Profin

Quan điểm

Cân bằng cuộc sống #8: Đã đến lúc ngừng cố gắng làm người khác hài lòng

Cân bằng cuộc sống #8: Đã đến lúc ngừng cố gắng làm người khác hài lòng

Nếu bạn luôn nghĩ rằng phải làm những gì người khác bảo để được yêu quý, hoặc không dám từ chối đề nghị từ mọi người xung quanh, nhiều khả năng bạn là một “people-pleaser” (tạm dịch: người luôn cố gắng làm hài lòng người khác).

Giải thích về “people-pleaser”

“People-pleaser” có thể được coi là kiểu người luôn cố gắng đáp ứng yêu cầu của người khác. Tỷ lệ nữ giới sở hữu nét tính cách này cao hơn so với nam giới. Sau đây là một số đặc điểm của kiểu người này, theo phân tích từ các chuyên gia trong ngành:

#1: Đánh giá thấp giá trị của bản thân

Theo giải thích của Erika Myers - Nhà trị liệu tâm lý tại Oregon, các “people-pleaser” thường có lòng tự trọng thấp (self-esteem) và luôn bất an về bản thân, họ chỉ cảm thấy có giá trị khi nhận được sự công nhận và yêu thích từ người khác. Do đó, họ luôn cố gắng chấp nhận thực hiện mọi yêu cầu đến từ người khác và gần như hiếm khi từ chối.

#2: Không dám nói lên quan điểm trái chiều

Psychology Today cho biết, những kiểu người này có xu hướng né tránh mâu thuẫn, bởi vì mục tiêu của họ chính là làm tất cả mọi người được hài lòng. Vì vậy, họ chẳng bao giờ dám nói lên ý kiến thật sự nếu điều đó không giống đám đông. Không chỉ thế, họ cũng có xu hướng đứng ra là người hòa giải nếu trong một tập thể có xảy ra mâu thuẫn hoặc xung đột.

#3: Họ cố gắng để người khác cảm thấy tốt hơn

Trong bài viết từ Psychology Today, kiểu người “people-pleaser” sợ nói những lời khiến người khác cảm thấy bị tổn thương. Do đó, họ luôn nói giảm nói tránh, hoặc nói những lời nói dối vô hại để đối phương cảm thấy nhẹ nhõm, thay vì nói ra toàn bộ sự thật.

Những người có tính thích chiều lòng người khác thường ít nói ra quan điểm khác biệt vì sợ mâu thuẫn,

Nguồn ảnh: ELEVATE / Pexels

Đâu là nguyên nhân chính khiến một người luôn tìm cách làm hài lòng người khác?

Theo bài phân tích của cây viết chuyên về chủ đề sức khỏe tâm thần Patrícia Williams trên Medium, nguyên nhân dẫn đến điều đó bắt đầu từ mối quan hệ với cha mẹ khi còn bé.

Cụ thể hơn, giả sử một người có bố mẹ là kiểu phụ huynh thể hiện tình yêu thương có điều kiện (tức là họ chỉ nói những lời yêu thương, chiều chuộng khi con cái đáp ứng được yêu cầu họ đặt ra, chẳng hạn như đạt điểm cao ở trường), khả năng cao người đó lớn lên sẽ có tính cách cố gắng làm hài lòng người khác. Bởi vì ngay từ nhỏ, tiềm thức của đứa trẻ đó sẽ mặc định rằng mình phải biết cách chiều lòng những người xung quanh mới nhận được sự yêu thương và công nhận.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các kiểu bố mẹ trên là xấu hoặc độc hại. Họ chỉ không nghĩ rằng con mình sẽ ám ảnh với suy nghĩ phải đáp ứng được yêu cầu của người khác để được công nhận hoặc yêu thích mà thôi.

Vì sao chúng ta nên ngừng làm một “people-pleaser”?

Erika Myers cho biết, việc làm hài lòng người khác không phải lúc nào cũng mang sắc thái tiêu cực. Bởi vì một mối quan hệ luôn bao gồm việc quan tâm đến mong muốn, cảm xúc của đối phương. Dẫu vậy, nếu một người cố gắng quá mức trong việc đáp ứng nhu cầu của người khác, điều đó sẽ mang đến không ít tác hại.

#1: Dễ bị người khác lợi dụng

Một số người khi nhận ra nét tính cách này ở bạn, họ sẽ liên tục nhờ vả vì họ biết rằng bạn sẽ không bao giờ từ chối. Điều này có thể dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực, chẳng hạn như không có thời gian cho bản thân, gặp rắc rối về mặt tài chính, thậm chí là bị người khác thao túng về mặt tâm lý và cảm xúc.

#2: Bạn không có nhiều mối quan hệ lành mạnh

Mấu chốt của một quan hệ bền vững. lành mạnh chính là sự cho và nhận giữa hai bên. Khi cố gắng chiều lòng người khác, đồng nghĩa với việc bạn luôn ở vị thế cho đi thay vì nhận lại. Lúc đó, bạn sẽ cảm thấy thất vọng vì mọi người chỉ tìm đến mình khi họ có việc cần nhờ vả, còn đến khi bạn cần sự giúp đỡ thì chẳng thấy ai xuất hiện.

Việc quá chiều lòng người khác sẽ khiến bạn có ít những mối quan hệ lành mạnh.

Nguồn ảnh: Maycon Marmo / Pexels

#3: Những người thân thiết cảm thấy mệt mỏi với bạn

Theo phân tích từ Heathline, người yêu và bạn bè thân thiết sẽ bực bội, mệt mỏi khi thấy bạn luôn đồng ý giúp đỡ tất cả mọi người xung quanh. Nguyên nhân vì bạn dành quá nhiều thời gian để thực hiện các yêu cầu của người khác, từ đó bạn có ít thời gian và năng lượng dành cho những mối quan hệ thật sự quan trọng trong đời mình.

3 lời khuyên hữu ích để ngừng cố gắng làm người khác hài lòng

Có một sự thật khá bất ngờ do Psychology Today tiết lộ, đó là không ít “people-pleaser” không hề nhận ra đặc điểm này ở bản thân. Thậm chí, một số cá thể còn không nhận thức được nhu cầu và mong muốn thật sự của chính họ. Do đó, rất khó họ có thể ưu tiên bản thân thay vì người khác. Mặc dù thay đổi điều này không thể chỉ trong một sớm một chiều, có 3 gợi ý từ ProFin có thể hữu ích với bạn như sau:

#1: Thiết lập ranh giới

Đầu tiên, bạn nên hiểu rõ giới hạn của bản thân và đặt ra những giới hạn nhất định. Nếu có ai đó nhờ vả quá nhiều hoặc lúc bạn đang bận, hãy thể hiện cho họ biết rằng bạn không thể giúp vì đây không phải thời điểm phù hợp.

Có rất nhiều cách để vạch ra ranh giới, ví dụ như đối với đồng nghiệp, hãy nói rằng bạn không thể hỗ trợ họ sau khi kết thúc giờ làm do phải xử lý việc cá nhân. Tương tự với người quen và bạn bè không quá thân, bạn cứ thẳng thừng từ chối khi họ đưa ra yêu cầu vào cuối tuần vì phải ưu tiên các mối quan hệ quan trọng.

Một điều khác là bạn chỉ nên giúp đỡ khi thật sự muốn, chứ không phải vì cảm giác muốn làm người kia vui lòng. Ngoài ra, bạn cũng có thể đánh giá tầm quan trọng và ưu tiên của lời đề nghị đó. Ví dụ, nếu nhận ra người kia chỉ cố đẩy cho bạn làm hộ để họ có thời gian nghỉ ngơi hoặc đi chơi, đừng ngần ngại từ chối.

#2: Bắt đầu từ những hành động nhỏ

Rất khó để thay đổi một phần tính cách của mình chỉ trong vài ngày, vì thế đừng tự áp lực bản thân mà hãy cải thiện bằng những bước nhỏ.

Chẳng hạn như bình thường khi đi du lịch với nhóm bạn, mọi người thường hay đùn đẩy bạn lo liệu hết mọi thứ từ đặt vé máy bay - khách sạn, lên lịch trình đi ăn uống - tham quan,... Bây giờ, hãy tập cách từ chối bớt một số thứ, bạn có thể nói rằng bạn muốn mọi người cùng nhau lập kế hoạch thay vì bạn quyết mọi thứ.

Nếu có thói quen với việc đồng ý với mọi đề nghị, hãy thử học cách không cần nhận lời ngay lập tức. Điều đó có nghĩa là khi có ai đó nhờ bạn giúp, hãy nói rằng bạn cần cân nhắc thêm và sẽ thông báo lại sau.

Hãy bắt đầu với những bước nhỏ mỗi ngày để dành nhiều thời gian cho bản thân và các mối quan hệ quan trọng.

Nguồn ảnh: EKATERINA BOLOVTSOVA / Pexels

#3: Nhắc nhở bản thân chỉ duy trì các mối quan hệ lành mạnh

Như ProFin đã đề cập ở trên, mấu chốt của mối quan hệ lâu dài và lành mạnh chính là sự cho và nhận giữa hai bên. Nếu người kia luôn đòi hỏi bạn phải luôn cho đi và họ chỉ việc nhận, bạn nên xem xét lại bản chất của mối quan hệ này. Một người thật sự yêu quý, coi trọng bạn không đòi hỏi bạn phải cho đi vô điều kiện, đồng thời họ sẽ tìm cách giúp đỡ những khi bạn gặp khó khăn hoặc buồn bã.


Theo:
An Too
Nguồn:
ProFin tổng hợp

Bạn có thể quan tâm