Profin

Quan điểm

Quản lý tài chính cá nhân #15: Hoàn cảnh sống lúc nhỏ có tác động thế nào đến thói quen chi tiêu của bạn?

Quản lý tài chính cá nhân #15: Hoàn cảnh sống lúc nhỏ có tác động thế nào đến thói quen chi tiêu của bạn?

Theo kết quả của nhiều khảo sát và nghiên cứu, bối cảnh tài chính gia đình có ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi chi tiêu và quản lý tài chính của một người khi bước vào tuổi trưởng thành.

Thói quen mua sắm bốc đồng

Theo một bài viết trên Forbes của tác giả Jocelyn Black Hodes, xu hướng chi tiêu bốc đồng khi trưởng thành bị ảnh hưởng rất nhiều bởi thói quen chi tiêu của bố mẹ.

Những người con có bố mẹ quá dè xẻn thường chi tiêu quá tay để bù đắp lại cảm giác thiếu thốn khi còn bé. Trong khi đó, những người con được chiều chuộng quá mức hoặc có cha mẹ duy trì lối sống xa hoa sẽ luôn nghĩ bản thân xứng đáng được sống trong nhung lụa. Khi trưởng thành, nếu bối cảnh tài chính của gia đình có sự biến động hoặc không còn dư dả như trước, các bạn trẻ này sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất.

Không chỉ thế, một số yếu tố khác từ gia đình có tác động tiêu cực đến thói quen chi tiêu được liệt kê trong bài viết trên, chẳng hạn như:

  • Bố mẹ ly hôn hoặc ly thân: Những đứa con sinh ra trong hoàn cảnh như vậy luôn khao khát được hạnh phúc. Điều này có thể dẫn đến việc họ vội vàng kết hôn, mua nhà, sinh con,... khi chưa thật sự sẵn sàng hoặc gặp đúng đối tượng. Theo đó, một vòng luẩn quẩn nữa lại tiếp tục: nợ nần, căng thẳng, cãi nhau và cuối cùng vẫn là ly hôn.

  • Người mẹ sống phụ thuộc vào chồng: Đối với trường hợp này, các cô gái thường có xu hướng trông chờ vào sự xuất hiện của một chàng bạch mã hoàng tử nào đó. Vì có hình mẫu trước mắt là mẹ của mình, những bạn nữ này thường ít khi có trách nhiệm và cân nhắc về các vấn đề tài chính.

  • Không được bố mẹ giáo dục về mặt tài chính: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất mà nhiều bạn trẻ gặp phải. Họ không biết cách quản lý chi tiêu, tiết kiệm hoặc đầu tư sinh lời. Vì vậy, họ dễ bị ảnh hưởng bởi hội chứng FOMO và dẫn đến thói quen chi tiêu bốc đồng.

Né tránh tham gia vào các cuộc tụ tập

Theo phân tích từ The Financial Diet, một số người lớn lên trong hoàn cảnh tài chính thiếu ổn định thường có xu hướng né tránh các mối quan hệ bạn bè, hoặc những cuộc hội họp xã giao. Nguyên nhân là vì họ lo ngại rằng mình sẽ tiêu tốn khá nhiều tiền bạc nếu muốn duy trì mối quan hệ lâu dài với nhóm bạn đó.

Theo chia sẻ từ Tiến sĩ Chi Nguyễn trên kênh podcast The Present Writer, khi điều kiện tài chính chưa vững chắc như hiện tại, chị thường xuyên rơi vào hoàn cảnh khó xử khi nhận được lời mời của một nhóm bạn (chẳng hạn như du lịch, đi ăn nơi xa xỉ,...). Vì sợ mất lòng họ, khi được mời chị đồng ý, tuy nhiên khi gần đến thời điểm cuộc hẹn, chị lại thông báo là có việc đột xuất không đi được.

Thực chất, đây là một trường hợp khá phổ biến, ai cũng có lúc gặp phải. Trong một nhóm bạn, hoàn cảnh và nền tảng tài chính của mỗi người mỗi khác. Vì thế, không tránh khỏi những tình huống như chị Chi Nguyễn đã từng gặp phải. Khi nhóm bạn lên kế hoạch hội họp, ăn chơi,,... vào thời điểm bạn đang khó khăn về mặt tài chính hoặc cần tiết kiệm cho các mục tiêu dài hạn, bạn sẽ ít nhiều cảm thấy khó xử và phải tìm cách để từ chối khéo léo.

Trong video phân tích từ Chelsea Fagan - Người sáng lập The Financial Diet, cô nhắc đến một sự thật khá thú vị liên quan đến vấn đề này. Theo kết quả nghiên cứu từ Association for Psychological Science, dù có mức thu nhập thấp đến trung bình, các cá nhân chú trọng vào mối quan hệ và địa vị xã hội thường có xu hướng tiêu tốn nhiều tiền để mua hàng hóa, dịch vụ có thể củng cố các mối quan hệ và hình ảnh của họ.

Nhiều người có xu hướng né tránh tiệc tùng, tụ tập với các mối quan hệ xã hội.

Nguồn ảnh: sonnycool / Vecteezy

Ngần ngại cải thiện chất lượng cuộc sống

Chelsea Fagan cho biết, không ít người lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn về mặt tài chính vẫn duy trì lối sống như trước, ngay cả khi tình hình tài chính của họ đã cải thiện hơn nhiều so với lúc nhỏ. Ví dụ: mặc quần áo cũ kỹ, không đăng ký khám sức khỏe định kỳ, ít khi đến bệnh viện mỗi khi bị bệnh,... Những người sở hữu tính cách này luôn cảm thấy lo lắng, bất an mỗi khi phải chi tiêu một khoản tiền lớn, dù cho điều đó rất cần thiết.

Kết quả khảo sát từ Bankrate cho thấy, 22% người được khảo sát thường bỏ qua các dịch vụ y tế (khám bệnh, mua thuốc, kiểm tra thị lực hàng năm,...) vì vấn đề chi phí. Cũng theo khảo sát trên, tỷ lệ những người thuộc thế hệ Millennials (độ tuổi từ 24 - 39) bỏ qua các dịch vụ y tế cao hơn so với thế hệ Baby Boomers (độ từ 56 - 74 tuổi).

Mặc dù việc duy trì thói quen tiết kiệm là một điều tốt, tuy nhiên cái gì cũng nên có mức độ của nó. Đối với các khoản cần thiết, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sức khỏe, bạn không nên tiếc tiền. Ngoài ra, đừng quên học cách chăm sóc bản thân trong điều kiện tài chính cho phép. Nếu chất lượng cuộc sống quá tệ, sức khỏe thể chất lẫn tinh thần sẽ nhanh chóng đi xuống, về lâu về dài sẽ có hại cho bản thân.


Theo:
T.S
Nguồn:
ProFin tổng hợp

Bạn có thể quan tâm