Quan điểm
Quản lý tài chính cá nhân #24: Quỹ chìm - Bí quyết vừa chi tiêu thoải mái, vừa tiết kiệm hiệu quả

Bạn không hiểu vì sao kế hoạch quản lý chi tiêu của mình không hiệu quả? Nguyên nhân gì khiến bạn vừa nhận lương không bao lâu thì con số trong tài khoản cứ tiến dần về 0? Theo phân tích của nhiều chuyên gia tài chính, quỹ chìm chính là giải pháp để khắc phục tình trạng đó.
Quỹ chìm là gì?
Quỹ chìm (tiếng Anh: Sinking fund) là một thuật ngữ dùng trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, dùng để chỉ một khoản tiền để riêng dành cho các khoản nợ và thanh toán trái phiếu. Đối với khía cạnh tài chính cá nhân, quỹ chìm được xem là một chiến lược tiết kiệm hiệu quả bằng cách mỗi tháng để riêng ra một phần thu nhập.
Giải thích một cách đơn giản hơn, đây là khoản tiết kiệm dành cho những chi phí không cố định trong tương lai. Theo gợi ý từ Rachel Cruze - Chuyên gia tài chính và là tác giả sách bán chạy toàn cầu, quỹ chìm nên được dành cho các mục tiêu ngắn hạn như du lịch, tiệc tùng (đám cưới, sinh nhật), sửa chữa nhà cửa... Đây cũng chính là điểm khác biệt so với quỹ tiết kiệm khẩn cấp - chủ yếu dành cho các mục tiêu dài hạn hơn và cho các trường hợp ngoài ý muốn (chẳng hạn như tích lũy đủ 6 - 8 tháng tiền sinh hoạt phí).
Bài viết liên quan: Quản lý tài chính cá nhân #4: Quỹ tiết kiệm khẩn cấp dưới góc nhìn của Chuyên gia tài chính
3 lợi ích khi thiết lập quỹ chìm
#1: Hạn chế rơi vào tình trạng “thiếu trước, hụt sau”
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Giáo dục Chi Nguyễn - chủ kênh podcast và blog The Present Writer, dù lập kế hoạch theo dõi chi tiêu chặt chẽ và tính toán kỹ càng, có rất nhiều chi phí “không tên” xuất hiện buộc phải chi tiền khiến việc tiết kiệm ngày càng khó khăn.
Chúng ta ắt hẳn ai cũng từng rơi vào tình trạng một tháng được mời đi 2-3 cái đám cưới - sinh nhật - đám giỗ; hoặc thăm bệnh, thăm đẻ; sửa laptop - điện thoại đột ngột bị hỏng,... dẫn đến không có để tiết kiệm, thậm chí còn phải đi vay mượn những người xung quanh.
Quỹ chìm sẽ giúp bạn chuẩn bị trước cho những tình huống như trên, từ đó bạn sẽ không phải lo lắng quá nhiều về việc không có tiền xoay sở khi hàng loạt chi phí “không tên” ập đến cùng lúc.
Nguồn: Pickawood / Unsplash
#2: Vừa tiết kiệm hiệu quả, vừa có thể thỏa mãn nhu cầu cá nhân
Rachel Cruze cho biết, bạn hoàn toàn có thể dùng quỹ chìm cho những điều khiến bạn cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Ví dụ như để dành cho chuyến du lịch hoặc món đồ bạn hằng mơ ước, hoặc đầu tư nhiều hơn cho sở thích cá nhân. Điều đó sẽ giúp bạn có động lực tiết kiệm, đồng thời cân nhắc kỹ hơn mỗi khi có xu hướng chi tiêu bốc đồng hoặc ảnh hưởng bởi hội chứng FOMO (Fear Of Missing Out: nỗi sợ bị bỏ lỡ).
Bài viết liên quan: Mạng xã hội và hội chứng FOMO khiến bạn tiêu tiền như thế nào?
#3: Giảm căng thẳng và cân bằng cuộc sống tốt hơn
Theo ý kiến của Tana Williams - Blogger chuyên nghiệp về tài chính cá nhân tại Debt Free Fortie, việc thiết lập quỹ chìm giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về tình hình tài chính của bản thân. Do đã có sự chuẩn bị cho các khoản chi bất ngờ, bạn sẽ không phải lo lắng, hoang mang khi những dịp đó cuối cùng cũng đến. Mặc dù không nhiều người quan tâm đến vấn đề này, những lo lắng về tiền bạc có ảnh hưởng tiêu cực lớn đến sức khỏe tinh thần của mỗi người.
Bài viết liên quan: Bạn có biết: Thường xuyên căng thẳng về vấn đề tài chính có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần?
Làm thế nào để thiết lập quỹ chìm?
Theo gợi ý từ trang Business Insider, để áp dụng quỹ chìm vào ngân sách cá nhân, bạn cần thực hiện 4 bước như sau:
Nguồn: ProFin
#1: Xác định mục tiêu và số tiền cần tiết kiệm
Bởi vì quỹ chìm được dùng cho các mục tiêu cụ thể, vì thế điều đầu tiên cần làm chính là đặt ra số tiền cần phải tích lũy. Ví dụ, 25 triệu đồng để đi du lịch, hoặc 15 triệu đồng để đăng ký khóa học vẽ mỹ thuật,...
Ngoài ra, đối với các khoản chi phí khó xác định (đám cưới, tiệc tùng hoặc sửa chữa xe cộ - máy tính,...), Jay Zigmont - Chuyên gia hoạch định tài chính được chứng nhận (CFP: Certified Financial Planner) gợi ý, bạn nên ước chừng một con số để tích lũy dựa trên những trải nghiệm trong quá khứ. Ví dụ, đối với chi phí sửa chữa - bảo dưỡng xe cộ đi lại, hãy nhớ lại xem năm ngoái bạn đã bỏ ra khoảng bao nhiêu tiền cho khoản này. Từ đó, bạn có thể đặt ra con số mục tiêu phù hợp nhất.
#2: Đặt ra thời hạn tiết kiệm cho từng mục tiêu
Việc đặt ra khoảng thời gian cụ thể cho từng loại quỹ chìm khác nhau sẽ giúp bạn biết được mình nên làm gì để đạt được mục tiêu đề ra. Giả sử hiện tại là tháng 4 và bạn muốn tích lũy đủ 25 triệu đồng trước tháng 12 năm nay, như vậy trung bình hàng tháng bạn cần có 3 triệu đồng dành cho loại quỹ chìm này. Khi đã có con số rõ ràng, bạn sẽ biết cách điều chỉnh chi tiêu mỗi tháng để không bị hao hụt.
#3: Lựa chọn nơi gửi quỹ chìm
Theo gợi ý từ Chuyên gia Tư vấn Tài chính Claire Hunsaker, bạn nên gửi tiền dành cho quỹ chìm vào nơi nào đó mà để có thói quen tiết kiệm thường xuyên dễ dàng. Jay Zigmont gợi ý, bạn nên dùng một tài khoản khác biệt so với tài khoản sử dụng thường xuyên để tránh sử dụng thâm hụt vào quỹ chìm.
#4: Đưa quỹ chìm vào kế hoạch quản lý ngân sách hiện tại
Bước cuối cùng chính là áp dụng vào thực tế, tiếp tục với ví dụ đặt ra ở bước 2, hiện tại bạn đã rõ mỗi tháng cần có ít nhất 3 triệu đồng. Như vậy, bạn cần phải điều chỉnh lại kế hoạch quản lý tài chính của mình. Đó có thể là cắt giảm bớt các loại chi tiêu không thiết yếu, hoặc tìm kiếm cách để đa dạng hóa thu nhập.
Ngoài ra, Claire Hunsaker gợi ý thêm một mẹo nhỏ là bạn nên thiết lập lệnh thanh toán tự động gửi vào quỹ chìm hàng tháng, lý tưởng nhất là ngay sau khi nhận lương. Tiếp theo, hãy cố gắng không nghĩ về khoản tiền này để tránh bị cám dỗ mua hàng bốc đồng.
- Theo:
- An Nguyễn
- Nguồn:
- ProFin