Profin

Quan điểm

Quản lý tài chính cá nhân #8: Thay đổi tư duy về tiền để sống hạnh phúc

Quản lý tài chính cá nhân #8: Thay đổi tư duy về tiền để sống hạnh phúc

Theo bạn, liệu tiền có mua được hạnh phúc? Các chuyên gia của trường Đại học Harvard đã từng công bố một nghiên cứu về vấn đề này có tên là: “If Money Doesn't Make You Happy Then You Probably Aren't Spending It Right” (tạm dịch: Nếu tiền không mang lại hạnh phúc cho bạn, có lẽ do bạn chưa sử dụng nó đúng cách).

Tiền chỉ là một công cụ để trao đổi hàng hóa, dịch vụ

Oscar Wilde - Nhà soạn kịch nổi tiếng vào giai đoạn những năm 1890 từng có câu như sau:

"When I was young I thought that money was the most important thing in life; now that I am old, I know that it is."

Tạm dịch: Khi còn trẻ, tôi đã nghĩ rằng tiền là thứ quan trọng nhất trong cuộc sống; bây giờ khi già rồi, tôi biết điều đó là chính xác.

Dù đồng ý hoặc phản đối với quan điểm tiền có mua được hạnh phúc, chúng ta ai cũng phải thừa nhận sự quan trọng của đồng tiền, đặc biệt là trong xã hội ngày nay. Cuộc sống vật chất đủ đầy ắt hẳn sẽ dễ chịu và tự do hơn là phải miệt mài làm việc để trả nợ, xoay sở ba bữa ăn mỗi ngày.

Tuy nhiên, Jonathan Swift - Tác giả quyển sách văn học kinh điển Gulliver Du Ký (Gulliver's Travels, 1726) lại có câu nói như sau:

"A wise man should have money in his head, but not in his heart."

Tạm dịch: Một người đàn ông khôn ngoan chỉ nên đặt vị trí của đồng tiền ở trí óc, chứ không phải ở con tim.

Qua câu nói trên, có thể thấy rằng nhà văn lỗi lạc Jonathan Swift muốn truyền tải một thông điệp đáng giá rằng: tiền dĩ nhiên quan trọng, nhưng chúng ta không nên mù quáng vì nó.

Nếu phân tích một cách kỹ càng, một con người có hạnh phúc hay không hoàn toàn chẳng liên quan đến đồng tiền cả. Bởi vì bản chất của tiền vốn không tốt nhưng cũng chẳng xấu, đó chỉ là một công cụ để con người trao đổi hàng hóa, dịch vụ mà thôi.

Con người ta không hạnh phúc vì không hiểu rõ chính mình

Đây mới thật sự là nguyên nhân khiến một người không hạnh phúc, ngay cả khi có rất nhiều tiền. Theo phân tích từ các tác giả trong bài nghiên cứu được đề cập ở trên là Elizabeth Dunn, Dan Gilbert, và Timothy Wilson, tiền có thể mang lại cho chúng ta cơ hội để hạnh phúc. Điều đáng tiếc là mọi người có xu hướng tiêu xài hoang phí vào những thứ họ nghĩ rằng sẽ khiến bản thân vui vẻ, nhưng cuối cùng lại không như vậy.

Xã hội ngày nay, con người có quá nhiều lựa chọn, từ việc đơn giản như mua một chiếc bàn chải đánh răng, cho đến các quyết định quan trọng như công việc, hoặc tìm kiếm người yêu. Mặc dù việc có thể lựa chọn là một điều tốt, tuy nhiên mặt trái của điều này là con người cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng vì chẳng biết mình nên chọn cái gì cho đúng. Các nhà tâm lý học đã nghiên cứu và gọi tên hiện tượng này là decision fatigue (tạm dịch: sự quyết định mệt mỏi). Khi phải đưa ra quá nhiều quyết định trong một thời gian ngắn, con người cảm thấy mệt mỏi và khả năng đưa ra quyết định sáng suốt ngày càng giảm.

Điều đó dẫn đến việc nhiều người tìm đến những niềm vui mang tính tạm bợ hơn là dài lâu, điển hình là thói quen mua sắm bốc đồng theo cảm xúc (impulse buying). Con người vì thế mà dễ bỏ qua những giá trị thật sự mang đến niềm vui cho họ. Khi niềm vui ngắn hạn qua đi, cảm giác cô đơn và buồn chán lại ập đến. Cuộc sống vội vàng khiến chúng ta chẳng mấy khi dành thời gian ở một mình để suy ngẫm và đối diện với bản thân. Con người cứ thế bị cuốn vào những bộn bề, để rồi dần dần cảm thấy trống rỗng và xa lạ với chính mình.

Không chỉ thế, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và truyền thông đã khiến nhiều người thường xuyên cảm thấy FOMO (Fear Of Missing Out, tạm dịch: nỗi sợ bị bỏ lỡ). Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến chủ nghĩa tiêu dùng đang bùng nổ trên toàn cầu. Theo Eve Ensler - tác giả của vở kịch "The Vagina Monologues", một xã hội đề cao chủ nghĩa vật chất khiến con người khao khát những gì thuộc về người khác, thay vì hài lòng với những thứ mình đang có.

Sự phát triển của mạng xã hội vô tình khiến chúng ta khao khát cuộc sống của người khác, thay vì hài lòng với những gì đang có.

Nguồn ảnh: Freepik

4 lời khuyên về cách sử dụng tiền để mang lại niềm vui cho bản thân

#1: Dành thời gian khám phá bản thân đang muốn gì và cần gì

Lời khuyên đầu tiên và cũng là bước khó thực hiện nhất, bạn cần biết mình là ai và đang theo đuổi giá trị gì trong cuộc sống. Đây vốn là một điều không dễ dàng, có những người thậm chí đến khi đã đi gần hết quãng đời vẫn không biết được điều đó. Vì vậy, bạn cần có sự kiên nhẫn và dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe cảm xúc của mình, đồng thời nhìn nhận và đánh giá lại mọi khía cạnh đang diễn ra trong cuộc sống.

Một cách khác cũng hữu ích không kém, đó là bạn có thể đăng ký học một khóa học, kỹ năng nào đó bạn có hứng thú từ lâu nhưng chưa có cơ hội tham gia. Khi theo đuổi một sở thích, bạn sẽ có sự kết nối sâu sắc với bản thân, đồng thời khám phá được những khía cạnh mới mẻ của chính mình mà trước đây thậm chí bạn không hề biết,

#2: Tạo ra những kỉ niệm đáng nhớ

Khi bạn mua một món đồ đắt tiền, bạn sẽ hào hứng trong vài ngày đầu, sau đó nhanh chóng chán nó và hào hứng với một sản phẩm thời thượng mới ra mắt. Có thể thấy, thú vui mua sắm chẳng mấy khi mang lại cảm giác vui vẻ dài lâu. Tuy nhiên, việc tạo ra trải nghiệm với những người bạn yêu quý lại có tác động hoàn toàn trái ngược.

Theo một nghiên cứu kéo dài 75 năm của Harvard do Robert Waldinger làm Giám đốc Dự án, yếu tố quan trọng nhất khiến con người hạnh phúc chính là các mối quan hệ sâu sắc và chất lượng chứ không phải tiền bạc. Ví dụ, một chuyến đi du lịch cùng với bố mẹ, người yêu hoặc nhóm bạn thân thiết chắc chắn sẽ để lại cho bạn những kỷ niệm đáng nhớ và vui vẻ.

#3: Dùng tiền để chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần

Nếu có một bài học mà đại dịch đã dạy cho tất cả chúng ta, đó là sức khỏe thể chất và tinh thần là vô cùng quan trọng. Dù đang có thu nhập cao hay thấp, việc tích lũy một khoản tiền nhất định hàng tháng cho quỹ tiết kiệm dự phòng là điều cần thiết. Khi có sự cố không mong muốn phát sinh, bạn sẽ không gặp nhiều khó khăn khi xoay sở tiền bạc.

Một điều cần lưu ý đó chính là thật ra việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần không cần phải có nhiều tiền. Hãy bắt đầu bằng những thói quen nhỏ nhất, chẳng hạn như: đặt nhắc nhở ngủ sớm so với trước đây 30 phút; bắt đầu bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày một ít rau củ, trái cây; mỗi tối dành khoảng 5 - 10 phút để ghi lại các sự kiện diễn ra trong ngày (điều gì khiến bạn vui, buồn, tức giận,...).

Những thói quen trên sẽ giúp bạn dần dần cải thiện tình trạng sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Khi đó, tâm trạng bạn sẽ luôn ở trạng thái dễ chịu, ít căng thẳng và giảm thiểu khả năng dẫn đến trầm cảm.

#4: Sử dụng tiền để giúp đỡ mọi người

Theo một khảo sát từ hơn 200.000 người trên toàn thế giới của Chuyên gia Tâm lý xã hội Elizabeth Dunn: việc đóng góp tiền vào các tổ chức từ thiện khiến chúng ta hạnh phúc hơn. Lý giải cho điều đó là vì bản chất con người là sinh vật xã hội, ngay cả những người hướng nội nhất.

Vậy nên, chúng ta thấy hạnh phúc khi nhận ra bản thân có tác động tích cực đến cộng đồng theo một cách nào đó. Đừng quá đặt nặng việc quyên góp nhiều hay không, quan trọng là bạn đã góp một phần của mình để giúp đỡ người khác vượt qua hoàn cảnh khó khăn là đủ. Một lưu ý khác là trước khi quyên góp cho một tổ chức hoặc cá nhân nào đó, bạn nên tìm hiểu kỹ để tránh bị kẻ gian lợi dụng lòng tốt của người khác để trục lợi.

Việc đóng góp cho các tổ chức từ thiện giúp con người cảm thấy hạnh phúc hơn.

Nguồn ảnh: RODNAE Productions từ Pexels

*Nếu bạn muốn đọc bài nghiên cứu ở đầu bài có thể truy cập tại đây. Lưu ý là toàn bộ bài nghiên cứu này sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh.


Theo:
T.S
Nguồn:
ProFin tổng hợp

Bạn có thể quan tâm