Quan điểm
Làm việc hiệu quả #8: Thay đổi thói quen để đạt được mục tiêu bằng phương pháp WOOP

Nếu đang gặp khó khăn trong việc duy trì động lực để theo đuổi mục tiêu, WOOP chính là phương pháp phù hợp dành cho bạn.
Giải thích phương thức WOOP
Phương pháp WOOP là thành quả từ 20 năm nghiên cứu khoa học, được thực hiện bởi Tiến sĩ Gabriele Oettingen, Giáo sư tại Đại học New York và Đại học Hamburg. WOOP còn có tên khoa học như sau:
WOOP = Mental Contrasting (WOO_) + Implementation Intentions (___P)
- Mental Contrasting (tạm dịch: tương phản trí tuệ)
- Implementation Intentions (tạm dịch: mục đích triển khai)
WOOP là một chiến lược tinh thần mà mọi người có thể áp dụng để thay đổi thói quen theo hướng tích cực, từ đó đạt được mục tiêu hoặc mong muốn đã đề ra. WOOP viết tắt cho Wish, Outcome, Obstacle, và Plan (tạm dịch: Mong ước, Kết quả, Trở ngại và Kế hoạch).
Vì sao bạn nên áp dụng WOOP?
Đã bao nhiêu lần bạn quyết tâm hoàn thành công việc đúng deadline, giảm cân, học một ngôn ngữ mới,... nhưng cứ mãi chần chừ không thực hiện, hoặc bỏ cuộc giữa chừng?
Đó chắc chắn là điều mà không ít người trẻ đã từng gặp phải, đặc biệt là trong bối cảnh mạng xã hội phát triển như hiện nay, có quá nhiều thứ khiến con người khó tập trung vào một mục tiêu dài hạn, thậm chí ngày càng nhiều người mắc phải hội chứng FOMO. Do đó, WOOP - một phương pháp được phát triển dựa trên các nghiên cứu khoa học sẽ giúp bạn thay đổi hành vi - thói quen của bản thân để đạt được mục tiêu mong muốn.
Làm thế nào để áp dụng WOOP vào thực tế?
Trước tiên, đây là hai mẹo nhỏ bạn nên thực hiện trước khi bắt tay vào thiết lập kế hoạch WOOP:
-
Chuẩn bị một quyển sổ và một cây bút để ghi chép. Mặc dù hiện nay hầu hết chúng ta đều có thói quen ghi chú bằng cách đánh máy trên laptop, tuy nhiên, việc viết ra giấy có rất nhiều lợi ích nhất định. Theo kết quả một nghiên cứu đăng tải trên Psychological Science, hành động viết ra giấy giúp bộ não ghi nhớ thông tin tốt hơn. Từ đó, bạn sẽ luôn nhớ về mục tiêu của mình và tự tạo động lực để hoàn thành nó.
Nguồn ảnh: cottonbro / Pexels
-
Tắt thông báo trên các thiết bị điện tử (laptop, máy tính bảng hoặc điện thoại) để tránh bị phân tâm. Bạn cũng có thể sử dụng một số phương thức hỗ trợ tập trung như Pomodoro để tập trung tốt hơn.
Dưới đây là 4 bước để áp dụng WOOP:
Bước 1: Xác định mong muốn của bạn - Wish
Đây chính là bước quan trọng đầu tiên bạn cần làm. Mục tiêu của bạn cần có tính thử thách, hấp dẫn, đồng thời cũng không thể thiếu tính thực tế. Bên cạnh đó, tránh đặt ra những thứ chung chung như: Tìm được công việc tốt hơn, giảm cân, học một ngoại ngữ mới,.. Mục tiêu của bạn nên rõ ràng và có tính đo lường. Nếu vẫn chưa có hình dung chi tiết về điều đó, bạn có thể tham khảo cách áp dụng mô hình SMART cùng với ví dụ cụ thể tại đây.
Không chỉ các mục tiêu dài hạn, WOOP cũng hiệu quả đối với các mục tiêu ngắn hơn, ví dụ như hoàn thành file thiết kế cho khách hàng trước thứ 6 tuần này, học 5 từ vựng mỗi ngày trước khi đi ngủ,...
Bước 2: Hình dung viễn cảnh gặt hái trái ngọt - Outcome
Bước này sẽ giúp bạn nhận ra tầm ảnh hưởng của những mong muốn đó đối với cuộc sống của mình. Một mục tiêu có tác động tích cực đến cuộc sống của bạn sẽ khiến bạn cảm thấy hạnh phúc khi nghĩ đến điều đó, đồng thời mang lại động lực to lớn để thúc đẩy bạn thực hiện. Lời khuyên là hãy hình dung ra một viễn cảnh cụ thể và sống động càng tốt, chẳng hạn như gửi file trước hạn thứ 6 sẽ có 2 ngày cuối tuần để nghỉ ngơi thoải mái (đi chơi, xem phim, hẹn hò,..); hoặc bạn sung sướng thế nào khi có thể khoác lên mình bộ váy lộng lẫy để dự tiệc, sau khi giảm cân thành công.
Bước 3: Xác định những rủi ro có thể xảy ra - Obstacle
Ở bước này, hãy liệt kê ra tất cả vấn đề có thể khiến kế hoạch của bạn không thể hoàn thành. Ví dụ: bạn dễ phân tâm bởi mạng xã hội (TikTok, Instagram, hoặc bộ phim đang cày trên Netflix vừa ra tập mới,...), điều đó có thể khiến bạn không làm xong trước thứ 6.
Bước 4: Chuẩn bị kế hoạch đối phó với trở ngại - Plan
Khi đã nhận thức được những thử thách sẽ đối mặt khi thực hiện kế hoạch, bạn cần có phương án dự phòng khi những rủi ro đó xảy đến. Cách đơn giản nhất chính là chuẩn bị sẵn một kế hoạch cấu trúc như sau:
-
If / When _________ (obstacle), then I will _ (Nếu / Khi ___ (chướng ngại diễn ra), thì tôi sẽ ___)
Ví dụ: Nếu bắt đầu cảm thấy mất tập trung bởi mạng xã hội, thì tôi sẽ dùng ứng dụng - phần mềm để chặn các trang web đó và quay lại làm việc.
Bài viết liên quan: Làm việc hiệu quả #3: 4 ứng dụng miễn phí giúp bạn cải thiện khả năng tập trung và nâng cao hiệu suất làm việc - học tập
Qua bài viết này, hy vọng bạn đọc có thể áp dụng phương thức WOOP để đạt được mục tiêu của mình. Bên cạnh đó, đừng quên tiếp tục theo dõi chuỗi bài Làm việc hiệu quả do đội ngũ ProFin thực hiện để cập nhật các phương pháp làm việc - học tập tốt hơn nhé.
- Theo:
- An Nguyễn
- Nguồn:
- ProFin tổng hợp