Profin

Quan điểm

Quản lý tài chính cá nhân #11 - Ngụy biện chi phí chìm: Nguyên nhân khiến chúng ta cứ đổ công sức - tiền bạc vào những thứ lẽ ra nên từ bỏ

Quản lý tài chính cá nhân #11 - Ngụy biện chi phí chìm: Nguyên nhân khiến chúng ta cứ đổ công sức - tiền bạc vào những thứ lẽ ra nên từ bỏ

Bạn có bao giờ rơi vào tình trạng cố gắng níu kéo một khoản đầu tư, hoặc một mối quan hệ,... dù biết là đã không còn mang lại lợi ích vì nghĩ bản thân đã bỏ ra quá nhiều thứ để có được điều đó? Nếu có, đó được gọi là hiện tượng ngụy biện chi phí chìm.

Định nghĩa và ví dụ thực tiễn

Ngụy biện chi phí chìm (tiếng Anh: sunk cost fallacy) là một thuật ngữ dùng để mô tả hiện tượng một người luôn cố gắng vì một thứ gì đó, dẫu cho nó không còn mang lại lợi ích, thậm chí có thể gây tổn thất. Tuy nhiên, họ vẫn cố gắng vì họ đã từng dồn rất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian vào đó. Điều này có thể tác động ở mức độ cá nhân và doanh nghiệp. Hãy theo dõi hai ví dụ dưới đây để dễ hình dung hơn.

#1: Ở cấp độ cá nhân

Giả sử, Y cuối cùng đã đậu phỏng vấn tại một công ty có tên tuổi. Để làm việc tại nơi này, Y phải chuyển nhà để di chuyển thuận tiện hơn. Mặc dù tiền thuê hàng tháng cao hơn so với nơi cũ, thu nhập ở chỗ mới cũng khá hơn nên bạn quyết định nhận việc.

Sau vài tháng làm việc tại nhà do giãn cách xã hội, Y nhận ra bản thân phù hợp với hình thức làm việc tự do hơn. Tuy nhiên, do trước đó đã tiêu tốn không ít chi phí và công sức để thuê nhà mới gần văn phòng, Y cảm thấy nếu nghỉ việc thì số tiền và công sức chuyển đến đây coi như bị lãng phí. Vậy nên Y cố gắng bám trụ dù càng ngày càng cảm thấy mệt mỏi và không có động lực đi làm. Từ đó dẫn đến năng suất bị sụt giảm và bị cấp trên khiển trách. Có thể thấy, hiện tại vị trí này đã không còn phù hợp Y và không còn mang lại niềm vui, hứng thú trong công việc. Thế nhưng, Y vẫn không từ bỏ vì tiếc nuối những gì mình đã từng bỏ ra trong quá khứ để có được công việc hiện tại.

#2: Ở cấp độ tổ chức

Theo trang The Decision Lab, một ví dụ phổ biến nhất về ngụy biện chi phí chìm ở quy mô lớn chính là câu chuyện của Concorde. Vào những năm thập niên 1950, chính phủ Pháp và Anh hợp tác để sản xuất chiếc máy bay tích hợp công nghệ siêu thanh, ước tính chi phí lên 100 triệu USD - con số khổng lồ so với thời điểm lúc bấy giờ. Tuy nhiên, quá trình chế tạo không thuận lợi, dẫn đến việc ngày càng hao tốn chi phí và thời gian.

Dự án vẫn tiếp tục vì chính phủ cho rằng họ đã đầu tư cho dự án Concorde quá nhiều về mặt tài chính và thời gian, vậy nên họ tiếp tục đổ thêm tiền bạc, nhân lực và công sức. Kết quả, hàng triệu đô la bị lãng phí, Concorde đối mặt với vô vàn khủng hoảng và buộc phải chấm dứt hoạt động vĩnh viễn.

Hình ảnh chuyến bay thương mại đầu tiên của Concorde.

Nguồn ảnh: AFP

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này

Ngụy biện chi phí chìm diễn ra khi một người có xu hướng chú ý quá nhiều về những gì đã bỏ ra trong quá khứ, mà không để ý đến các lợi ích và thiệt hại trong tương lai. Ngoài ra, nhiều người cho rằng bỏ cuộc giữa chừng không khác gì thừa nhận bản thân đã lựa chọn sai lầm, từ đó dẫn đến thất bại.

Không chỉ vậy, con người đôi khi có xu hướng nhìn nhận mọi thứ theo hướng lạc quan quá mức. Ai cũng cho rằng những sự cố không may sẽ chỉ đến với những người khác, trừ mình ra. Bên cạnh đó, bộ não người ta cũng thường ghi nhớ các kết quả theo chiều hướng tốt đẹp hơn là không tốt. Vì vậy, bạn sẽ nhận ra có một vài người thường cho rằng thành công là do năng lực của họ, còn thất bại là do thiếu may mắn, hoặc các yếu tố ngoại cảnh khác. Điều đó khiến nhiều người tin vào quyết định của mình một cách mù quáng, hoặc liên tục tự trấn an bản thân rồi mọi thứ sẽ dần tốt đẹp hơn.

Nếu cứ giữ mãi lối tư duy này, bên cạnh hiện tượng ngụy biện chi phí chìm, họ có thể rơi vào một cái bẫy khác được gọi là ngụy biện lập kế hoạch (tiếng Anh: planning fallacy).

Bài viết liên quan: “Ngụy biện lập kế hoạch”: Thiên kiến nhận thức nguy hiểm ai cũng có thể mắc phải

Làm thế nào để không rơi vào cái bẫy tâm lý ngụy biện chi phí chìm?

Không dễ dàng để thay đổi điều này, tuy nhiên sau đây là 2 yếu tố quan trọng nhất để thoát khỏi hiện tượng này:

#1: Cố gắng có cái nhìn đa chiều và khách quan trong từng thời điểm

Dù là công việc, các khoản đầu tư tài chính, mối quan hệ tình cảm,... thỉnh thoảng, hãy dành thời gian xem xét lại mọi thứ. Liệu chúng có đang đi đúng như kế hoạch bạn đã vạch ra? Có điều gì đó đang dần chuyển biến theo chiều hướng xấu đi hay không? Nếu có, hãy tìm ra phương pháp giải quyết dựa trên các phân tích khách quan từ mọi góc độ khác nhau, không nên đưa ra phán đoán dựa trên cảm xúc hoặc kết quả từ quá khứ.

#2: Học cách chấp nhận thất bại và rút ra những bài học đắt giá

Trong cuộc sống, bất cứ ai cũng không thể tránh khỏi sai lầm, ngay cả những tỷ phú thành công nhất thế giới cũng đã từng vấp ngã. Hãy học cách học hỏi từ những thất bại và tiếp tục tiến bước trên con đường của mình.


Theo:
An Too
Nguồn:
ProFin tổng hợp

Bạn có thể quan tâm