Profin

Kiến thức

Tư duy rành mạch #3: Nghịch lý của sự lựa chọn - Khi người ta cứ mãi “đứng núi này trông núi nọ”

Tư duy rành mạch #3: Nghịch lý của sự lựa chọn - Khi người ta cứ mãi “đứng núi này trông núi nọ”

“Chúng ta sống với Nghịch lý của sự lựa chọn. Có vô số lựa chọn, do đó chúng ta cố gắng loại bỏ những lựa chọn không chắc chắn bằng cách tìm ra thứ hoàn hảo nhất.” Trích dẫn từ Esther Perel - Nhà trị liệu Tâm lý, Tác giả sách, đồng thời là Người dẫn chương trình podcast Where Should We Begin.

Giải thích nghịch lý của sự lựa chọn là gì?

Thuật ngữ “the paradox of choice” lần đầu xuất hiện trong quyển sách cùng tên xuất bản vào năm 2004, được chắp bút bởi Nhà tâm lý học Barry Schwartz. Trong quyển sách, tác giả đào sâu phân tích hành vi của nhiều kiểu khách hàng khác nhau khi phải đối mặt với quá nhiều lựa chọn. Bạn có thể tìm hiểu thêm tại bài phát biểu TED Talks dưới đây của chính tác giả Barry Schwartz:

Tác động đối với khía cạnh tài chính và đời sống cá nhân

#1: Gia tăng khả năng chi tiêu bốc đồng

Khi số lượng sản phẩm và dịch vụ không ngừng tăng lên, điều đó đồng nghĩa với việc thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa tiêu dùng. Mỗi khi có nhu cầu mua sắm mặt hàng nào (từ đồ dùng tạp hóa, thời trang, mỹ phẩm, đồ điện tử, cho đến bất động sản,...), trên thị trường luôn có sẵn hàng trăm đến hàng ngàn lựa chọn đang chờ đợi bạn. Theo phân tích từ The Decision Lab, trong khi có quá ít khiến người tiêu dùng khó cảm thấy thỏa mãn, vô số lựa chọn sẽ khiến họ choáng ngợp, đồng thời không bao giờ hài lòng về sản phẩm đã lựa chọn và luôn cho rằng có thể còn cái gì đó tốt hơn thứ đang sở hữu.

Bên cạnh đó, ngày càng nhiều người mắc phải thói quen mua sắm bốc đồng do sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Ắt hẳn bạn cũng không xa lạ với tình huống này: khi vừa lên Google tìm kiếm về một sản phẩm, một lát sau thì hàng loạt quảng cáo về các mặt hàng tương tự liên tục xuất hiện trên các mạng xã hội khác. Những quảng cáo này được thiết kế rất thu hút, độc đáo và vui nhộn để kích thích nhu cầu mua sắm ở người dùng. Ngoài ra, sự phát triển của các phương thức thanh toán thuận lợi như ví điện tử, thẻ tín dụng và dịch vụ “mua trước, trả sau” (tiếng Anh: Buy Now, Pay Later, viết tắt là BNPL). Do đó, khách hàng dễ mua sắm bốc đồng khi có quá nhiều lựa chọn cứ hiện ra trước mắt họ.

Bài viết liên quan: Quản lý tài chính cá nhân #1: Đâu là nguyên nhân khiến bạn gặp khó khăn trong việc tiết kiệm?

Việc có quá nhiều lựa chọn khiến chúng ta đau đầu hơn, đồng thời dễ có xu hướng mua sắm bốc đồng.

Nguồn ảnh: Atoms / Unsplash

#2: Khả năng gặp gỡ nhiều hơn không đồng nghĩa với việc hết cô đơn

Ngày nay, nhiều người tìm đối tượng hẹn hò thông qua mạng xã hội hoặc các ứng dụng như Tinder, Bumble, OkCupid,... Theo bộ phim tài liệu Swiped: Hooking Up in the Digital Age do HBO sản xuất, các ứng dụng hẹn hò (Tinder, OkCupid, Bumble, Facebook Dating,...) xuất hiện đã mang đến khả năng kết nối gần như vô hạn giữa người với người, đồng thời tạo nên không ít vấn đề rắc rối và nan giải như sau:

  • “The paradox of choice” giúp những công cụ này níu chân người dùng: Cách thức vận hành của các ứng dụng hẹn hò khá giống như một trò chơi điện tử. Khi “match” được với một ai đó, người dùng cảm thấy rất vui như khi chiến thắng trong một trò chơi vậy. Bên cạnh đó, người dùng các công cụ này, họ càng khó hài lòng với những người đã “match” vì mang tâm lý sẽ có ai đó tốt hơn nữa. Do đó, không ít người ngày càng nghiện các ứng dụng hẹn hò.

  • Khả năng kết nối cao không đồng nghĩa với việc gặp được người phù hợp: Theo chia sẻ của các bạn trẻ trong bộ phim tài liệu trên, việc gặp gỡ các đối tượng tiềm năng tuy đơn giản nhưng lại có nhiều vấn đề phát sinh để xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn. Trên các ứng dụng này, đại đa số người dùng sẽ quyết định “match” một người chủ yếu dựa trên ngoại hình. Khi gặp gỡ ngoài thực tế, vẻ ngoài không còn là yếu tố duy nhất mà còn phụ thuộc vào các đặc điểm khác như quan điểm sống, cách giao tiếp, khả năng lắng nghe và đồng cảm,... Do đó, mọi thứ có thể sẽ diễn ra không như mong đợi ban đầu.

  • Khó tìm kiếm đối tượng có cùng mục tiêu: Không phải ai cũng dùng các công cụ hẹn hò để xây dựng mối quan hệ lâu dài. Một số bộ phận tìm kiếm đối tượng để giải quyết nhu cầu, vài cá nhân khác lại đang trông đợi tình yêu đích thực. Tuy nhiên, không phải lúc nào thuật toán của các ứng dụng hẹn hò đều gợi ý đúng đối tượng phù hợp. Thậm chí, những nền tảng này còn cố ý gợi ý sai để thúc đẩy người dùng chuyển sang sử dụng gói đăng ký trả phí.

Liệu sự xuất hiện của hàng loạt ứng dụng hẹn hò có giúp người trẻ tìm kiếm tình yêu dễ dàng hơn?

Nguồn ảnh: Hello I'm Nik / Unsplash

Làm cách nào để đối phó với “the paradox of choice”?

#1: Dừng lại một thời gian ngắn trước khi quyết định

Theo kết quả nghiên cứu từ Trung tâm Y tế Đại học Columbia, việc tạm thời trì hoãn trong một quãng thời gian ngắn ngủi sẽ giúp bạn đưa ra quyết định chính xác và khôn ngoan hơn. Tác giả bài nghiên cứu là Tiến sĩ - Nhà nghiên cứu khoa học thần kinh Tobias Teichert cho biết, chúng ta dễ đưa ra quyết định sai lầm bởi các yếu tố tưởng chừng rất nhỏ bé, đặc biệt là trong thời đại có quá nhiều thông tin chi phối sự chú ý.

Bài nghiên cứu gợi ý rằng mỗi khi cần đưa ra quyết định dù lớn hay nhỏ, hãy thử dành ra 1-2 phút để hít thở sâu. Theo đồng tác giả bài nghiên cứu - Tiến sĩ Jack Grinband, hành động này sẽ giúp bộ não tập trung vào những thông tin thật sự hữu ích và loại bỏ các yếu tố không liên quan gây phân tâm. Từ đó, bạn sẽ đưa ra quyết định chính xác và khôn ngoan hơn.

#2: Lập ra một danh sách các lựa chọn

Scott Berkun - Tác giả sách bán chạy chia sẻ, việc viết ra các lựa chọn ra giấy hoặc trên laptop, điện thoại sẽ giúp bạn so sánh, đánh giá hoặc sắp xếp thông tin rõ ràng hơn. Bạn sẽ nhận ra được đâu là lựa chọn đúng đắn cần được ưu tiên hơn để đưa ra quyết định cuối cùng.

Một mẹo nhỏ khác từ trang Inc. gợi ý đó là liệt kê ra 3 lựa chọn mà bạn ưng ý nhất. Sau đó, hãy nhờ một người khác (người thân, bạn bè, đồng nghiệp,...) lựa chọn hộ bạn. Giả sử trong trường hợp sau đó bạn nhận ra không phải là phương án lý tưởng nhất, vẫn còn hai lựa chọn khác để quyết định. Với cách này, bạn sẽ giảm bớt cảm giác bứt rứt và áp lực khi có quá nhiều thứ để lựa chọn.

Lập ra một danh sách các lựa chọn trên giấy hoặc trên máy tính sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn.

Nguồn ảnh: Nick Morrison / Unsplash

TƯ DUY RÀNH MẠCH - Đối với nhà đầu tư hoặc chủ doanh nghiệp, bên cạnh kiến thức và năng lực chuyên môn, việc giữ cho mình một cái đầu “lạnh” trong mọi tình huống là điều quan trọng không kém. Chính vì thế, ProFin đã thực hiện chuỗi bài nhằm giải thích các lỗi tư duy phổ biến có thể ảnh hưởng đến các quyết định lớn trong đầu tư - kinh doanh và giải pháp để thay đổi điều đó.


Theo:
An Nguyễn
Nguồn:
ProFin

Bạn có thể quan tâm