Quan điểm
Ramit Sethi: Đại dịch là cơ hội hiếm có để học về quản lý tài chính cá nhân

Ramit Sethi là triệu phú tự thân, đồng thời là tác giả loạt sách bán chạy của The New York Times năm 2009 “I Will Teach You To Be Rich” (tạm dịch: Tôi sẽ dạy bạn trở nên giàu có). Bên cạnh đó, anh còn là người dẫn chương trình podcast cùng tên loạt sách, giảng viên các khóa học về tài chính cá nhân. Ramit Sethi thường xuyên xuất hiện trên các tờ báo nổi tiếng như The New York Times, CNBC và The Wall Street Journal. Vào đầu tháng 2/2022, trang The Cut đã trao đổi với anh về việc quản lý tài chính cá nhân trong bối cảnh kinh tế sau đại dịch.
* Đây là một thời điểm không mấy dễ dàng để đưa ra các quyết định liên quan đến tiền bạc. Nền kinh tế biến động liên tục, đại dịch vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn - dường như rất khó để lập kế hoạch ngân sách cho tương lai. Quan điểm của anh ra sao về điều này?
Ramit Sethi: Mỗi ngày tôi nhận được hơn 2.000 tin nhắn từ những người thuộc độ tuổi, nền tảng kinh tế xã hội khác nhau. Trong hai năm gần đây, tôi đã nghe được không ít tin buồn từ nhiều người: mất việc, người thân qua đời, hoãn tổ chức lễ cưới,... Hầu hết mọi người đều cảm thấy thất vọng vì dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến dự định của họ.
Dẫu vậy, theo tôi, đây là cơ hội hiếm có để mọi người học cách chi tiêu thông minh. Tôi nhận ra tỷ lệ quan tâm đến tài chính cá nhân đang tăng trưởng mạnh mẽ. Tỷ lệ tiết kiệm đang ở mức cao nhất từ trước đến giờ. Điều đó cho thấy đa số mọi người bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của ngân sách cá nhân, chẳng hạn như quỹ dự phòng khẩn cấp.
* Đúng vậy, đây chính là thời khắc để suy tính nhiều hơn về khía cạnh tài chính.
Ramit Sethi: Có vài thời điểm quan trọng trong đời khi phải đưa ra quyết định tài chính, chẳng hạn như tốt nghiệp đại học, tìm công việc mới, kết hôn và sinh con,... Đây là những sự kiện khiến một người phải quan tâm nhiều hơn về vấn đề tiền bạc.
Trong cuộc sống, không có ai bỗng nhiên thức dậy và quyết tâm lập kế hoạch tài chính dài hạn, cùng với chiến lược đầu tư sinh lời với kinh phí thấp. Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Thay vào đó, khi đến thời điểm quan trọng, họ nhận ra đó là điều bắt buộc phải thực hiện ngay bây giờ.
* Khi thời điểm đó đến, đâu là cách tốt nhất để lập kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả nhất? Tôi nghĩ có không ít người đã bắt đầu và bỏ cuộc không lâu sau đó.
Ramit Sethi: Theo tôi, đầu tiên họ nên đọc sách. Tôi nhận ra rằng có rất nhiều người phàn nàn, lo lắng về việc quản lý chi tiêu chưa bao giờ đọc bất kỳ quyển sách nào về tài chính cá nhân. Không ít người đã hỏi tôi rằng làm thế nào để họ có thể tự tin hơn trong việc quản lý tiền bạc của chính mình? Mấu chốt chính là bạn cần phải nắm được kiến thức cơ bản về tài chính. Thực chất, nó không quá phức tạp như nhiều người nghĩ, chỉ là nó có phần hơi khô khan thôi. Đó chính là lý do mà chỉ có bộ phận nhỏ có mong muốn tìm hiểu về vấn đề quản lý tiền bạc.
Bản thân tôi có theo dõi một số phương tiện truyền thông nói về chủ đề này. Hầu hết họ đều tập trung vào việc chúng ta không nên dùng tiền để làm gì, chẳng hạn như không nên đi du lịch hoặc mua quần áo. Chẳng trách không có ai hứng thú với đề tài này. Theo quan điểm của tôi, mọi người có thể mua sắm bất cứ thứ gì họ thích, đồng thời cắt bỏ đi những chi tiêu không cần thiết. Điều đó đồng nghĩa với việc mỗi người sẽ có những chi phí ưu tiên khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu và tiềm năng tài chính của họ.
Nguồn ảnh: CNBC Make It
* Làm thế nào để một người biết được họ đang thật sự muốn gì? Điều này không hề dễ dàng - không chỉ về tài chính cá nhân, mà còn nhiều khía cạnh khác. Chưa kể đến việc điều đó có thể thay đổi theo thời gian.
Ramit Sethi: Đại đa số mọi người chưa bao giờ được hỏi rằng đối với họ, như thế nào là cuộc sống giàu có. Khi đặt ra câu hỏi này, tôi chủ yếu nhận được 3 câu trả lời như sau. Câu trả lời phổ biến nhất là “Tôi muốn làm bất cứ mọi thứ vào mọi lúc tôi muốn.” Thế rồi tôi hỏi: “Thế bạn muốn làm gì?” Sau đó là sự im lặng. Họ chưa bao giờ nghĩ đến việc họ thật sự muốn làm gì cả.
Câu trả lời thứ hai cụ thể hơn một chút, đó chính là “Tôi muốn có được 1 triệu đô la.” Tiếp theo tôi hỏi “Thế bạn định làm thế nào để có được số tiền đó? Bạn sẽ dùng số tiền đó để làm gì?” Câu trả lời vẫn là sự im lặng. Thực chất, 1 triệu đô sẽ có sự khác biệt khi bạn sinh sống ở Brooklyn hoặc Kansas. Nó cũng sẽ có sự khác biệt khi bạn 30 tuổi so với lúc 60 tuổi. Rất nhiều người không nhận ra điều đó.
Câu trả lời thứ ba là “Tôi muốn thanh toán hết nợ nần.” Đây thật sự là một điều khá buồn khi viễn cảnh giàu có của một người chính là không có nợ. Đó không phải là một đích đến truyền cảm hứng mà mọi người nên hướng tới.
Do đó, tôi mong mọi người xây dựng tầm nhìn rõ ràng về tương lai. Tôi muốn họ phải tự hỏi bản thân rằng: “Nếu tôi có được một tháng hoàn hảo, nó sẽ như thế nào?” Câu trả lời không cần phức tạp, nhưng không nên chung chung như “Tôi muốn đi du lịch.” Hãy cụ thể hơn, chẳng hạn như “Tôi muốn đi du lịch ở Băng Cốc, Bali hoặc New Delhi.” Đối với cuộc sống giàu có trong hình dung của mỗi người cũng thế, bạn vạch ra bức tranh càng chi tiết càng tốt. Như vậy, bạn mới có động lực và xây dựng kế hoạch để đạt được điều đó.
* Bên cạnh việc có kế hoạch cụ thể và thực tế, có phải yếu tố linh hoạt cũng rất quan trọng? Ngoài ra, làm thế nào để giải quyết những vấn đề tồn đọng khác, chẳng hạn như nợ nần?
Ramit Sethi: Một kế hoạch chỉn chu nên tính toán đến thời điểm tốt và không tốt. Các mục tiêu không cần lúc nào cũng phải lớn lao, đó có thể là những thứ nhỏ nhặt. Khi tôi vừa chuyển đến New York, một trong những mục tiêu của tôi là có thể bắt taxi vào tháng 8, thay vì chen chúc ở tàu điện ngầm nóng bức. Tôi cảm thấy rất tuyệt khi làm được điều đó. Sau này, khi các khoản đầu tư và thu nhập tăng lên, mục tiêu của tôi cũng lớn dần, điều đó hoàn toàn bình thường.
Sai lầm phổ biến nhất mà nhiều người mắc phải khi lập kế hoạch là tập trung quá nhiều vào chi tiết. Bạn không nên quan tâm quá nhiều vào số tiền mua cà phê mỗi sáng. Thay vào đó, hãy nhìn vào bức tranh lớn hơn, điển hình là số tiền bạn đang kiếm được, tỷ lệ tiết kiệm hàng tháng hoặc tỷ lệ phân bổ tài sản. Theo tôi, mọi người nên biết nhiều hơn về khái niệm phân bổ tài sản (asset allocation) thay vì lạm phát - bởi vì đằng nào đây cũng là thứ bạn không thể nào kiểm soát được.
Một số khác lại thắc mắc nếu họ đang mắc nợ vay hoặc nợ tín dụng thì sao? Trong trường hợp này, tôi có hai câu hỏi. Đầu tiên, tổng số tiền họ đang nợ là bao nhiêu? Có hơn 90% người mắc nợ không hề biết bản thân đang nợ bao nhiêu tiền. Tôi không có ý phán xét mà còn rất thấu hiểu cho họ. Vì sao họ phải mở các phong bì thông báo nợ khi đã biết trước nó sẽ là tin xấu? Tôi cũng có vài phong bì thư trên bàn mà bản thân không hề muốn mở ra xem.
Câu hỏi thứ hai là khi nào các khoản nợ sẽ trả hết? Hơn 95% người có nợ không hề biết điều này. Đôi khi có một số thứ chúng ta không biết vì chúng ta đang cố trì hoãn. Do đó, mấu chốt vấn đề chính là tìm ra nguyên nhân của sự trì hoãn.
Nguồn ảnh: CNBC Make It
Tôi thường hỏi không ít người rằng: “Khi nhắc đến tiền, điều đầu tiên nảy ra trong đầu bạn là gì?” Hầu hết mọi người sẽ trả lời các cụm từ như tội lỗi, xấu hổ, an toàn hoặc bảo mật. Khi tôi hỏi rằng vì sao lại là những từ đó, có một người đã kể rằng bố của họ đã mất đi ngôi nhà trong thời kỳ sinh thoái kinh tế. Từ đó trở đi, họ luôn ám ảnh rằng mỗi khi kiếm được tiền cũng đồng nghĩa với đánh mất nó. Khi đó, tôi đã hỏi rằng liệu họ có biết rằng có rất nhiều cách để bảo vệ tài sản an toàn, đồng thời vẫn tiếp tục làm ra tiền.
Tôi nghĩ rằng chúng ta đã dành quá nhiều thời gian tự dày vò bản thân bằng những ý nghĩ như: “Vì sao tôi không thể nào duy trì ngân sách của mình?” Thực chất, bạn không cần có một ngân sách, điều quan trọng là bạn cần hiểu được tư duy về tiền của mình. Đồng thời, hình dung ra cuộc sống lý tưởng của bạn càng chi tiết càng tốt. Sau đó, hãy tính đến việc làm thế nào tận dụng nền tảng tài chính sẵn có để đạt được điều đó.
* Anh mong muốn mọi người sẽ hiểu hơn điều gì về tình hình tài chính hiện nay?
Có rất nhiều người liên tục hỏi tôi những câu đại loại như có nên đầu tư vào tiền điện tử hoặc bỏ ra 99% giá trị tài sản vào đó hay không? Đây chính câu trả lời của tôi: ngừng đọc và tin vào những bài viết kêu gọi đầu tư bừa bãi trên mạng xã hội. Thay vào đó, hãy cầm một cách sách chất lượng nói về tài chính cá nhân. Một khi đã hiểu được nguyên tắc cơ bản của tiền bạc, bạn có thể trích 5% tài sản của mình và bắt đầu dấn thân vào việc đầu tư. Tuy nhiên, nếu vẫn chưa nắm rõ các nguyên lý cơ bản, bạn không nên nghe theo các lời khuyên không đáng tin trên mạng để tránh “tiền mất tật mang”.
- Theo:
- T.S (lược dịch và biên tập từ The Cut)
- Nguồn:
- ProFin