Profin

Quan điểm

Quản lý tài chính cá nhân #6: Vì sao vợ chồng nên cùng nhau quản lý chi tiêu trong gia đình?

Quản lý tài chính cá nhân #6: Vì sao vợ chồng nên cùng nhau quản lý chi tiêu trong gia đình?

Theo UN Women (Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ), trung bình hằng năm có hơn 600.000 vụ ly hôn. Bên cạnh lý do ngoại tình và bạo lực gia đình, vấn đề tiền bạc là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn. Theo kết quả khảo sát của tạp chí Money, nhiều cặp vợ chồng thừa nhận rằng họ thường xuyên cãi nhau về vấn đề chi tiêu trong gia đình.

2 nguyên nhân lớn nhất liên quan đến tài chính gây ra bất đồng trong hôn nhân

#1: Cả hai không thành thật về vấn đề chi tiêu

Theo khảo sát của tạp chí Money, 22% cô vợ hoặc anh chồng đã lén lút xài tiền mà không thông báo cho người kia. Không chỉ thế, theo kết quả khảo sát từ trang CreditCard.com, khoảng 25% người tham dự cho rằng việc không trung thực về vấn đề tiền bạc trong hôn nhân còn tồi tệ hơn cả việc ngoại tình thể xác. Không ít người giấu giếm vì cho rằng điều đó sẽ giúp hạn chế xảy ra mâu thuẫn về tiền bạc giữa hai vợ chồng. Đối với nhu cầu mua sắm cá nhân, vấn đề sẽ không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu một trong hai bỏ ra khoản tiền lớn cho một quyết định quan trọng mà không báo cho đối phương, người kia sẽ tức giận vì cảm thấy mình không được tôn trọng đúng mực.

Nghiêm trọng hơn, một số trường hợp giấu giếm người kia vì bản thân gặp rắc rối về tài chính, chẳng hạn như nợ tín dụng, nợ tín chấp hoặc thua lỗ do đam mê cờ bạc, cá độ. Khi mọi chuyện đổ bể, người còn lại sẽ có cảm giác tương tự như khi phát hiện bạn đời ngoại tình: thất vọng, buồn bã vì bị lừa dối. Điều này không khó hiểu, bởi vì nền tảng của một mối quan hệ lành mạnh và dài lâu chính là sự chân thành. Thế nên, không ngạc nhiên khi khoảng 25% người được khảo sát cho rằng điều đó tồi tệ không kém gì ngoại tình.

Việc không thành thật về vấn đề tiền bạc có thể dẫn đến những mâu thuẫn trong hôn nhân.

Nguồn ảnh: Karolina Grabowska / Pexels

#2: Tính cách tài chính khác biệt

Tính cách tài chính có thể hiểu đơn giản là thói quen chi tiêu của một người. Theo một bài viết được đăng tải trên Investopedia, có đến 5 loại tính cách tài chính như sau:

  • Kiểu nhà đầu tư: những người có ý thức tốt về quản lý tiền bạc. Họ hiểu rõ tình hình tài chính của bản thân, đồng thời biết cách làm thế nào để gia tăng giá trị tài sản của họ.

  • Kiểu mua sắm bốc đồng: kiểu người mua sắm như một giải pháp giải tỏa cảm xúc. Họ thường xuyên săn hàng giảm giá, ngay cả khi đó món hàng không có nhu cầu sử dụng. Vì vậy, họ thường xuyên gặp khó khăn trong việc tiết kiệm và theo dõi ngân sách cá nhân.

Bài viết liên quan: Quản lý tài chính cá nhân #1: Đâu là nguyên nhân khiến bạn gặp khó khăn trong việc tiết kiệm?

  • Kiểu vật chất: khác với kiểu người mua sắm bốc đồng, đây là kiểu người khao khát sở hữu những món đồ thời thượng, chẳng hạn như quần áo, phụ kiện và điện thoại đời mới nhất. Họ cũng thích sống trong nhà cao cửa rộng với thiết kế độc đáo, tích hợp đầy đủ các món nội thất sang trọng và công nghệ hiện đại.

  • Kiểu tiết kiệm: trái ngược với người thích vật chất và mua sắm bốc đồng. Đây là những người chi tiêu có tính toán và cẩn thận. Do đó, họ không mắc nợ nần, hiếm khi mua sắm bốc đồng, cũng không chạy theo chủ nghĩa tiêu dùng.

  • Kiểu nợ nần: thực chất, đây không phải kiểu người mua sắm bốc đồng hay chuộng vật chất. Họ chỉ đơn giản là không có nhận thức đúng mực về tiền bạc, đồng thời có xu hướng chi xài nhiều hơn số tiền kiếm được.

Mỗi người sẽ thuộc về một kiểu tính cách tài chính nhất định, đồng nghĩa với việc quan điểm đối với tiền cũng sẽ khác nhau. Một trường hợp phổ biến nhất chính là một người thì thuộc kiểu tiết kiệm, người kia lại thuộc kiểu thích mua sắm. Khi bước vào hôn nhân, không nhiều người cân nhắc đến tầm quan trọng của yếu tố này. Trong khi đó, về mặt lâu dài, sự khác biệt về thói quen chi tiêu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ.

Các cặp đôi nên làm gì để cùng nhau quản lý tài chính hiệu quả?

#1: Trò chuyện cởi mở, chân thành với đối phương về vấn đề tiền bạc

Để tránh rơi vào những mâu thuẫn không đáng có, cả hai nên ngồi lại với nhau để thấu hiểu và tin tưởng nhau hơn. Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Northwestern và Đại học Redeemer, những cặp đôi tin tưởng nhau sẽ đối xử với nhau chu đáo hơn. Không chỉ thế, họ có xu hướng ít khi để bụng, chấp nhặt lỗi lầm của đối phương trong quá khứ. Chính vì vậy, việc trò chuyện cởi mở và chân thành chính là nền tảng xây dựng mối quan hệ lành mạnh và bền lâu.

#2: Cùng nhau lập kế hoạch theo dõi chi tiêu, đặt ra mục tiêu dài hạn

Theo đề xuất của Jessica Small - Chuyên gia Trị liệu và Tư vấn Hôn nhân được cấp phép, các cặp đôi nên bắt đầu từ những bước đơn giản như sau:

  • Xây dựng kế hoạch quản lý ngân sách gia đình: Để kiểm soát chi tiêu dễ dàng, các cặp đôi cần ngồi xuống và liệt kê các khoản sau: tổng thu nhập của cả hai, chi phí cố định hàng tháng, tiền tiết kiệm và các khoản vay cần chi trả. Tiếp theo, cả hai cùng nhau thảo luận để tìm ra cách sắp xếp hợp lý nhất.

  • Tận dụng công nghệ: Các cặp đôi có thể sử dụng các ứng dụng theo dõi chi tiêu trên điện thoại thông minh để dễ dàng ghi chú lại mọi giao dịch.

Bài viết liên quan: 5 ứng dụng quản lý tài chính cá nhân tốt nhất ai cũng nên dùng

  • Sắp xếp thời gian mỗi tuần để thảo luận về tài chính: Theo Jessica Small, các cặp vợ chồng nên duy trì thói quen mỗi tuần cùng nhau bàn bạc về chi tiêu trong tuần, các khoản phát sinh bất ngờ. Thói quen này sẽ giúp cả hai cởi mở với nhau về vấn đề tài chính, đồng thời mọi thứ được giải quyết một cách minh bạch và rõ ràng.


Theo:
T.S
Nguồn:
ProFin tổng hợp

Bạn có thể quan tâm