
Ngày nay, việc vay nợ từ nhiều nguồn khác nhau để chi tiêu mua sắm và đầu tư sinh lời trở nên rất phổ biến. Tuy nhiên, nếu không có nền tảng kiến thức cũng như kỹ năng quản lý cần thiết, nhiều khả năng bạn sẽ rơi vào “vòng xoáy nợ nần và túng quẫn” thay vì trở nên giàu có hơn.
Những điều cần biết trước khi vay nợ
#1: Bản chất của việc vay nợ
Đối với đại đa số người Việt, khi nhắc đến nợ họ thường liên tưởng đến những viễn cảnh tiêu cực như phá sản, nợ nần chồng chất,... Thực chất, không hẳn khoản nợ nào cũng dẫn đến hệ quả tiêu cực như vậy. Điều đó còn tùy thuộc vào mục đích vay và chiến lược trả nợ của từng cá nhân. Theo phân tích từ Investopedia, nợ được chia làm hai loại như sau:
-
Nợ tốt là những khoản vay có thể mang lại cho bạn khả năng tăng thu nhập, hoặc gia tăng giá trị tài sản ròng cá nhân. Chẳng hạn như đăng ký khóa học nâng cao kỹ năng hoặc lấy chứng chỉ cao hơn để giúp bạn dễ thăng tiến hoặc tăng lương trong tương lai. Bên cạnh đó, nhiều người thường vay nợ để đầu tư (phổ biến nhất là bất động sản). Về lý thuyết, sau đó họ sẽ bán khoản đầu tư đi với giá cao hơn để thu lợi nhuận.
-
Nợ xấu là các khoản vay không mang lại giá trị lâu dài về mặt tài sản lẫn kiến thức, chẳng hạn như mua trả góp điện thoại cao cấp, quần áo hàng hiệu,... Đây là những mặt hàng nhanh chóng mất giá sau một thời gian ngắn, đồng thời không hề mang giá trị cho bạn ở bất cứ khía cạnh nào. Vay tiêu dùng là một ví dụ điển hình cho trường hợp này.
Vì thế, trước khi vay nợ, hãy cân nhắc kỹ xem liệu nhu cầu hiện tại có thật sự cần thiết và mang lại giá trị lâu dài cho bản thân.
#2: Các hình thức vay nợ phổ biến tại Việt Nam
Hiện nay trong nước có khá nhiều loại hình vay vốn, tùy vào nhu cầu của mình mà bạn có thể chọn dịch vụ thích hợp nhất.
-
Vay tín chấp (hoặc vay tiêu dùng): hình thức vay vốn không cần tài sản hoặc giấy tờ đảm bảo, thời hạn vay tối đa là 60 tháng. Vay tín chấp thích hợp cho các nhu cầu vay không quá lớn, bên cạnh đó loại hình vay này thường đi kèm với lãi suất tương đối cao. Cần lưu ý một điều, dù không cần tài sản đảm bảo nhưng cá nhân hoặc tổ chức cho vay có một thỏa thuận ràng buộc trong hợp đồng để khi phát sinh tình huống không có khả năng chi trả, bên cho vay có thể nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng để đòi lại số tiền đã cho vay.
-
Vay trả góp: hình thức vay tiền mà tổ chức cho vay sẽ ứng trước một khoản tiền, sau đó người vay phải hoàn trả lại số tiền gốc (cùng với một khoản tiền lãi) trong một khoảng thời gian nhất định. Tại Việt Nam, loại hình này tương đối phổ biến, mọi người thường tìm đến các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng vay tiền với nhiều mục đích khác nhau như: mua đồ điện tử, xe máy,... Trong những năm gần đây, xu hướng mua trước - trả sau (tiếng Anh: buy now, pay later hay BNPL) đang phổ biến trên toàn cầu, cũng được coi là một loại hình tương tự như vay trả góp.
Bài viết liên quan: Tất cả những điều bạn cần biết về xu hướng thanh toán Mua trước, trả sau (BNPL)
-
Vay thế chấp: điểm đặc biệt của hình thức này là người đi vay cần phải có tài sản đảm bảo, với thời hạn vay dài lên đến 25 năm. Trong khi hai hình thức trên chủ yếu dành cho nhu cầu cá nhân, thì loại hình này doanh nghiệp cũng thường sử dụng. Thủ tục cho vay thế chấp cũng phức tạp hơn nhiều.
-
Vay thấu chi: đây là khoản vay mà ngân hàng cho phép khách hàng thanh toán hóa đơn, các chi phí khác khi mà số dư tài khoản không đủ. Để sử dụng loại hình này, người đi vay cần chứng minh thu nhập cố định mỗi tháng.
-
Vay tín dụng: là khoản vay từ thẻ tín dụng, có tính chất xoay vòng. Khách hàng có thể dùng tài khoản thẻ tín dụng để được ứng trước tiền để mua một món đồ hoặc dịch vụ nào đó. Họ có thể vay và trả lại không giới hạn số lần, cho đến khi chạm mức giới hạn tín dụng. Không giống như các loại hình vay vốn trên, nợ tín dụng không có thời hạn cố định. Điều đó có nghĩa là khi càng mất nhiều thời gian giải quyết nợ, người đi vay sẽ mất nhiều tiền hơn do lãi suất cộng dồn trên số tiền chưa thanh toán xong.
Bài viết liên quan: Hiểu rõ về thẻ tín dụng: ưu - nhược điểm, cách các tổ chức tài chính đánh giá uy tín tín dụng, bí quyết cải thiện điểm tín dụng
Nguồn ảnh: Freepik
2 điều cần làm để không “đổ nợ”
Sau khi đã hiểu rõ về bản chất và các hình thức vay nợ, tiếp theo bạn cần có kế hoạch cụ thể trước khi liên hệ với ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng để làm thủ tục. Sau đây chính là hai điều bạn cần làm để vay nợ một cách thông minh:
#1: Đánh giá, sắp xếp lại kế hoạch ngân sách cá nhân
Đầu tiên, bạn nên cân nhắc xem mình có đủ khả năng giải quyết được khoản vay đó nhanh chóng hoặc đúng hạn hay không. Cần lưu ý là đừng quên điều chỉnh lại kế hoạch chi tiêu hàng tháng, vì bạn cần phải trích ra một khoản hàng tháng để xử lý nợ. Nếu vẫn duy trì thói quen chi tiêu như cũ, bạn sẽ dễ rơi vào tình trạng túng thiếu. Vì vậy, đây những vấn đề bạn nên làm:
-
Giảm bớt chi phí hàng tháng: Dù các khoản cố định (tiền nhà, tiền điện - nước - internet, tiền ăn,...) không thể cắt giảm hoàn toàn, bạn có thể tìm cách để giảm bớt, ví dụ như tiết kiệm điện hơn, tự nấu ăn thay vì ăn ngoài,... Ngoài ra, các nhu cầu cá nhân như tụ tập bạn bè, mua sắm trực tuyến hoặc giải trí,... nên cân nhắc giảm tần suất để tiết kiệm nhiều hơn.
-
Xây dựng quỹ dự phòng khẩn cấp: Khi có nợ thì bạn có xu hướng bỏ qua việc tiết kiệm. Tuy nhiên, cuộc sống luôn có những biến cố khó lường, minh chứng rõ ràng nhất chính là dịch bệnh COVID-19 vừa qua khiến biết bao người phải lao đao. Do đó, có sẵn một ít tiền dự phòng không bao giờ thừa thãi. Bạn có thể tham khảo thêm một số lời khuyên từ chuyên gia về quỹ tiết kiệm khẩn cấp tại đây.
-
Tìm cách gia tăng nguồn tiền: Theo Bankrate - Công ty dịch vụ tài chính thành lập từ 1976 có trụ sở tại New York gợi ý, giải pháp tốt nhất để nhanh chóng trả nợ chính là tìm việc ngoài giờ để có thêm thu nhập. Hãy tận dụng mọi nguồn lực có sẵn (mối quan hệ, kỹ năng công việc,...) để tìm kiếm công việc làm thêm dễ dàng hơn. Một công việc tự do và không quá áp lực sẽ là lựa chọn phù hợp nhất.
#2: Quản lý nợ an toàn và hiệu quả
Điều tiếp theo bạn cần làm chính là có một chiến lược quản lý nợ rõ ràng và cụ thể. Bởi vì nếu như không tuân theo một kế hoạch, bạn sẽ rất dễ rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất (đóng trễ hạn dẫn đến nộp phí phạt cao, nợ tín dụng để càng lâu thì lãi suất cộng dồn càng cao,..), đặc biệt là khi bạn có nhiều khoản vay cần xử lý.
Kế hoạch quản lý nợ cần có hai mục quan trọng sau đây:
-
Thời hạn thanh toán khoản vay cố định: Đối với hầu hết các khoản vay, việc đóng đúng kỳ hạn là rất quan trọng. Nếu đóng trễ hạn, bên cạnh việc phải đóng thêm phí phạt, lịch sử tín dụng của bạn sẽ bị đánh giá không tốt, dẫn đến khó khăn cho các khoản vay tương lai. Để tránh rơi vào tình trạng này, bạn có thể dùng ứng dụng nhắc nhở trên điện thoại thông minh như Calendar, Google Keep, OneNote,... Một số ngân hàng hiện nay cũng tích hợp tính năng nhắc nhở thanh toán khoản vay cho khách hàng.
-
Số tiền tối thiểu phải đóng hàng tháng: Việc ý thức được điều này sẽ giúp bạn quản lý chi tiêu hiệu quả để không bị rơi vào cảnh nợ chồng nợ. Một tình trạng khá phổ biến là không ít người không đủ tiền thanh toán khoản vay hàng tháng, vậy là họ tiếp tục đi vay nợ (từ người xung quanh hoặc thẻ tín dụng, tổ chức tài chính). Khi họ nhận được lương, họ lại đi trả khoản vay đã mượn rồi cuối tháng túng thiếu, tiếp tục vay nợ. Thế rồi, họ cứ thế bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn đó. Vậy nên, giải pháp chính là đừng quên theo dõi chi tiêu và đánh giá lại kế hoạch ngân sách cá nhân như ProFin đã đề cập ở trên.
Trong trường hợp có nhiều khoản nợ phải giải quyết đồng thời, bạn có thể tham khảo hai chiến lược giải quyết nợ hiệu quả do Dave Ramsey đề xuất có tên là quả cầu tuyết” (debt snowball) và “tuyết lở” (debt avalanche). Với hai chiến lược này, bạn sẽ có ý thức tốt hơn về tình trạng nợ của bản thân, từ đó tạo động lực để quản lý chi tiêu và kiểm soát nợ tốt hơn.
Bài viết liên quan: Quản lý tài chính cá nhân #3: Giải quyết nợ hiệu quả bằng 2 chiến lược “quả cầu tuyết” và “tuyết lở” của Dave Ramsey
Qua bài viết này, đội ngũ ProFin hy vọng bạn có thể hiểu rõ hơn về bản chất của việc vay nợ. Điều đó không hoàn toàn xấu mà phụ thuộc vào mục đích vay nợ, hiểu biết về các hình thức vay nợ hiện nay và có kế hoạch giải quyết nợ khôn ngoan. Hãy tiếp tục theo dõi chuỗi bài Quản lý tài chính cá nhân do ProFin thực hiện để có thêm những kiến thức hữu ích nhé.