Profin

Quan điểm

Quản lý tài chính cá nhân #29: Hiệu ứng son môi - Vì sao người ta vẫn mua sắm các mặt hàng xa xỉ, ngay cả khi lạm phát tăng cao?

Quản lý tài chính cá nhân #29: Hiệu ứng son môi - Vì sao người ta vẫn mua sắm các mặt hàng xa xỉ, ngay cả khi lạm phát tăng cao?

Lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng mạnh tay cắt giảm chi tiêu, dẫn đến nhiều ngành hàng sụt giảm doanh thu trầm trọng. Dẫu vậy, một vài mặt hàng không thiết yếu như nước hoa, nến thơm,... vẫn duy trì được doanh số ổn định. Priya Raghubir - Giáo sư chuyên ngành Marketing của trường Kinh doanh NYU Stern cho biết, hiện tượng này được gọi là ‘hiệu ứng son môi’ (lipstick effect).

Hiệu ứng son môi là gì?

Hiệu ứng son môi (lipstick effect) là hiện tượng người tiêu dùng vẫn chi tiêu vào những mặt hàng không thiết yếu có giá thành không quá đắt đỏ, chẳng hạn như son môi hoặc nến thơm, bất chấp hoàn cảnh kinh tế suy thoái hoặc gặp khó khăn về tài chính.

Cụm từ này xuất hiện lần đầu vào năm 2008 - thời điểm bức tranh kinh tế toàn cầu vô cùng xám xịt. Vậy mà vào lúc bấy giờ, thương hiệu mỹ phẩm L’Oreal bất ngờ đạt được mức tăng trưởng 5%. Cũng trong năm đó, The New York Times phát hành bài báo có tên “Hard Times, but Your Lips Look Great” (tạm dịch: Dù trong giai đoạn khó khăn, nhưng đôi môi bạn trông rất tuyệt vời) để giải thích kỹ hơn về hiệu ứng này. Theo đó, vào những năm 2001 - khi nền kinh tế suy thoái, Leonard Lauder - Chủ tịch của thương hiệu Estée Lauder bỗng nhận ra công ty bán được nhiều son môi hơn bình thường. Ông nhận định, khi tình hình tài chính không ổn định, phụ nữ thường có xu hướng mua sắm son môi giá thấp để cải thiện tâm trạng thay vì những đôi dép có giá lên đến 500 USD.

Nguyên nhân dẫn đến hiệu ứng son môi

Theo CNN đưa tin, dù trong thời kỳ lạm phát tăng cao, một bộ phận người tiêu dùng vẫn sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền nhỏ cho những thú vui không quá đắt đỏ. Bằng chứng là doanh thu quý II/2022 của thương hiệu Bath & Body Works (chủ yếu kinh doanh nước hoa, nến thơm, kem dưỡng da,...) thậm chí cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Vậy nguyên nhân gì dẫn đến hiện tượng này?

Đầu tiên, đó chính là thói quen “mua sắm trị liệu” (retail therapy): đây là một hình thức giải tỏa căng thẳng bằng cách mua sắm. Trong thời điểm lạm phát tăng cao, dịch bệnh chỉ vừa mới kết thúc, người tiêu dùng buộc phải thắt chặt chi tiêu hơn. Dẫu vậy, không ít người vẫn giữ thói quen tiết kiệm một khoản tiền nhỏ hàng tháng để mua sắm vài hàng hóa “xa xỉ có giá phải chăng” (affordable luxury) để chăm sóc bản thân, đồng thời cải thiện tâm trạng sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Nguyên nhân tiếp theo được cho là hiện tượng “mua sắm trả thù”: đây là hành động hành động tiêu tiền thả ga sau một thời gian không được chi tiêu thoải mái. Theo trang báo điện tử Global Times, sau khi dịch bệnh ổn định hơn, các cửa hàng bán đồ xa xỉ ở nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc đã ghi nhận doanh số bán hàng kỷ lục, bao gồm hình thức bán trực tuyến lẫn trực tiếp. Nhiều quốc gia châu Á khác cũng thế, theo trang Korea Times đưa tin, không ít người trẻ xứ sở kim chi tranh thủ mua sắm, du lịch mà họ không thể trải nghiệm do dịch bệnh.

Tại nhiều quốc gia châu Á, hàng loạt người trẻ đổ xô mua sắm sau chuỗi ngày giãn cách dai dẳng.

Nguồn ảnh: Green Queen

Tại Việt Nam, theo Zing đưa tin, dù đang trong thời kỳ bão giá, nhiều bạn trẻ vẫn ấp ủ ý định du lịch để giải tỏa sau thời gian dài hạn chế đi lại do COVID-19. Do vậy, các bạn trẻ quyết định tìm thêm công việc để gia tăng thu nhập, đồng thời học cách cân đối tài chính tiết kiệm chi phí hơn.

Hiệu ứng son môi tốt hay xấu?

Nhìn chung, hiệu ứng son môi không xấu cũng không tốt, thỉnh thoảng mua vài món đồ “xa xỉ có giá phải chăng” để cải thiện tâm trạng không có gì sai cả. Điều quan trọng hơn chính là kỹ năng quản lý tài chính cá nhân của mỗi người. Theo Ramsey Solutions - trang thông tin về tài chính cá nhân thuộc sở hữu của Dave Ramsey, trong kế hoạch ngân sách của mỗi người nên có một khoản dành riêng cho bản thân (mua sắm, tiện ích giải trí, tụ tập bạn bè,...). Điều này giúp bạn vừa duy trì được thói quen tiết kiệm, đồng thời giảm đi sự căng thẳng và bức bối về khía cạnh tài chính.

Bài viết liên quan: Bạn có biết: Thường xuyên căng thẳng về vấn đề tài chính có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần?

Tuy nhiên, bạn cần phải cẩn thận để không rơi vào tình trạng mua sắm vô tội vạ. Theo Matt Dworetsky - Chuyên gia lập kế hoạch hưu trí và Người sáng lập của Dworetsky Financial, bạn có thể thiết lập lệnh gửi tự động hàng tháng đối với các khoản này, con số bao nhiêu sẽ tùy thuộc vào tình hình tài chính và nhu cầu của mỗi cá nhân. Để dễ dàng phân bổ ngân sách, có rất nhiều công thức trên thị trường để bạn áp dụng. Một trong các phương pháp phổ biến nhất chính là quy tắc 50/30/20, được khuyên dùng bởi Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Elizabeth Warren, lần đầu xuất hiện trong quyển sách All Your Worth: The Ultimate Lifetime Money Plan do bà là tác giả. Theo quy tắc này, hàng tháng bạn sẽ trích 30% thu nhập cho các nhu cầu cá nhân (bao gồm giải trí, mua sắm, đi chơi,...) mà vẫn có thể trang trải chi phí sinh hoạt cố định, đồng thời vẫn tiết kiệm được cho tương lai. Bạn có xem hình ảnh ví dụ dưới đây để dễ hiểu hơn.

Nguồn ảnh: ProFin

Bài viết liên quan: Quản lý tài chính cá nhân #2: 3 phương pháp quản lý ngân sách được đề xuất bởi các chuyên gia hàng đầu thế giới

Không chỉ vậy, thiết lập ngân sách cho những nhu cầu giải trí giúp việc quản lý chi tiêu trở nên dễ chịu hơn. Bạn vừa có thể tận hưởng cuộc sống trong khả năng tài chính cho phép, đồng thời vẫn tiết kiệm được cho các mục tiêu dài hạn trong tương lai.


Theo:
An Nguyễn
Nguồn:
ProFin

Bạn có thể quan tâm