Profin

Quan điểm

Quản lý tài chính cá nhân #9: Góc nhìn độc đáo về “tự do tài chính” từ kênh podcast nổi tiếng HieuTV

Quản lý tài chính cá nhân #9: Góc nhìn độc đáo về “tự do tài chính” từ kênh podcast nổi tiếng HieuTV

Bạn đang là ai trên hành trình đi đến cột mốc tự do tài chính: thợ săn hay là người nông dân?

Giới thiệu về anh Hiếu Nguyễn và kênh podcast HieuTV

Chủ nhân của kênh podcast HieuTV tên đầy đủ là Nguyễn Ngọc Hiếu. Anh hiện đang đảm nhận vai trò Cố vấn cho chính phủ về Digital Strategy tại Úc. Anh Hiếu Nguyễn đã từng làm việc và đi đến nhiều quốc gia trên thế giới, chính điều đó đã khiến cho nội dung podcast của anh có nét độc đáo, khác biệt.

Podcast HieuTV chủ yếu chia sẻ về những kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và bài học kinh nghiệm từ cuộc sống. Những trải nghiệm và vốn sống của tác giả giúp cho mỗi tập podcast đều sâu sắc và hữu ích. Một số tập về kinh nghiệm sống đáng nghe/xem trên kênh như: Chúng ta đã sẵn sàng để chết?; Đi tìm ý nghĩa cuộc sống; Một cuộc đời đáng sống; Sự kỳ vọng - Thuốc độc của hạnh phúc,... Sau khi nghe những tập podcast này, chắc chắn bạn sẽ có cái nhìn mới mẻ về cuộc sống, cũng như khía cạnh tài chính cá nhân.

Bên cạnh nội dung chất lượng, các video đăng tải trên kênh YouTube có sơ đồ minh họa rất công phu và thu hút. Hiện tại, podcast của anh được phát hành trên các nền tảng phổ biến như Spotify, Apple Podcast, Google Podcast, CastBox và YouTube.

Theo dõi và đăng ký kênh Hieu.TV tại đây.

Ý nghĩa hình ảnh ẩn dụ về người thợ săn và nông dân

Trong tập podcast thứ 45, anh Hiếu Nguyễn đã chia sẻ góc nhìn độc đáo của anh về hành trình tự do tài chính. Qua đó, anh phân tích rằng cuộc đời của mỗi người sẽ trải qua 3 giai đoạn như sau:

3 hình ảnh ẩn dụ cho 3 cột mốc tài chính mà mỗi người sẽ đạt được trong cuộc đời.

Nguồn ảnh: HieuTV

#1: Người thợ săn

Thợ săn là những người chuẩn bị dụng cụ như cung, nỏ mỗi sáng và đi vào rừng săn thú. Cuộc sống của họ đơn giản và không quá áp lực. Tuy nhiên, khi có rủi ro xảy ra, chẳng hạn như cháy rừng thì họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Đặt vào bối cảnh hiện đại, có thể hiểu hình ảnh thợ săn đại diện cho những người lao động. Họ phải bỏ công sức và thời gian để có được thu nhập hàng tháng. Khi có biến cố không mong muốn xảy đến, họ có thể gặp khó khăn về tiền bạc nếu không có sự chuẩn bị trước. Điển hình chính là đại dịch vừa qua, không ít người đã phải chật vật do đột ngột mất việc, giảm thu nhập,...

#2: Nông dân ngắn ngày

Đây là những người nông dân trồng các loại cây như lúa, bắp. Trong cuộc sống ngày nay, đây là có thể là những người làm việc tự do (Freelancer), hoặc các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ (bán hàng trực tuyến, kinh doanh quán cà phê,...).

Về cơ bản, nhóm nông dân ngắn ngày không quá khác biệt với nhóm thợ săn. Họ vẫn cần đổi thời gian và công sức làm việc để mang lại thu nhập. Mặc dù họ không có ông chủ ở phía trên, tuy nhiên họ có nhiều nỗi lo lắng và bận tâm, dĩ nhiên cũng bận rộn rất nhiều so với nhóm đầu tiên.

#3: Nông dân dài ngày

Đây là các đối tượng gieo trồng các loại hạt giống có thời gian thu hoạch lâu hơn, nhưng lại ít phải chăm hơn, ví dụ như các loại cây ăn trái (dừa, sầu riêng, xoài,...). Hiện nay, họ là nhóm người có nền tảng tài chính vững vàng. Bên cạnh thu nhập chính, họ có một hoặc nhiều nguồn thu nhập thụ động.

Bài viết liên quan: Quản lý tài chính cá nhân #7: Thu nhập thụ động - Bí quyết để đạt được độc lập tài chính

Vì sao đa số chúng ta chỉ là người thợ săn mà không thể trở thành nông dân?

Theo phân tích của anh Hiếu, sau đây là một số lý do khiến đa số chúng ta không thể trở thành người nông dân:

#1: Không được giáo dục về tài chính cá nhân

Khi còn trên ghế nhà trường, các học sinh - sinh viên được đào tạo kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm, tuy nhiên quản lý tài chính cá nhân là một chủ đề hiếm khi được giảng dạy và đào tạo. Chính vì vậy, khi bắt đầu đi làm, nhiều bạn trẻ không có tư duy đúng đắn về quản lý tiền bạc, cũng như biết cách tiết kiệm hoặc đầu tư.

#2: Bị cuốn vào vòng xoáy chủ nghĩa tiêu dùng

Nguyên nhân thứ hai, đó chính là thế hệ Millennials và Gen Z (sinh năm 1981 - 2015) lớn lên với sự bùng nổ của chủ nghĩa tiêu dùng (Consumerism). Các phương tiện truyền thông không ngừng khuyến khích mua sắm, đồng thời với sự phát triển mạnh mẽ của thẻ tín dụng, gần đây nhất là hình thức Buy Now, Pay Later (tạm dịch: mua trước, trả sau). Không chỉ thế, hiện nay có quá nhiều yếu tố chi phối người trẻ khiến việc tiết kiệm ngày càng trở nên khó khăn hơn. Nghiêm trọng hơn, không ít người còn có thói quen chi tiêu quá trán, thường xuyên rơi vào cảnh nợ nần và cứ mãi mắc kẹt trong vòng xoáy đó.

Bài viết liên quan: Quản lý tài chính cá nhân #1: Đâu là nguyên nhân khiến bạn gặp khó khăn trong việc tiết kiệm?

#3: Tạo ra thu nhập thụ động là một việc không hề dễ dàng

Để có thể trở thành người nông dân dài ngày, điều đó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và công sức. Vào thời gian đầu, cuộc sống sẽ chật vật rất nhiều so với nhóm thợ săn và nông dân ngắn ngày. Vì vậy mà không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để theo đuổi hành trình này.

Tạm dịch: Hãy sống vài năm cuộc đời khác biệt với đa số mọi người. Để rồi quãng đời còn lại, bạn có thể sống một cách mà đa số mọi người đều không thể làm được.

Nguồn ảnh: HieuTV

2 lời khuyên hữu ích từ anh Hiếu Nguyễn

#1: Trau dồi kỹ năng khi còn ở mốc thợ săn

Ngoại trừ trường hợp gia đình bạn có nền tảng tài chính vững vàng, bất cứ ai cũng phải bắt đầu từ cột mốc thợ săn. Trong giai đoạn này, điều quan trọng nhất chính là nâng cao kỹ năng chuyên môn lẫn kỹ năng mềm để có thu nhập cao hơn.

#2: Không nên khởi nghiệp, hoặc làm freelancer để được tự do và làm giàu

Theo anh Hiếu, những trường hợp muốn làm việc tự do với mong muốn kiếm nhiều tiền, có được sự tự do hơn đa phần đều không được như mong đợi. Khi bắt đầu làm điều đó, khả năng được tự do hơn là rất thấp mà còn bận rộn hơn gấp mấy lần. Không chỉ vậy, nếu chưa có kinh nghiệm chuyên môn vững, thu nhập cũng sẽ bấp bênh hơn đi làm văn phòng rất nhiều.

Đối với trường hợp muốn thành lập startup, anh Hiếu khuyên rằng chỉ nên bắt tay vào thực hiện khi bạn có thôi thúc giải quyết một vấn đề gì đó, ngay cả khi không có thu nhập. Bởi vì khởi nghiệp để giàu không hề là một việc đơn giản.

Trên thực tế, theo phân tích từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, 95% doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng phá sản ngay chỉ trong 3 năm đầu thành lập. Không chỉ thế, đại dịch vừa qua đã khiến không ít các startup phải bỏ cuộc chơi giữa chừng. Theo kết quả công bố từ Tổng cục Thống kê, trong năm 2021, bình quân mỗi tháng có khoảng 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Gần đây, Nhân Vương - CEO We Escape đã công bố ngừng hoạt động. Đây là startup từng gọi vốn thành công 5 tỷ đồng trên Shark Tank Việt Nam năm 2018. Một số startup khác từng gọi vốn thành công từ chương trình này cũng chật vật do đại dịch, chẳng hạn như Lamita Dance Fitness, Pema, Soya Garden. Thậm chí, VuFood còn bị tố cáo lợi dụng tên tuổi của Shark Phạm Thanh Hưng và công ty VuMedia để lừa đảo.

**Xem toàn bộ video NÔNG DÂN và THỢ SĂN dưới góc nhìn tài chính của anh Hiếu Nguyễn tại đây:


Theo:
T.S
Nguồn:
ProFin tổng hợp

Bạn có thể quan tâm