Quan điểm
Quản lý tài chính cá nhân #27: 7 cột mốc trên hành trình tự do tài chính và lời khuyên hữu ích từ các chuyên gia

Tự do tài chính là cụm từ phổ biến trong những năm gần đây. Tuy nhiên, bạn có biết rằng có đến 7 cột mốc trên con đường đi đến tự do tài chính hay không? Bạn đang ở giai đoạn nào trên đoạn đường này? Hãy cùng ProFin tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
**Lưu ý: bài viết này chỉ cung cấp kiến thức về tự do tài chính, không nhằm mục đích hướng dẫn hoặc khuyến khích người đọc đầu tư với bất cứ hình thức nào.
Tự do tài chính là gì?
Cục Bảo vệ tài chính người tiêu dùng Mỹ (Consumer Financial Protection Bureau, viết tắt: CFPB) định nghĩa tự do tài chính bao gồm 4 yếu tố sau:
- Không phải lo lắng về chi phí sinh hoạt hàng ngày hoặc hàng tháng.
- Có khả năng vượt qua giai đoạn khó khăn về mặt tài chính.
- Có kế hoạch rõ ràng để đạt được các mục tiêu tài chính.
- Có thể đưa ra những lựa chọn để tận hưởng cuộc sống trọn vẹn.
Theo trang Ramsey Solution (thuộc sở hữu của Dave Ramsey - Doanh nhân thành đạt người Mỹ và là tác giả sách bán chạy toàn cầu The Total Money Makeover), tự do tài chính đồng nghĩa với việc có thể làm công việc bạn thích, du lịch khắp nơi, thậm chí là nghỉ hưu sớm mà không cần lo lắng về “cơm-áo-gạo-tiền”.
Qua hai định nghĩa trên, có thể hiểu rằng nền tảng cơ bản của sự tự do tài chính là không có gánh nặng về mặt tiền bạc, bất kể thế giới ngoài kia đang biến động như thế nào. Nghe qua thật lý tưởng, liệu cột mốc này có thể hiện thực hóa hay không? Câu trả lời là có, nhưng không hề dễ dàng.
7 cột mốc đi đến tự do tài chính
Theo Grant Sabatier - Tỷ phú tự thân và tác giả của quyển sách bán chạy Financial Freedom, tự do tài chính là một lộ trình bao gồm 7 cấp độ như sau:
#1: Định hướng
Điều đầu tiên chính là có nhận thức rõ ràng tình hình tài chính của bản thân, đồng thời có mục tiêu rõ ràng. Mỗi người sẽ có tiềm năng tài chính và kế hoạch tương lai khác nhau, không có công thức nào dành cho tất cả. Grant Sabatier giải thích, bạn khó có thể đạt được điều mình muốn nếu như chưa rõ bản thân đang có những gì. Một trong các phương pháp hữu hiệu để đạt mục tiêu mà bạn có thể áp dụng chính là mô hình SMART.
Bài viết liên quan: Quản lý tài chính cá nhân #19: Làm thế nào thiết lập mục tiêu tài chính cá nhân với mô hình SMART?
#2: Tự lập
Đây là cột mốc mà nhiều người bị mắc kẹt lại trên hành trình đi đến tự do tài chính. Theo kết quả khảo sát từ Magnify Money, 50% người Mỹ đều sống dựa vào thu nhập hàng tháng hoặc vay nợ để trang trải chi phí sinh hoạt. Tại Việt Nam, hầu hết người trẻ sau khi tốt nghiệp Đại học đều bắt đầu tìm kiếm việc làm, tự mình lo liệu thay vì trông chờ vào sự giúp đỡ của bố mẹ như khi còn đi học.
Ở giai đoạn này, bạn cần học cách chi tiêu thông minh và tiết kiệm đều đặn hơn. Bên cạnh đó, hãy cẩn thận với các yếu tố tác động đến thói quen chi tiêu như: FOMO, lạm phát lối sống, hoặc mua sắm trả thù,...
Bài viết liên quan: Quản lý tài chính cá nhân #1: Đâu là nguyên nhân khiến bạn gặp khó khăn trong việc tiết kiệm?
#3: Tích lũy
Bước qua cột mốc này, bạn bắt đầu xây dựng quỹ tiết kiệm khẩn cấp, cũng như đầu tư để chuẩn bị cho nghỉ hưu.
Theo Sabatier, để vượt qua giai đoạn 2, không nhất thiết là phải có thu nhập cao hơn. Dựa trên kết quả khảo sát từ Magnify Money, 31% người Mỹ có mức lương hơn 100.000 USD vẫn sống theo kiểu ‘lương tháng nào dùng hết tháng đấy’. Do đó, yếu tố quan trọng chính là học cách chi tiêu hợp lý và tiết kiệm đều đặn.
#4: Ổn định
Những người đi đến giai đoạn này đã thanh toán hết các khoản nợ và có ít nhất 6 tháng chi phí sinh hoạt trong quỹ tiết kiệm khẩn cấp. Vào thời điểm này, bạn không cần phải lo lắng về tài chính khi có những biến động không quá lớn bất ngờ diễn ra, chẳng hạn như đột ngột chuyển nhà hoặc tìm việc mới,...
#5: Thoải mái
Với cột mốc thứ 5, bạn đã tích lũy được ít nhất 2 năm tiền sinh hoạt phí. Khi đó, bạn có thể làm những việc mình thích, tạm ngừng làm việc một thời gian nhất định để nghỉ ngơi mà không cần lo lắng quá nhiều về chi phí sinh hoạt.
Nguồn ảnh: Ronaldo Liu / Unsplash
#6: Độc lập tài chính
Cột mốc này còn được biết đến với cái tên FIRE (viết tắt từ Financial Independence & Retire Early, nghĩa tiếng Việt: độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm). Sabatier giải thích, những người đi đến giai đoạn này chủ yếu sống dựa vào nguồn thu nhập thụ động đến từ các khoản đầu tư của họ.
Sabatier nói thêm, một tín hiệu tích cực đó là ngày càng nhiều người trẻ ý thức được tầm quan trọng của tiết kiệm và đầu tư. Họ biết rằng khi đạt được độc lập tài chính, điều đó đồng nghĩa với việc có thể sống cuộc đời họ luôn ao ước.
#7: Tài sản dồi dào
Đây là cột mốc mà vị tỷ phú tự thân Grant Sabatier đã đạt được. Khi đã đến đây, tiền bạc không còn là mối bận tâm của bạn nữa. Những người ở cấp độ này có danh mục đầu tư đa dạng, vậy nên số tiền của họ sẽ tiếp tục tăng trưởng ngay cả khi lạm phát hoặc các yếu tố khác.
3 lời khuyên từ chuyên gia để đạt được tự do tài chính
#1: Hiểu đúng về tự do tài chính
Khái niệm về tự do tài chính và nghỉ hưu sớm bị không ít người hiểu sai. Thực chất, tự do tài chính không có nghĩa là không làm gì vẫn có tiền, nghỉ hưu sớm không phải là ngừng làm việc hoàn toàn. Nếu không hiểu đúng về nó, bạn sẽ khó lòng vạch ra một chiến lược đúng đắn và dài lâu.
Tiến sĩ Giáo dục Chi Nguyễn - Chủ kênh podcast The Present Writer đã có chia sẻ về 3 hiểu lầm phổ biến liên quan đến tự do tài chính và nghỉ hưu sớm tại đây. Ngoài ra, anh Nguyễn Ngọc Hiếu - chủ kênh YouTube về tài chính cá nhân đã đăng tải một video để giúp người xem có cái nhìn chính xác hơn về vấn đề này. Bạn có thể xem video đầy đủ được đính kèm ngay bên dưới:
Bài viết liên quan: Kiến thức tài chính #7: 3 kênh podcast đáng nghe về tài chính cá nhân và phát triển bản thân của các chuyên gia Việt Nam
#2: Đa dạng hóa thu nhập
Bên cạnh việc thiết lập thói quen chi tiêu khôn ngoan và tiết kiệm đều đặn, bạn cần nhiều hơn thế nữa. Dựa trên các cấp độ tự do tài chính phía trên, những người ở giai đoạn 6 và 7 hầu hết đều có nhiều nguồn thu khác nhau, chủ yếu đến từ thu nhập thụ động. Theo tác giả sách Rich Habits - Thói quen thành công của những triệu phú tự thân Thomas C. Corley, ông đã nghiên cứu thói quen của 233 triệu phú, trong đó có 177 triệu phú tự thân. Nhiều người trong số họ có từ 5 nguồn thu nhập trở lên.
Kevin Mahoney - Chuyên gia Hoạch định tài chính được chứng nhận cho biết, có nhiều nguồn thu nhập không chỉ giúp bạn tiến xa hơn trên hành trình tự do tài chính, đồng thời còn là khoản dự phòng cho những tình huống xấu bất ngờ diễn ra (chẳng hạn như lạm phát toàn cầu, dịch bệnh COVID-19 vừa qua,...).
Với tư cách một người đã đạt được cấp độ cao nhất của tự do tài chính, Grant Sabatier cho rằng “kỹ năng chính là tiền tệ của tương lai”. Theo anh, để đa dạng hóa nguồn thu nhập, đừng quên duy trì tinh thần học hỏi các kỹ năng mới mẻ, điều đó giúp bạn dễ tiếp cận các cơ hội tiềm năng trên thị trường. Kể từ sau đại dịch, việc nâng cao kiến thức thuận lợi hơn trước rất nhiều do sự phát triển của hàng loạt nền tảng học trực tuyến toàn cầu như Coursera, Udemy, edX,... Với các trang web này, bạn có thể tiết kiệm thời gian đi lại và chi phí mà vẫn tham gia được các khóa học bổ ích.
Bài viết liên quan: Ưu, nhược điểm của 4 nền tảng học trực tuyến: Coursera, Udemy, edX, Future Learn.
Nguồn ảnh: Business Insider
#3: Tránh rơi vào cảnh nợ nần ngập đầu
Nợ nần chính là rào cản lớn nhất để đi đến tự do tài chính, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn nên bỏ cuộc. Tiffany Aliche - Chuyên gia Giáo dục Tài chính nổi tiếng tại Mỹ từng chia sẻ với trang CNBC Select rằng trước đây cô đã từng chật vật với khoản nợ lên đến 87.000 USD. Vào thời điểm đó, Aliche đã quyết tâm phải đạt được tự do tài chính. Cô nói thêm, nếu chỉ muốn trả hết nợ thì bạn chỉ có thế thôi, nhưng khi tập trung vào việc phát triển sự giàu có, bạn sẽ có động lực lớn hơn thế nhiều: hướng đến cuộc sống thoải mái về mặt tài chính và sự tự do làm điều mình muốn.
Tương tự như Aliche, Tiến sĩ Giáo dục Chi Nguyễn cũng đã nhiều lần chia sẻ trên podcast về việc đặt ra mục tiêu độc lập tài chính khi gặp khó khăn về tiền bạc trong lúc làm nghiên cứu sinh tại Mỹ. Ngay cả khi tình hình dần ổn định hơn, chị vẫn tiếp tục lấy đó làm động lực để vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, đồng thời nỗ lực để gặt hái những thành tựu tiếp theo trong sự nghiệp.
Tiffany Aliche nói thêm, đừng nản lòng khi đang trong tình trạng mắc nợ, vì ngay lúc này có hàng triệu người đang trải qua điều đó giống bạn. Do vậy, bạn không nên tự trách hoặc dằn vặt bản thân mà hãy tập trung vào giải pháp xử lý nợ nhanh chóng. Bạn có thể tham khảo hai phương pháp hữu ích do Dave Ramsey đặt ra, cả hai chiến lược này được đánh giá cao bởi sự đơn giản và dễ áp dụng vào thực tế.
Bài viết liên quan: Quản lý tài chính cá nhân #3: Giải quyết nợ hiệu quả bằng 2 chiến lược “quả cầu tuyết” và “tuyết lở” của Dave Ramsey
- Theo:
- Đại Phong
- Nguồn:
- ProFin