Kiến thức
Nghề hay nghiệp #6: Golden handcuffs - Nguyên nhân lương tăng nhưng lòng lại không vui

Được tăng lương nhưng lại cảm thấy bức bối, khó chịu? Một điều nghe qua tưởng chừng rất kỳ lạ, tuy nhiên không ít người đã từng trải qua cảm giác hỗn độn này.
Golden handcuffs là gì?
Thuật ngữ golden handcuffs (tạm dịch: còng tay vàng) xuất hiện lần đầu vào năm 1958 trên San Francisco Examiner trong bài luận của tác giả John Steinbeck. Đến năm 1976, cụm từ này bắt đầu được dùng để nói về chính sách gia tăng phúc lợi về mặt tài chính của công ty - tổ chức để giữ chân nguồn nhân lực ưu tú. Golden handcuffs thường được dùng với hàm ý tiêu cực nhiều hơn là tích cực: những nhân viên cảm thấy mắc kẹt trong vị trí công việc hiện tại, thế nhưng lại cố gắng bám trụ vì vấn đề tiền bạc. Nguyên nhân này thường liên quan đến hiện tượng lạm phát lối sống (thu nhập tăng khiến nhu cầu tăng theo), thậm chí đôi khi là thói quen chi tiêu bốc đồng.
Bài viết liên quan: Quản lý tài chính cá nhân #1: Đâu là nguyên nhân khiến bạn gặp khó khăn trong việc tiết kiệm?
Theo Investopedia, có nhiều kiểu ‘còng tay’ khác nhau như: ưu đãi khi mua cổ phiếu công ty, cộng thêm số ngày nghỉ phép được hưởng lương, tài trợ tham gia các khóa học chuyên môn, tiền thưởng doanh số hoặc hoa hồng được tăng lên,... Dĩ nhiên, điều kiện để được hưởng những đặc quyền này chính là phải gắn bó thêm với công ty trong một thời hạn nhất định.
Nguồn ảnh: LinkedIn Sales Solutions / Unsplash
Tác động tiêu cực của ‘chiếc còng tay vàng’
Khi một nhân viên cảm thấy ngột ngạt với công việc hiện tại, việc cố gắng bám trụ khiến họ dần dần mất đi động lực làm việc. Điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất làm việc. Nghiêm trọng hơn, tình trạng này kéo dài có thể khiến họ từ một nhân viên ưu tú trở thành ‘thây ma công sở’ (tiếng Anh: zombie workplace). Thuật ngữ này chỉ các nhân viên đã mất đi hứng thú làm việc, họ rơi vào trạng thái trống rỗng và vật vờ tương tự như thây ma (zombie). Dù vẫn hoàn thành nhiệm vụ được giao, tuy nhiên họ gặp khó khăn trong việc tập trung cao độ và ít khi đưa ra ý kiến khi thảo luận - họp hành. Họ cũng không quan tâm đến vấn đề cải thiện năng suất hoặc nâng cao kỹ năng chuyên môn.
Nhìn vào bức tranh dài hạn, chính sách ‘còng tay’ có nhiều nhược điểm hơn là ưu điểm. Đối với nhân viên, việc đánh mất hứng thú làm việc dẫn đến năng suất sụt giảm, tạo ấn tượng xấu cho cấp trên và đồng nghiệp. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến họ đánh mất đi động lực và khả năng làm việc, thậm chí trở thành thói quen khó bỏ. Đối với công ty, hai nhược điểm dễ thấy nhất chính là tiêu tốn chi phí và năng suất bị tụt giảm. Bên cạnh đó, các mối quan hệ giữa đồng nghiệp và cấp trên cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Làm thế nào để không bị mắc kẹt với ‘chiếc còng vàng’?
Khi đứng giữa lựa chọn ở lại và rời đi, điều đầu tiên bạn cần làm chính là cân nhắc thật kỹ càng về nhiều khía cạnh khác nhau để tránh hối hận về sau. Năm 2021, làn sóng Đại từ chức (The Great Resignation) lan rộng trên toàn cầu. Nhiều người đã mạnh mẽ giải phóng bản thân khỏi ‘chiếc còng’ này. Tuy nhiên, không ít người đã hối hận và muốn quay trở về chỗ cũ, những trường hợp này thường được gọi là “boomerang employees”.
Theo gợi ý từ The Motley Fool - trang blog về tài chính cá nhân ra đời từ năm 1993, điều quan trọng chính là tự hỏi điều gì khiến bản thân cảm thấy vui vẻ. Ngoài ra, hãy nhận thức được rằng việc rời bỏ ‘chiếc còng vàng’ chưa chắc sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn. Nếu nhìn vào bức tranh thực tế, khi chấp nhận một công việc ít căng thẳng với mức lương thấp hơn đồng nghĩa với việc bạn phải học cách tiết kiệm hơn, khả năng chi trả cho những thứ bạn thích cũng giảm đi. Do đó, hãy suy nghĩ thật kỹ về điều bạn cần: sự thoải mái trong công việc hay dư dả về mặt tài chính?
Nguồn ảnh: Mimi Thian / Unsplash
Không chỉ thế, đừng quên đánh giá về tiềm năng dài hạn của cả hai lựa chọn. Đâu là nơi sẽ giúp bạn phát triển tốt hơn và mang lại nhiều trải nghiệm thú vị? Nguyên nhân gì khiến bạn muốn rời bỏ công việc đó? Liệu chính sách tăng lương - thưởng có giải quyết được vấn đề bạn đang gặp phải hay không? Đây là những câu hỏi bạn nên có câu trả lời rõ ràng trước khi đưa ra quyết định rời đi hay ở lại.
Bài viết liên quan: Nghề hay nghiệp #1: 3 yếu tố để đưa ra lựa chọn giữa hai lời mời làm việc
“Nghề hay nghiệp” là chuỗi bài do ProFin thực hiện với mong muốn cung cấp góc nhìn mới, kiến thức hữu ích cho các bạn sinh viên, người mới đi làm hoặc bất kỳ ai đang quan tâm đến việc định hướng và phát triển bản thân trong dài hạn. Qua chuỗi bài viết, ProFin hy vọng bạn có thể quyết định được những công việc hàng ngày đang làm là “nghề” hay “nghiệp”, để từ đó lựa chọn cho mình hướng đi đúng đắn và khôn ngoan nhất.
- Theo:
- An Nguyễn
- Nguồn:
- ProFin