Profin

Quan điểm

Quản lý tài chính cá nhân #16: Độc thân có đồng nghĩa với giảm nhẹ gánh nặng tài chính?

Quản lý tài chính cá nhân #16: Độc thân có đồng nghĩa với giảm nhẹ gánh nặng tài chính?

Trong bối cảnh kinh tế như hiện nay, không ít người quyết định lựa chọn cuộc sống độc thân để có thể dễ tiết kiệm và làm giàu. Liệu quan điểm này có đúng với thực tế hay không?

Nguyên nhân khiến nhiều người chán nản với hôn nhân

Trước khi phân tích liệu độc thân có đồng nghĩa với việc dễ tiết kiệm và làm giàu hay không, hãy cùng ProFin tìm hiểu vì sao nhiều người ngày càng ít hứng thú với hôn nhân.

#1: Đời sống hôn nhân có nhiều thử thách

Theo kết quả khảo sát 500 cặp vợ chồng được đăng tải trên Japan Today, 23,8% nam giới trả lời họ thường xuyên nhớ về cuộc sống độc thân, nữ giới là 11,2%. Theo khảo sát trên, đây là những lý do chính khiến họ cảm thấy nhớ về khoảng thời gian chưa kết hôn:

  • Không có thời gian rảnh.
  • Không thể chi tiêu theo ý muốn.
  • Các hoạt động vui chơi, giải trí bị hạn chế.
  • Cảm thấy thất vọng với bạn đời (tỷ lệ cao ở nam giới).
  • Mong muốn có nhiều trải nghiệm lãng mạn hơn (tỷ lệ cao ở nam giới).
  • Công việc nội trợ và chăm sóc con cái rất khó khăn (tỷ lệ cao ở nữ giới).
  • Mệt mỏi với họ hàng nhà chồng (tỷ lệ cao ở nữ giới).

Có thể thấy rằng khi bước vào hôn nhân, có không ít khó khăn và thử thách đang chờ đợi phía trước. Dù không có thống kê cụ thể, song những vấn đề trên chẳng hề xa lạ với các cặp vợ chồng Việt Nam. Do đó nhiều bạn trẻ cảm thấy e ngại khi nhắc đến việc kết hôn.

#2: Điều kiện tài chính khó khăn

Theo bài viết đăng tải trên The Hankyoreh, không ít người trẻ xứ kim chi dường như từ bỏ hy vọng mua được nhà và sinh con. Nhiều cặp đôi dù cố gắng làm việc cật lực, tiết kiệm hết mức vẫn không thể mua được nhà xã hội, căn hộ giá rẻ vì giá nhà đất liên tục tăng với tốc độ chóng mặt.

Tại Việt Nam, tình huống cũng không mấy dễ dàng hơn đối với cặp vợ chồng trẻ. Giá nhà đất, chi phí thuê nhà hoặc căn hộ ngày càng có xu hướng tăng nhiều hơn là giảm. Giá cả hàng hóa và các dịch vụ thiết yếu khác cũng tăng, trong khi thu nhập thì vẫn thế, thậm chí còn bị cắt giảm trong thời gian dịch bệnh hoành hành.

Bên cạnh đó, một bài toán khó khác đối với các đôi vợ chồng trẻ là quyết định mua nhà hay thuê nhà. Không có câu trả lời nào chính xác nhất đối với vấn đề này. Bởi điều này còn phụ thuộc vào quan điểm và tiềm năng tài chính của từng gia đình. Tuy nhiên, có một sự thật khó có thể phủ nhận, hiện nay tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội hoặc Đà Nẵng, chi phí mua một ngôi nhà dành cho gia đình rất đắt đỏ. Nếu chưa có nền tảng tài chính vững chắc, khả năng mua được nhà là không cao.

Đối với các cặp vợ chồng trẻ, việc mua nhà đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Nguồn ảnh: Kindel Media / Pexels

Độc thân chưa chắc gánh nặng tài chính sẽ giảm nhẹ

Theo kết quả nghiên cứu từ TD Ameritrade, những người độc thân thường chi nhiều tiền hơn vào các khoản cố định hàng tháng (tiền nhà, tiền điện, nước, internet) và chi phí chăm sóc sức khỏe. Không chỉ thế, khả năng mua được nhà của người độc thân cũng thấp hơn đáng kể so với các cặp vợ chồng. Ngoài ra, 4/10 người độc thân đi làm cho biết họ không có tiền tiết kiệm. Dựa trên nghiên cứu này, phong cách sống DINK được cho là mang lại sự ổn định về mặt tài chính.

Bài viết liên quan: Phong cách sống DINK là gì mà ngày càng được giới trẻ ưa chuộng?

Bên cạnh đó, theo tổng hợp từ nhiều nghiên cứu, những người độc thân thường xuyên tụ tập bạn bè hoặc tham gia các sự kiện cộng đồng. Trong khi đó, các cặp đôi đã kết hôn hoặc sống cùng nhau có xu hướng ít tham gia các hoạt động xã hội, ngay cả khi họ chưa có con.

Ngoài ra, vào các dịp lễ hội hoặc mùa cưới, người độc thân có thể bị hao hụt một khoản tiền không nhỏ, nhất là khi so với các cặp vợ chồng có hai nguồn thu nhập. Mỗi khi đi du lịch hoặc tham gia tiệc tùng, họ cũng phải bỏ ra chi phí nhiều hơn các cặp đôi.

Nếu độc thân hoặc kết hôn không liên quan đến việc giàu có, vậy mấu chốt nằm ở đâu?

Yếu tố quan trọng nhất nằm ở tư duy về tiền của mỗi người. Thực chất, để xây dựng nền tảng tài chính vững vàng, một người cần có khả năng quản lý chi tiêu hiệu quả, đồng thời biết cách quản lý dòng tiền ra vào. Thế nên, điều đó chẳng liên quan đến việc độc thân hoặc kết hôn.

Một người độc thân nếu có xu hướng chi tiêu bốc đồng, không biết cách quản lý ngân sách cá nhân sẽ rất khó để tiết kiệm tiền hoặc đầu tư sinh lời. Ngược lại, nếu một đôi vợ chồng biết cách quản lý chi tiêu trong gia đình, việc tiết kiệm hoặc đầu tư để xây dựng nền tảng tài chính sẽ dễ dàng hơn.

Bài viết liên quan: Quản lý tài chính cá nhân #6: Vì sao vợ chồng nên cùng nhau quản lý chi tiêu trong gia đình?

Độc thân hoặc kết hôn không ảnh hưởng nhiều đến khả năng tiết kiệm và đầu tư của bạn.

Nguồn ảnh: Freepik

Dù muốn xây dựng gia đình nhỏ với người yêu hoặc sống độc thân cả đời, cả hai lựa chọn đều không có gì sai cả. Mấu chốt quan trọng là bạn cảm thấy hạnh phúc, hài lòng với quyết định của mình. Về khía cạnh tài chính, như ProFin đã đề cập ở trên, cả hai lối sống này không thật sự liên quan đến việc giàu có hay không.

Nếu có mong muốn xây dựng nền tảng tài chính vững chắc, bạn nên trau dồi thêm kiến thức tài chính và nâng cao nhận thức về quản lý tài chính cá nhân. Trong trường hợp lập gia đình, bạn và bạn đời cần có sự thống nhất về vấn đề tiền bạc. Không chỉ vậy, hai người cũng cần tạo thói quen thảo luận về các chi tiêu trong nhà, cũng như mục tiêu tài chính ngắn hạn hoặc kế hoạch tiết kiệm - đầu tư. Như vậy, dù ở một mình hoặc có gia đình, bạn vẫn có thể đạt được mục tiêu tiết kiệm - đầu tư của bản thân.


Theo:
T.S
Nguồn:
ProFin tổng hợp

Bạn có thể quan tâm