Profin

Quan điểm

Quản lý tài chính cá nhân #20: 2 nguyên nhân sâu xa khiến nữ giới khó tiết kiệm tiền

Quản lý tài chính cá nhân #20: 2 nguyên nhân sâu xa khiến nữ giới khó tiết kiệm tiền

Một số nghiên cứu khoa học đã hé lộ rằng thói quen chi tiêu giữa nữ giới và nam giới có rất nhiều khác biệt. Việc tiết kiệm hay không tùy thuộc vào thói quen và tư duy tài chính của mỗi người, tuy nhiên đối với phái nữ, có hai yếu tố quan trọng tác động khá lớn đến việc chi tiêu của họ.

Phụ nữ thường phải chịu thêm “thuế hồng”

Thuế hồng (tiếng Anh: pink tax, trước đây có tên khác là gender tax, nghĩa là thuế giới tính) là thuật ngữ chỉ đến khoản chi phí phái nữ phải trả thêm cho các sản phẩm, dịch vụ dành riêng cho họ.

Đây không phải là một loại thuế theo quy định pháp lý, cụm từ này được dùng chủ yếu để nhấn mạnh những thứ được gắn mác dành cho phái nữ thường có giá cao hơn. Cụ thể hơn, từ “thuế” dùng để chỉ khoản phí bị đội lên, trong khi từ “hồng” ám chỉ các sản phẩm - dịch vụ dành cho phái nữ: thường có màu sắc rực rỡ hơn, mang sắc thái nữ tính.

Chẳng hạn cắt tóc là dịch vụ cần thiết cho cả nam và nữ, tuy nhiên giá thành dành cho nữ giới lúc nào cũng cao hơn. Những sản phẩm cả hai giới đều dùng như dao cạo, sữa rửa mặt, xịt khử mùi,... đều có mức giá cao hơn khi được gắn nhãn dành cho nữ (ví dụ tham khảo: 1 combo hai chai lăn khử mùi hãng N dòng cho nữ có giá niêm yết 170.000 đồng, trong khi combo tương tự cùng hãng dòng cho nam có giá 156.000 đồng).

Một dòng tweet hài hước về việc ngay cả đến thuốc nhuận tràng dành cho nữ cũng có giá cao hơn so với dòng thông thường.

Nguồn ảnh: Twitter

Không chỉ thế, vào giữa tháng 11.2021, trường THPT Bùi Thị Xuân tại Hồ Chí Minh yêu cầu nữ sinh khối 10 phải mua đến 4 loại đồng phục khác nhau. Theo đó, chi phí cho hai chiếc áo trắng, váy, quần tây và nơ cài của nữ sinh là 800.000 đồng (chưa tính tiền may áo dài). Đối với học sinh nam, 2 bộ quần tây - áo trắng và cà vạt là 770.000 đồng. Đây cũng có thể được coi là thuế hồng. Quy định này nhanh chóng vấp phải sự phản đối dữ dội, vì làm tăng thêm áp lực kinh tế cho phụ huynh và học sinh trong thời điểm dịch bệnh phức tạp.

Theo phân tích từ Liz Grauerholz - Giáo sư xã hội học tại trường Đại học Central Florida, văn hóa đại chúng có thể là nguyên nhân tác động đến thuế hồng. Phái nữ thường gặp nhiều áp lực về ngoại hình hơn so với nam giới. Do đó, họ phải đổ nhiều tiền vào quần áo, trang sức, mỹ phẩm. Các thương hiệu biết rõ điều đó, họ đã thực hiện nhiều chiến lược truyền thông nhằm thúc đẩy nhu cầu và chi phí cho những dòng sản phẩm cho phái nữ.

Phái nữ có xu hướng “mua sắm trị liệu” cao hơn so với nam giới

Retail therapy (tạm dịch: mua sắm trị liệu) chính là hành vi mua sắm mỗi khi cảm thấy buồn chán, hoặc căng thẳng sau một ngày làm việc mệt mỏi. Theo kết quả nghiên cứu vào năm 2014 thực hiện bởi Journal of Consumer Psychology, việc mua sắm trị liệu không chỉ mang lại cảm giác hạnh phúc tức thời, đồng thời có thể làm nguôi ngoai bớt những nỗi buồn dài lâu.

Dựa trên kết quả khảo sát hơn 1,000 người Mỹ của Huffington Post, 40% nữ giới thường xuyên mua sắm mỗi khi cảm thấy căng thẳng, trong khi đó ở nam giới tỷ lệ này chỉ là 19%. Bên cạnh đó, 34% nam giới cho biết họ chưa bao giờ mua sắm trị liệu và cũng không có ý định thử trong tương lai, tỷ lệ này ở nữ giới là 16%.

Nữ giới có xu hướng mua sắm trị liệu cao hơn hẳn khi so với nam giới.

Nguồn ảnh: Dai KE / Unsplash

Mặc dù việc mua sắm để giải tỏa căng thẳng có tác dụng khá tốt, tuy nhiên mọi thứ có thể trở nên trầm trọng nếu một người bắt đầu nghiện mua sắm (shopaholic) hoặc còn gọi là thói quen mua sắm bốc đồng (impulse spending). Khi đó, khả năng mắc nợ và gặp khó khăn trong việc chi tiêu sẽ ngày càng tăng cao. Theo Cleveland Clinic, sau đây là 4 dấu hiệu báo động nên dừng thói quen mua sắm trị liệu lại:

  • Cảm thấy khó khăn trước việc cố gắng cưỡng lại mong muốn mua sắm một món đồ không cần thiết.
  • Dành quá nhiều thời gian để tìm hiểu, cân nhắc liệu bản thân có nhu cầu dùng đến các món hàng định mua hay không.
  • Tình hình tài chính ngày càng trở nên khó khăn do mua sắm không có kiểm soát.
  • Phát sinh nhiều rắc rối tại chỗ làm, trường học, gia đình do chi tiêu quá mức.

Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về thói quen và cách hạn chế thói quen mua sắm bốc đồng theo cảm xúc tại bài viết dưới đây.

Bài viết liên quan: Làm sao để không rỗng túi khi bạn có thói quen chi tiêu theo cảm xúc?


Theo:
T.S
Nguồn:
ProFin

Bạn có thể quan tâm