Quan điểm
Quản lý tài chính cá nhân #13: Cẩn thận rơi vào bẫy tiêu dùng khi sử dụng thẻ tín dụng và dịch vụ “mua trước, trả sau” (BNPL)

Với sự phát triển của thẻ tín dụng và sắp tới đây là hình thức “mua trước, trả sau”, giới trẻ sẽ ngày càng dễ rơi vào cảnh nợ nần do lún sâu vào cái bẫy tiêu dùng.
Cách thức hoạt động của thẻ tín dụng và dịch vụ “mua trước, trả sau”
#1: Thẻ tín dụng
Đối với thế hệ Millennials và Gen Z (sinh năm 1981 - 2015), thẻ tín dụng không hề xa lạ, thậm chí được coi là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Thẻ tín dụng có hình thức bên ngoài là một tấm thẻ chất liệu nhựa, được cung cấp bởi các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính. Chủ thẻ có thể vay tiền để mua sắm với điều kiện phải trả số tiền đã vay (kèm với mức lãi suất nhất định cộng với các loại phí khác trong thỏa thuận bổ sung) đúng hạn hoặc trước thời hạn. Hiện tại, hầu hết các cửa hàng, siêu thị và trang thương mại điện tử đều hỗ trợ thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Nguồn ảnh: ProFin
Thẻ tín dụng được ưa chuộng bởi sự tiện lợi và nhanh chóng. Trước khi hình thức thanh toán này phổ biến, khi muốn mua món đồ có giá trị cao, bạn buộc phải dành thời gian tích góp cho đủ tiền. Tuy nhiên, với thẻ tín dụng, bạn có thể sở hữu ngay món đồ đang khao khát mà không cần chờ đợi quá lâu. Với sự phát triển của công nghệ, thủ tục mua hàng bằng thẻ tín dụng trở nên nhanh chóng hơn bao giờ hết, chỉ với vài thao tác đơn giản trên máy tính hoặc điện thoại thông minh.
Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về các yếu tố của thẻ tín dụng, chẳng hạn như các loại thẻ tín dụng đang lưu hành tại Việt Nam; các ngân hàng, tổ chức tài chính dựa vào yếu tố gì để đánh giá điểm tín dụng cũng như giới hạn tại bài viết dưới đây.
Bài viết liên quan: Hiểu rõ về thẻ tín dụng: ưu - nhược điểm, cách các tổ chức tài chính đánh giá uy tín tín dụng, bí quyết cải thiện điểm tín dụng
#2: “Mua trước, trả sau”
Mua trước, trả sau (tiếng Anh: Buy Now, Pay Later; viết tắt là BNPL) là một hình thức cho vay ngắn hạn mới phát triển những năm gần đây. Theo một kết quả thống kê, hơn 60% người Mỹ cho biết họ đã mua sắm bằng hình thức BNPL trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Cách thức hoạt động của hình thức này như sau: các công ty cung cấp dịch vụ BNPL sẽ cho phép khách hàng trả trước một số tiền, sau đó từ từ thanh toán khoản còn lại. Vì đây là hình thức cho vay ngắn hạn, khung thời gian quy định thường rơi vào khoảng 15 - 90 ngày. Giá trị món hàng được hỗ trợ cũng thấp hơn so với thẻ tín dụng. Ưu điểm khá lớn của hình thức “mua trước, trả sau” là không có lãi suất và thủ tục nhanh chóng (do không kiểm tra lịch sử tín dụng). Thế nhưng, nếu không thanh toán khoản vay đúng hạn, bạn cần phải đóng phí trễ hạn, khi đó thì điểm tín dụng của bạn sẽ bị ảnh hưởng.
Đối với các chủ doanh nghiệp kinh doanh bán hàng, bạn có thể đọc thêm bài viết chi tiết về lợi ích của BNPL đối với người bán lẻ; tiềm năng phát triển của loại hình thanh toán này tại thị trường Việt Nam ở bài viết dưới đây.
Bài viết liên quan: Mua trước, trả sau (BNPL): Tất cả những điều bạn cần biết về xu hướng thanh toán mới sẽ thay thế thẻ tín dụng trong tương lai
Nguồn ảnh: ProFin
Điều gì sẽ xảy ra khi người tiêu dùng lạm dụng thẻ tín dụng và “mua trước, trả sau”?
Có thể thấy, cả hai hình thức thanh toán trên đều mang lại trải nghiệm mua hàng vô cùng thuận lợi và nhanh chóng. Tuy nhiên, chính vì sự tiện lợi đó mà nhiều người đã lâm vào tình trạng nợ nần do mua sắm bốc đồng, đồng thời không biết cách quản lý chi tiêu hiệu quả.
Theo kết quả khảo sát do Bankrate thực hiện, 40% người đang có nợ tín dụng không biết chính xác về lãi suất của họ đang phải trả. Điều này có thể khiến họ mất nhiều tiền hơn họ hình dung. Chuyên gia phân tích thị trường tại Bankrate Ted Rossman cho biết, lãi suất của thẻ tín dụng vốn đã cao và có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.
Theo dữ liệu từ Adobe Analytics, tại Hoa Kỳ, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, các khoản vay ngắn hạn đã tăng 215% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ thế, theo ước tính sơ bộ từ công ty thanh toán Worldpay, tổng giá trị thanh toán trên các sàn thương mại điện tử bằng hình thức BNPL là 19 tỷ đô vào năm 2020, gấp đôi con số 9,5 tỷ đô vào năm 2019.
Qua đó, có thể thấy sự tiện lợi của hai hình thức thanh toán trên đang góp phần thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa tiêu dùng. Rocio Concha - Giám đốc Chính sách và vận động của Tổ chức Tiêu dùng Which? cho biết, một nghiên cứu của họ cho thấy hình thức BNPL mang lại cho khách hàng sự thoải mái, đồng thời không nhận ra bản thân đang mắc nợ hoặc cân nhắc đến tình huống đóng phạt do thanh toán trễ hạn.
Điều đó dẫn đến hậu quả là những người thường xuyên thanh toán bằng BNPL có xu hướng nợ nần nhiều hơn. Theo nghiên cứu từ TransUnion, 20% số người dùng BNPL đã khiến khoản nợ tín dụng của họ tăng hơn một nửa. Điều đó có thể lý giải vì khi sử dụng hình thức “mua trước, trả sau”, khách hàng có xu hướng chi tiêu vượt quá ngân sách - theo báo cáo từ Morning Consult.
Nguồn ảnh: Finshots
Một số lời khuyên hữu ích từ các chuyên gia tài chính
Theo lời khuyên của Joe Buhrmann - Chuyên gia Cố vấn hoạch định tài chính tại eMoney Advisor, nếu muốn sử dụng hình thức “mua trước, trả sau”, hãy thực hiện hai bước sau đây:
-
Ghi chú lại giá trị món hàng đã mua, số tiền còn lại và thời hạn thanh toán
-
Đặt ghi chú trên ở một nơi bạn dễ thấy nhất để nhắc nhở bản thân đóng số tiền còn lại đúng hạn.
Ted Rossman gợi ý rằng, khi nảy sinh ý định mua một món hàng nào đó, hãy tập trung vào tổng số tiền bạn cần phải trả. Ví dụ, bạn định mua một cái túi xách cao cấp có giá 10 triệu đồng. Hãy nhìn vào con số 10 triệu đồng, thay vì 4 lần thanh toán 2,5 triệu đồng. Ngoài ra, bạn nên thiết lập thanh toán tự động số còn lại, tuy nhiên đừng quên kiểm tra số dư trong tài khoản để tránh bị trừ phí.
Theo ý kiến của Ted Rossman, việc sử dụng thẻ tín dụng sẽ tốt hơn “mua trước, trả sau” bởi các ưu đãi tích điểm hoặc hoàn tiền. Ngoài ra, tính đến hiện nay, hình thức BNPL chưa có quy định pháp lý cụ thể để bảo vệ quyền lợi khách hàng. Nếu không thích dùng thẻ tín dụng hoặc điểm tín dụng xấu, BNPL vẫn là giải pháp thay thế khá ổn với điều kiện phải thật cẩn thận.
Để mua sắm hiệu quả bằng thẻ tín dụng mà không ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng, trang The Balance đã gợi ý một số bí quyết sau:
-
Mua sắm các món hàng với khoản phí hợp lý và thanh toán đầy đủ, đúng hạn vào mỗi tháng.
-
Không nên chi tiêu vượt quá hạn mức tín dụng, tỷ lệ lý tưởng nhất chính là 30% . Ví dụ, hạn mức tín dụng của bạn là 100 triệu VNĐ, đừng để số dư nợ vượt quá 30 triệu VNĐ.
-
Xây dựng thói quen tự kỷ luật. Khi dùng thẻ tín dụng, bạn cần biết cảnh kiểm soát bản thân, không để rơi vào tình trạng mua sắm bốc đồng hoặc lạm phát lối sống. Điều đó có nghĩa là bạn không nên thanh toán hàng hóa, dịch vụ mà bản thân không đủ điều kiện tài chính chi trả khi đến hạn.
-
Theo dõi lịch sử tín dụng thông qua ứng dụng điện thoại để kiểm soát thói quen chi tiêu.
-
Chuẩn bị cho tình huống không thể thanh toán khoản vay hàng tháng: Bạn nên có kế hoạch dự phòng cho các chi phí phát sinh đột ngột trong tháng, điều đó sẽ giúp bạn không bị phí phạt cũng như ảnh hưởng xấu đến lịch sử tín dụng.
- Theo:
- T.S
- Nguồn:
- ProFin tổng hợp