tạo nội dung) toàn thời gian và cựu kỹ sư phần mềm cho hệ điều hành IOS tại Thung lũng Silicon, cô đã mất khoảng 8 tháng để thoát khỏi văn hóa hối hả và sống cuộc đời như mong muốn của bản thân. Sau đây chính là 6 bước Mayuko Inoue đã thực hiện mà bạn có thể tham khảo:

#1: Sắp xếp lại thời gian làm việc

Theo Mayuko, bạn nên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để nạp lại năng lượng và cân bằng cuộc sống tốt hơn, đặc biệt là những bạn trẻ làm việc tự do (freelancer).

#2: Trò chuyện thẳng thắn với người quản lý

Sau khi Mayuko giải thích cho cấp trên của mình về vấn đề cô đang gặp phải và được điều chỉnh khối lượng công việc. Từ đó, cô có cơ hội nghỉ ngơi và dần dần giảm căng thẳng.

#3: Xin nghỉ phép để thăm gia đình hoặc du lịch

Mayuko xin nghỉ phép một thời gian để trở về Nhật Bản thăm gia đình. Cô cho biết, việc đi xa như vậy giúp cô có khả năng tỉnh táo hơn để nhìn lại những gì đã và đang diễn ra trong cuộc đời mình.

#4: Tư vấn tâm lý

Những buổi trị liệu đã giúp Mayuko nhận ra thật sự cô muốn gì. Không chỉ thế, chuyên gia trị liệu còn hướng dẫn cô cách đối phó với sự lo lắng và hoảng loạn. Ngoài ra, Mayuko cũng học được cách vạch ra ranh giới giữa công việc và đời sống cá nhân.

#5: Thay đổi công việc

Cuồi cùng, Mayuko đã từ bỏ công việc tại Patreon và chuyển sang Netflix. Đó là một thử thách khá lớn: vì Patreon là một startup thành lập chưa lâu, trong khi Netflix là một tập đoàn lớn có tiếng tăm.

#6: Nhận thức được rằng bạn không hề đơn độc, có rất nhiều người giống bạn

Khi Mayuko nói chuyện với đồng nghiệp làm việc lâu năm trong lĩnh vực đó, cô nhận ra rằng đó là vấn đề mà tất cả mọi người đang phải đối mặt, chứ không của riêng ai. Không ít người phải mất nhiều năm để nhận ra họ muốn đạt được gì trong sự nghiệp, điều gì mới là phù hợp nhất với họ.

Như ProFin đã đề cập ở trên, đây chỉ là thông tin tham khảo, bạn không thiết phải áp dụng hết 6 bước của Mayuko. Tuy nhiên, qua những trải nghiệm và chia sẻ từ Mayuko Inoue, bạn có thể nhận ra để thoát khỏi lối sống hối hả này hoàn toàn không hề đơn giản và dễ dàng. Bên cạnh đó, bạn sẽ có động lực hơn khi biết được rằng có nhiều người đang phải đối mặt vấn đề giống mình và đã vượt qua điều đó.


Theo:
An Nguyễn
Nguồn:
ProFin tổng hợp

Bạn có thể quan tâm