Quan điểm
Quản lý tài chính cá nhân #25: Shrinkflation - Khi hàng hóa âm thầm tăng giá

Shrinkflation - chiến lược kinh doanh của các nhãn hàng nhằm tăng giá thành sản phẩm hoặc dịch vụ một cách khéo léo khiến khách hàng khó lòng nhận ra.
Định nghĩa và ví dụ thực tiễn
Theo Investopedia giải thích, shrinkflation được kết hợp bởi hai từ shrink (thu nhỏ lại) và inflation (lạm phát). Đây cũng có thể được coi là một dạng lạm phát ẩn mà ít ai chú ý đến. Theo kết quả nghiên cứu bởi Harvard Business School, người mua có xu hướng để ý về giá cả nhiều hơn là kích cỡ. Do đó, các nhãn hàng quyết định giảm đi kích thước (độ chênh lệch không quá lớn so với trước kia) để người mua không dễ dàng phát hiện.
Sau đây là một số ví dụ thực tiễn về shrinkflation:
Nguồn: Antalol / Reddit
Nguồn: Judas Penguin / Reddit
2 nguyên nhân dẫn đến “lạm phát ẩn”
#1: Chi phí sản xuất tăng cao
Đây chính là lý do đầu tiên khiến các công ty bắt đầu sử dụng chiến lược này. Có không ít yếu tố tác động đến chi phí sản xuất như: thiên tai (hạn hán, lũ lụt,...) khiến mùa màng thất thu, tình hình chính trị hoặc dịch bệnh ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu,... Đối với các loại hàng hóa nhập khẩu, khi giá xăng dầu tăng, hoặc thiếu lao động cũng góp phần khiến giá thành sản phẩm, chi phí vận chuyển hàng hóa bị đẩy lên.
#2: Tính cạnh tranh cao
Theo phân tích từ Investopedia, nhiều thương hiệu đã sử dụng chiến lược này như một cách để giữ vững thị phần. Nếu một dòng sản phẩm có tính đặc thù hoặc có dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khách hàng, việc tăng giá không ảnh hưởng quá nhiều đến doanh thu (chẳng hạn như Apple). Tuy nhiên, không phải thương hiệu nào cũng có được vị thế như Apple. Vậy nên, nhiều công ty đã giảm kích thước và giữ nguyên giá thành để không đi mất tệp khách hàng sẵn có.
Làm cách nào để nhận biết shrinkflation?
Amy Livingston - một cây viết chuyên nghiệp về tài chính cá nhân gợi ý, trước khi thanh toán, hãy cẩn thận kiểm tra bao bì và khối lượng tịnh ghi trên đó. Theo cô, khi một sản phẩm có bao bì mới, hoặc thay đổi hình thức đóng gói (chẳng hạn như chuyển từ tuýp sang hũ), chính là một trong những dấu hiệu của shrinkflation.
Nguồn: space-glitter / Reddit
Trong khi hình thức bên ngoài của sản phẩm khá dễ nhận biết, việc kiểm tra khối lượng tịnh lại không đơn giản như vậy. Đối với các sản phẩm như bánh kẹo, dầu gội, kem đánh răng,... hầu hết người tiêu dùng không có xu hướng chú ý kỹ đến khối lượng tịnh, chưa kể đến việc chi tiết này thường có diện tích khá nhỏ trên bao bì sản phẩm. Bên cạnh đó, một số sản phẩm tăng kích thước bên ngoài nhưng giảm số lượng sản phẩm bên trong (ví dụ như các bịch bánh snack). Theo Edgar Dworsky - Luật sư bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chia sẻ với ABC News, cách duy nhất đó chính là thiết lập thói quen chú ý hơn đến khối lượng tịnh sản phẩm khi mua hàng.
Trong thời điểm kinh tế biến động liên tục, không ít các nhãn hàng đã lựa chọn phương pháp shrinkflation để vừa giữ chân khách hàng, vừa gia tăng lợi nhuận. Suy cho cùng, khách hàng vẫn là người phải chịu thiệt thòi nhất. Tuy nhiên, việc né tránh shrinkflation không hề đơn giản vì các nhãn hàng ngày càng có nhiều mánh khóe khôn ngoan hơn. Chưa kể hiện nay, mọi người có xu hướng mua sắm trực tuyến nhiều hơn, hiện tượng “lạm phát ẩn” này lại càng khó phát hiện hơn nữa.
Vì vậy, người mua hàng nên tránh lãng phí tiền bạc bằng cách mua sắm thận trọng và có chọn lọc. Các cửa hàng tạp hóa - siêu thị, trang thương mại điện tử được thiết kế nhằm khuyến khích khách hàng mua sắm bốc đồng nhiều hơn. Do đó, để tránh tiêu tốn tiền bạc vào những món hàng không cần thiết, bạn nên chuẩn bị sẵn một danh sách các món đồ cần mua trước khi mua sắm. Hành động này sẽ giúp bạn tránh rơi vào tình trạng đi vòng vòng cửa hàng, hoặc lướt từ trang này sang trang khác, cuối cùng là mua sắm hàng đống thứ không có nhu cầu sử dụng trong vô thức.
Bài viết liên quan: Quản lý tài chính cá nhân #1: Đâu là nguyên nhân khiến bạn gặp khó khăn trong việc tiết kiệm?
- Theo:
- An Nguyễn
- Nguồn:
- ProFin tổng hợp