
Dù ở bất cứ khía cạnh nào trong cuộc sống, mọi thứ không bao giờ chỉ có hai màu đen trắng.
Giải thích về tư duy đen trắng
Tư duy đen trắng (tiếng Anh: black and white thinking) hoặc còn gọi là tư duy nhị nguyên (tiếng Anh: binary thinking), nghĩa là một người chỉ nhìn nhận sự việc theo hai chiều hướng “trắng” hoặc “đen” mà không xem xét nhiều khía cạnh - góc nhìn khác.
Theo phân tích từ Clearer Thinking, có 3 kiểu tư duy đen trắng như sau:
-
The Truth Binary (tạm dịch: Nhị nguyên sự thật): Đó chính là khi một người nhìn nhận một sự việc chỉ theo hai chiều hướng: Đúng hoặc Sai. Trong khi đó, đối với một số vấn đề phức tạp, đúng hoặc sai còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, tình huống nhất định. Chẳng hạn như trong đầu tư - kinh doanh, một quyết định có thể mang lại lợi nhuận vào 3 năm trước chưa chắc sẽ vẫn áp dụng được trong bối cảnh kinh tế hiện tại.
-
The Goodness Binary (tạm dịch: Nhị nguyên nhân đạo): Đây là kiểu người đánh giá mọi tình huống hoặc cá thể theo hai góc cạnh: Tốt hoặc Xấu, Tích cực hoặc Tiêu cực, Nhân đạo hoặc Vô đạo đức. Dĩ nhiên sự thật không hề đơn giản như thế. Chẳng hạn như bất cứ người nào cũng đều có ưu - nhược điểm, chúng ta không thể đánh giá nhân cách của họ là tốt hay xấu chỉ với một câu nói, hoặc vài hành động.
-
The Identification Binary (tạm dịch: Nhị nguyên nhận dạng): Một cá nhân có tư duy này sẽ luôn đánh đồng mọi thứ chỉ thuộc về một trong hai nhóm duy nhất. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp hoàn toàn không nằm trong hai nhóm này. Ví dụ, khi nhắc đến đầu tư chứng khoán, một bộ phận cho rằng đây là hình thức quá rủi ro, kiểu gì cũng bị phá sản. Nhóm ngược lại thì tin rằng đã tham gia đầu tư chắc chắn sẽ có lợi nhuận. Cả hai nhóm này đều không chính xác hoàn toàn. Bởi vì để đầu tư thành công phụ thuộc vào kiến thức - tư duy tài chính của mỗi người, cùng với các yếu tố khách quan khác (biến động thị trường, xung đột chính trị,...).
Nguồn ảnh: Ramesh Photography / Pexels
Vì sao tư duy đen trắng không tốt?
Cuộc sống của mỗi người vốn dĩ có quá nhiều vấn đề phải lo lắng và nghĩ ngợi (tiền bạc, công việc, các mối quan hệ,..). Chính vì thế, không ít người chọn cách đơn giản hóa mọi thứ để không phải căng thẳng quá nhiều. Đồng thời, tư duy đen trắng khiến chúng ta cảm thấy thoải mái và an toàn, bởi vì con người có xu hướng sợ hãi những gì mới mẻ hoặc ngoài tầm hiểu biết của mình.
Tuy nhiên, xã hội không bao giờ vận hành một cách giản đơn như vậy. Khi duy trì thói quen tư duy đen trắng, bạn sẽ nhìn nhận mọi sự việc - cá thể không khách quan và thiếu chính xác. Tương tự như mọi tạo vật đầy màu sắc trên thế giới này, rất nhiều vấn đề không chỉ có vùng đen và trắng, mà còn có sự tồn tại của vùng xám và những màu khác. Khi loại bỏ tư duy này, bạn sẽ có cơ hội học được nhiều thứ mới mẻ và độc đáo hơn.
Không chỉ thế, tư duy đen trắng có tác động tiêu cực đến sự nghiệp và các mối quan hệ của bạn. Ví dụ, một người luôn tìm kiếm người yêu phù hợp với hình mẫu hoàn hảo đã đặt ra (giàu, đẹp, giỏi, tinh tế,...). Tuy nhiên, khả năng có thể gặp được một ai đó đáp ứng được tất cả tiêu chí hoàn hảo đó rất thấp. Nếu cứ mãi chăm chăm tìm kiếm hình bóng hoàn hảo đói, rất dễ để bỏ lỡ người thật sự yêu và phù hợp với mình. Đối với khía cạnh công việc cũng thế, nếu cứ mãi đi tìm vị trí hoàn hảo, khả năng bỏ lỡ cơ hội tốt là rất cao.
3 lời khuyên hữu ích để thay đổi tư duy đen trắng
#1: Thử những điều mới mẻ
Theo gợi ý từ Clay Drinko - Cây bút nổi bật của Psychology Today, Lifehack và là tác giả của nhiều quyển sách bán chạy, để phá vỡ thói quen tư duy này, bạn cần phải thử nghiệm những thứ mới mẻ. Đó không bắt buộc phải là điều gì đó quá lớn lao, bạn có thể thay đổi một chút so với thói quen hàng ngày của mình là được. Ví dụ như học ngôn ngữ, tìm kiếm sở thích mới hoặc đi du lịch,...
Bên cạnh đó, hãy làm quen với những người khác biệt về một khía cạnh nào đó so với bạn (tôn giáo, quê hương, học vấn,...). Nếu ai đó có quan điểm hoặc suy nghĩ trái ngược với bạn, đừng vội phán xét hay phản bác mà hãy thử nhìn nhận vấn đề bằng một tâm thế cởi mở, sẵn sàng đồng cảm và muốn học hỏi.
#2: Xây dựng thói quen tư duy xác suất
Tư duy xác suất (tiếng Anh: Probabilistic Thinking) chính khi chúng ta luôn cân nhắc kỹ càng mọi khía cạnh của một vấn đề, thay vì vội vàng đặt niềm tin 100% vào điều gì đó. Một ví dụ điển hình chính là trong đầu tư, khi nghe được thông tin về một cổ phiếu hoặc loại tiền điện tử mới, hãy dành thời gian cân nhắc xem liệu đó có thật sự là một món hời hay là chiêu trò lừa đảo của một nhóm người nào đó.
#3: Hình thành Tư duy vùng xám
Trái ngược lại với tư duy đen trắng, một người có lối tư duy vùng xám (tiếng Anh: Grey Thinking) sẽ hiểu được một điều rằng: Đôi khi trong cuộc sống, có những điều tốt đẹp nhất cũng có những mặt không tốt, một số điều tưởng chừng không tốt nhưng vẫn có vài ưu điểm trong đó. Cuối cùng, có rất nhiều thứ nằm ở vùng xám, chứ hoàn toàn không thuộc về phía đen hoặc trắng.
TƯ DUY RÀNH MẠCH - Đối với nhà đầu tư hoặc chủ doanh nghiệp, bên cạnh kiến thức và năng lực chuyên môn, việc giữ cho mình một cái đầu “lạnh” trong mọi tình huống là điều quan trọng không kém. Chính vì thế, ProFin đã thực hiện chuỗi bài nhằm giải thích các lỗi tư duy phổ biến có thể ảnh hưởng đến các quyết định lớn trong đầu tư - kinh doanh và giải pháp để thay đổi điều đó.
- Theo:
- An Nguyễn
- Nguồn:
- ProFin