
Kể từ sau cơn sốt “Đại Nghỉ Việc” - The Great Resignation (ProFin phỏng dịch), không ít nhân viên quyết định quay trở lại thị trường lao động vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong khi một số bộ phận trẻ tìm kiếm hướng đi sự nghiệp mới, không ít người lại có mong muốn quay trở lại công ty cũ làm việc. Những người này, được thị trường định nghĩa là “boomerang employees”.
Theo nghiên cứu công bố vào tháng 4/2022 được thực hiện bởi UKG (tổ chức cung cấp công nghệ về dịch vụ quản lý nhân sự toàn cầu), 43% người tham gia khảo sát từng bỏ việc trong giai đoạn đại dịch thừa nhận rằng công việc cũ tốt và phù hợp với họ hơn. Cũng theo nghiên cứu này, cứ 5 người thì có 1 người đã quay lại công ty cũ. Như vậy, có thể nói rằng cơn sốt “Đại Nghỉ Việc” (The Great Resignation) đã và đang chuyển hóa thành cuộc “Đại Cải Cách Nhân Sự” (The Great Reshuffle).
Nguyên nhân diễn ra hiện tượng “boomerang employees”
Trước đây, một bộ phận lớn thuộc thế hệ Millennials (sinh năm 1981 - 1996) bị cuốn theo lối sống hối hả (hustle culture) hoặc văn hóa 966 ở Trung Quốc (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần). Điểm chung của cả hai văn hóa này chính là khuyến khích người trẻ phải làm việc không ngừng nghỉ để đạt được thành công. Đây cũng được xem là mục đích sống của không ít người.
Sau một thời gian nỗ lực mà không thành công như mong đợi, một số người quyết định rời đi để tìm cơ hội khác tiềm năng hơn. Dẫu vậy, sau khi đã làm việc tại nhiều môi trường mới, một bộ phận quyết định quay trở lại công ty cũ. Theo phân tích từ Indeed, nguyên nhân chủ yếu họ quay về là do vị trí mới không được như kỳ vọng, thậm chí còn tệ hơn. Do đó, họ thấy rằng nơi phù hợp với họ nhất về nhiều phương diện (văn hóa công ty, đồng nghiệp, định hướng phát triển,...) lại là chỗ cũ. Bên cạnh đó, theo chia sẻ của Cammas Freeman - Nhà sáng lập công ty tuyển dụng Stackrock Talent, nhiều ứng viên cũng muốn quay lại tổ chức cũ khi nơi đó đã phát triển mạnh mẽ hơn trước đó.
Theo kết quả thống kê từ LinkedIn, tỷ lệ “boomerang employees” ngày càng có chiều hướng tăng lên (năm 2021 là 4,5% trong khi năm 2019 là 3,9%). Điều đó cho thấy, ngay cả khi làn sóng nghỉ việc bùng nổ mạnh mẽ trong năm 2021, số lượng nhân viên quay về tổ chức cũ làm việc không hề có xu hướng giảm đi.
Ưu, nhược điểm của “boomerang employees” đối với chủ doanh nghiệp
Như vậy, khi một nhân viên cũ ngỏ ý muốn quay lại làm việc, hoặc họ ứng tuyển vào một vị trí mới, liệu chủ doanh nghiệp hoặc nhà tuyển dụng nên xử lý ra sao với tình huống này? Sau đây, hãy cùng ProFin xem xét các ưu - nhược điểm của một “boomerang employees”:
#1: Ưu điểm
- Không tốn nhiều chi phí và thời gian đào tạo, huấn luyện lại từ đầu.
- Nhân viên cũ hiểu rõ văn hóa công ty và dễ dàng tái hòa nhập hơn.
- Bạn phần nào hiểu được tính cách và năng lực làm việc của họ.
- Khả năng họ nhảy việc thấp hơn. Theo kết quả nghiên cứu từ Đại học Illinois, nhân viên cũ khi quay lại làm việc sẽ có xu hướng ở lại lâu hơn so với người mới.
- Hiệu suất công việc được cải thiện. Các nhân viên “boomerang” sau khoảng thời gian bôn ba ở những nơi khác sẽ trau dồi được nhiều kiến thức, kỹ năng hữu ích.
#2: Nhược điểm:
- Dễ gây ra thị phi: Nếu nhân viên cũ đó ngày trước nghỉ việc do mâu thuẫn với cấp trên, hoặc vướng vào rắc rối tình ái thì việc thuê lại họ có thể phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.
- Nhân viên “boomerang” có thể đòi hỏi nhiều hơn người mới: Khi quay lại công ty cũ, họ có xu hướng mong đợi mức thu nhập cao hơn cùng với nhiều phúc lợi khác đi kèm.
- Tổ chức của bạn có sự cải cách, đổi mới so với ngày trước và điều đó không còn phù hợp với người nhân viên nghỉ việc đã lâu.
3 yếu tố nên cân nhắc trước khi tuyển dụng lại “người cũ”
#1: Xem xét lại lý do ngày xưa họ ra đi
Trong bối cảnh ngày nay, hình ảnh một nhân viên gắn bó với tổ chức từ hàng chục năm không còn phổ biến nữa. Dẫu vậy, bạn vẫn nên cân nhắc đến lý do vì sao họ bỏ việc trước đó. Giả sử như trước đó họ đề nghị từ chức vì những nguyên nhân chính đáng (du học để nâng cao chuyên môn, muốn thử sức ở một lĩnh vực mới, hoặc lý do bất khả kháng liên quan đến hoàn cảnh gia đình,...), bạn có thể cân nhắc tái tuyển dụng lại họ. Theo phân tích từ SHRM HR Jobs, kiểu nhân viên cũ này có thể mang lại lợi ích nhất định cho doanh nghiệp, vì khi quay lại họ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm đáng giá cho vị trí công việc đó.
Ngược lại, nếu trước đây họ rời đi không mấy êm đẹp (tranh cãi với đồng nghiệp hoặc cấp trên, trộm cắp, quấy rối tình dục,...), bạn chắc chắn không nên nhận lại họ để tránh gây nên thị phi không đáng có.
Nguồn ảnh: Vecteezy
#2: Cân nhắc xem họ có phải người mà tổ chức đang cần
Cammas Freeman nói thêm, các nhà lãnh đạo nên suy nghĩ xem ai là người bạn cần họ quay trở lại. Có một số vị trí bạn đã tìm được người thích hợp hơn, vậy nên việc dùng lại người cũ không hẳn là một điều cần thiết. Bên cạnh đó, bạn cũng nên cân nhắc đến môi trường - quy mô - mục tiêu của tổ chức hiện tại và liệu nhân viên cũ kia có còn phù hợp với sự đổi mới này hay không.
#3: Hiểu rõ lý do vì sao họ mong muốn quay lại
Điều quan trọng cuối cùng chính là nhà tuyển dụng hoặc chủ doanh nghiệp nên hiểu được vì sao nhân viên cũ đó muốn quay lại. Ngoài ra, trong buổi phỏng vấn, bạn cũng nên trao đổi rõ ràng về những mong muốn, đề xuất của họ (lương - thưởng, phúc lợi, điều kiện làm việc,...). Từ đó, bạn mới có cơ sở để cân nhắc xem liệu họ có còn phù hợp để trở về làm việc.