
“Chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự phân biệt ngoại hình (“lookism”) ngày càng lan rộng, thế nhưng ít ai coi đó là một loại định kiến.” (Câu gốc: “we face a world where lookism is one of the most pervasive but denied prejudices.”) Trích dẫn lời của Nancy Etcoff - Nhà tâm lý học tại Massachusetts General Hospital (bệnh viện giảng dạy lớn nhất thuộc Harvard Medical School).
Phân biệt và thiên vị ngoại hình là gì?
Lookism (nghĩa tiếng Việt: phân biệt đối xử về mặt ngoại hình) là một thuật ngữ mô tả những người có ngoại hình kém thu hút bị phân biệt đối xử. Không chỉ trong môi trường công sở, việc này có thể xảy ra ở nhiều tình huống xã hội khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề này lại không được đa số mọi người nhìn nhận giống như phân biệt chủng tộc, giới tính, vùng miền hoặc văn hóa. Thực chất, nhiều người có ngoại hình trung bình hoặc không bắt mắt có thể gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc làm, hoặc bắt đầu các mối quan hệ tình cảm.
Theo Nhà kinh tế học người Mỹ Daniel Hamermesh, đồng thời cũng là tác giả quyển sách Beauty Pays: Why Attractive People Are More Successful (tạm dịch: Cái giá của sắc đẹp: Vì sao những người có ngoại hình hấp dẫn lại thành công hơn?), một thuật ngữ khác được gọi là beauty bias (tạm dịch: thiên kiến ngoại hình). Cụm từ này dùng để chỉ một số cá nhân được hưởng đặc quyền nơi công sở vì có ngoại hình bắt mắt.
3 tác hại tiêu cực do thiên vị và phân biệt ngoại hình mang lại
#1: Thu nhập không tương xứng với năng lực
Vấn đề đầu tiên chính là không được trả lương công bằng. Thay vì dựa trên năng lực hoặc kinh nghiệm chuyên môn, một số chủ doanh nghiệp lại đưa ra mức thu nhập phụ thuộc vào vẻ ngoài của ứng viên. Theo kết quả nghiên cứu do Đại học Wisconsin-Madison thực hiện, những người phụ nữ có ngoại hình thu hút có thu nhập trung bình cao hơn 4% so với nữ giới có ngoại hình trung bình, hoặc bị coi là kém hấp dẫn.
Không chỉ riêng phái nữ, nam giới cũng gặp tình trạng tương tự, theo như nghiên cứu trên, đối với những người đàn ông không được đánh giá cao về vẻ ngoài, thu nhập mỗi giờ của họ thấp hơn 9% so với mức trung bình của nam giới. Ngược lại, những người đàn ông có vẻ ngoài nam tính, hấp dẫn có thu nhập cao hơn 5% so với mức bình quân.
#2: Chỉ trích ngoại hình nơi công sở
Vài năm trở lại đây, giới trẻ Việt đã dần quen thuộc hơn với thuật ngữ “body shaming”. Cụm từ này dùng để mô tả những hành động hoặc lời nói nhằm mục đích chế giễu, chỉ trích vẻ bề ngoài của một ai đó. Bất cứ ai cũng có thể gặp phải tình huống này, ngay cả những người có ngoại hình bắt mắt. Nữ giới thường xuyên là nạn nhân của vấn nạn này nhiều hơn nam giới, đặc biệt là trên mạng xã hội hoặc tại chỗ làm. Các ngôi sao nổi tiếng toàn cầu như Selena Gomez, Jennifer Aniston, Adele hoặc Kelly Clarkson,... thường xuyên gặp phải vô số bình luận tiêu cực về ngoại hình trên trang mạng xã hội của họ.
Tại môi trường công sở, tình trạng này có thể sẽ không rõ ràng giống như các ngôi sao nổi tiếng. Theo Emily Lauren Dick - tác giả quyển sách Body Positive: A Guide to Love Your Body. body shaming tại chỗ làm sẽ xuất hiện dưới hình thức những lời nói bóng gió, mỉa mai nhiều hơn là chỉ trích, chê bai thẳng thừng. Một vài ví dụ điển hình như sau:
- Em suốt ngày ăn cái này hèn gì cứ mập hoài không ốm nổi.
- Em sẽ không bao giờ lấy được chồng nếu không chịu giảm cân.
- Đàn ông thường không thích con gái quá cao như em đâu.
Không chỉ thế, việc thường xuyên so sánh giữa một người có ngoại hình bắt mắt và một người kém thu hút cũng là một hình thức khác của body shaming. Một vài ví dụ điển hình sau đây, ắt hẳn không ít bạn nữ đã từng trải qua:
- Em phải cố gắng phấn đấu để xinh đẹp giống như bé A, chị B,... mới được nhiều người theo đuổi.
- Em có thấy công ty của mình ai cũng xinh đẹp, thon thả hay không? Em cũng nên bắt chước, học tập họ đi chứ!
Nguồn ảnh: Keenan Constance / Pexels
#3: Ám ảnh về vẻ ngoài hoàn hảo
Việc bị chế giễu về vẻ ngoài tại chỗ làm khiến cho nhiều người trở nên ám ảnh với ngoại hình. Bên cạnh đó, sự phát triển của mạng xã hội, truyền thông khiến nhiều người ngày càng thiếu tự tin về vẻ ngoài của mình. Chính vì vậy, họ không ngần ngại bỏ tiền ra để mua mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cơ thể. Một số bộ phận sẵn sàng tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi nhan sắc. Nghiêm trọng hơn, một số bạn trẻ còn trở nên nghiện thẩm mỹ, hoặc chạy theo các xu hướng phẫu thuật kỳ lạ. Vào đầu năm 2021, tại Trung Quốc nở rộ phong trào phẫu thuật đôi tai yêu tinh hoặc thu gọn bắp chân. Theo các chuyên gia bác sĩ cảnh báo, cả hai hình thức chỉnh hình trên đều rất nguy hiểm, có thể để lại di chứng. Ngoài ra, các phong trào này chỉ được thực hiện bởi các phòng khám nhỏ không uy tín, vì những cơ sở hoặc bệnh viện lớn chẳng bao giờ tiến hành những loại thẩm mỹ theo trào lưu như thế.
Học cách yêu bản thân để vượt qua áp lực về ngoại hình
"To be beautiful means to be yourself. You don’t need to be accepted by others. You need to accept yourself." - Thích Nhất Hạnh
Tạm dịch: Trở nên xinh đẹp chính là trở thành chính mình, Bạn không cần sự công nhận từ người khác. Bạn chỉ cần biết cách chấp nhận bản thân là được.
Thực chất, mong muốn trở nên đẹp hơn là hoàn toàn đúng đắn. Thế nhưng, đừng để điều đó đi quá xa và trở thành nỗi ám ảnh phải có vẻ ngoài hoàn hảo.
Để bắt đầu hành trình yêu bản thân đúng cách, đầu tiên hãy ngừng so sánh mình với người khác, đặc biệt là những hình ảnh lung linh đã được chỉnh sửa trên mạng xã hội. Hãy luôn tự nhủ mỗi người đều có ưu, nhược điểm riêng. Bạn không nhất thiết phải giống với một hình mẫu nào. Bên cạnh đó, có thể bạn chưa bao giờ nghĩ rằng, thứ bạn nghĩ là nhược điểm lại là điểm đáng yêu trong mắt người khác đấy.
Ngoài ra, ProFin sẽ gợi ý 2 mẹo nhỏ để bắt đầu thói quen yêu bản thân một cách dễ dàng hơn:
-
Thanh lọc mạng xã hội: Bạn có thể bỏ theo dõi những gương mặt hot girl xinh xắn. Thay vào đó, bạn có thể theo dõi các trang có tính giải trí hơn, ví dụ như thú cưng, ảnh chế hài hước,... Điều đó giúp bạn thư giãn, đồng thời ít sinh ra cảm giác so sánh bản thân với người khác.
-
Học cách khen ngợi chính mình: Mỗi khi nhìn vào bản thân, hãy tập cách khen ngợi các ưu điểm sẵn có, đồng thời khuyến khích bản thân tìm giải pháp hợp lý để cải thiện những điểm bạn vẫn chưa hài lòng.
- Theo:
- An Nguyễn
- Nguồn:
- ProFin tổng hợp