Profin

Quan điểm

Nghề hay nghiệp #7: Nên duy trì mối quan hệ như thế nào với đồng nghiệp và cấp trên?

Nghề hay nghiệp #7: Nên duy trì mối quan hệ như thế nào với đồng nghiệp và cấp trên?

Hầu hết chúng ta đều dành nhiều thời gian nhất ở văn phòng, nên mong muốn được kết nối là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không giống như gia đình hoặc bạn bè, môi trường làm việc vốn đòi hỏi sự chuyên nghiệp. Sau đây là những vấn đề bạn nên chú ý khi xây dựng các mối quan hệ công sở để không ảnh hưởng đến công việc, và lời khuyên hữu ích từ các chuyên gia.

Có nên thân thiết với đồng nghiệp?

Ngày nay, trong môi trường vốn áp lực và nặng nề, mọi chuyện sẽ tốt hơn nếu bạn có một đồng nghiệp thân thiết để hàn huyên về công việc. Ở phương Tây, cụm từ work spouse (tạm dịch: vợ/chồng nơi làm việc) dùng để nói về tình bạn khắng khít chốn văn phòng. Work spouse được coi là một đồng nghiệp (cùng hoặc khác giới) có sự gắn kết sâu sắc hơn so với các cộng sự khác. Cần lưu ý là cụm từ này nói về tình bạn đơn thuần, không liên quan đến tình yêu đôi lứa hoặc thị phi tình ái.

Theo khảo sát được thực hiện bởi công ty truyền thông Captivate, 75% cho biết họ đã từng có hoặc đang có một work spouse. Tại Việt Nam, dù không có khảo sát cụ thể, song điều này cũng rất phổ biến tại nhiều công ty. Các nhân viên cùng nhau đặt đồ ăn trưa, hoặc tụ tập với nhau sau giờ làm là một hình ảnh rất quen thuộc, có thể thấy ở bất cứ đâu. Theo bài viết phân tích trên Harvard Business Review, có một work spouse giúp năng suất làm việc được cải thiện. Những người tham gia khảo sát trên cho biết, họ có thể tâm sự về các khó khăn và tìm kiếm lời khuyên, không chỉ đối với khía cạnh công việc mà còn về phương diện tình cảm hoặc đời sống cá nhân.

Work spouse là một người đồng nghiệp thân thiết cùng giới hoặc khác giới.

Nguồn ảnh: Getty Images

Dù vậy, có không ít vấn đề phức tạp nên cẩn trọng, đặc biệt khi có mâu thuẫn phát sinh. Theo lời khuyên của Samantha Ettus - Chuyên gia Tư vấn về cân bằng cuộc sống và công việc, bạn nên nhận thức được về vấn đề lan truyền tin đồn chốn công sở. Ví dụ, trong trường hợp work spouse của bạn là đối tượng khác giới, cả hai có thể khiến một số đối tượng hoài nghi và bắt đầu loan tin khắp nơi rằng hai người đang có mối quan hệ “mập mờ”. Không chỉ thế, nếu sự kết nối với work spouse có tác động tiêu cực đối với công việc và những liên kết bên ngoài công ty, đã đến lúc đặt ra giới hạn. Đặc biệt là khi sự ghen tị và cạnh tranh bắt đầu xuất hiện, hoặc người yêu của cả hai bắt đầu hoài nghi về mối quan hệ work spouse này.

Nhà tâm lý học Amy Di Francia cho biết, đối với bất cứ kết nối thân thiết nào, điều quan trọng là đảm bảo mối quan hệ đó không trở nên độc hại. Cô nói thêm, bạn nên gắn kết với một người thật sự quan tâm bạn, vui vẻ khi bạn đạt được thành công, thay vì âm thầm ganh ghét và đố kỵ. Ngoài ra, hãy luôn ghi nhớ rằng việc duy trì một tình bạn thân thiết chốn công sở có thể khá rủi ro, vì môi trường làm việc phức tạp và có nhiều rắc rối tiềm ẩn. Nếu may mắn gặp đúng người, bạn sẽ có một đồng nghiệp có thể cùng nhau chia sẻ về áp lực công việc, đồng thời tạo động lực cho nhau để làm việc hiệu quả hơn.

Ứng xử với cấp trên như thế nào cho phù hợp?

Đối với nhân viên, người quản lý trực tiếp có vai trò rất quan trọng trên chặng đường thăng tiến. Khi được cấp trên nhận ra năng lực, phẩm chất tốt đẹp và tiềm năng phát triển dài lâu; con đường sự nghiệp sẽ ngày càng thuận lợi.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới phức tạp gấp nhiều lần so với giữa đồng nghiệp với nhau. Do vai trò của cả hai có sự chênh lệch khá lớn, sẽ có rất nhiều rào cản vô hình xuất hiện. Theo gợi ý từ Brian Dechesare - Nhà sáng lập nền tảng đào tạo chuyên ngành Tài chính Breaking Into Wall Street, điều quan trọng nhất cần nhớ chính là thiết lập ranh giới rõ ràng và lành mạnh. Bạn không nên đối xử với cấp trên giống như đồng nghiệp thân thiết, hoặc các kết nối bạn bè bên ngoài công ty. Bạn nên cẩn trọng hơn trong cách hành xử và lời ăn tiếng nói, tránh để phát sinh bất cứ điều gì ảnh hưởng tiêu cực đến cái nhìn của cấp trên về bạn.

Xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp và cấp trên phức tạp hơn rất nhiều so với các kết nối bên ngoài công ty.

Nguồn ảnh: Mimi Thian / Unsplash

Dưới đây chính là một vài cách xây dựng mối quan hệ chuyên nghiệp và lành mạnh với cấp trên, theo gợi ý từ các chuyên gia:

#1: Nắm rõ cách thức giao tiếp phù hợp

Sandy Mazur - Quản lý bộ phận tại công ty tuyển dụng nhân sự Spherion cho biết, bạn cần tìm hiểu xem người quản lý trực tiếp ưa chuộng phong cách giao tiếp khi làm việc ra sao, bước tiếp theo chính là học cách thích nghi. Ví dụ: Khi báo cáo về một dự án, cấp trên của bạn muốn được trình bày ngắn gọn với vài dòng tin nhắn hay là một email trình bày cụ thể và rõ ràng? Khi nắm được thói quen giao tiếp của họ, quy trình làm việc sẽ thuận lợi hơn, đồng thời mối quan hệ giữa cả hai sẽ được cải thiện đáng kể theo chiều hướng tích cực.

#2: Xin lời khuyên và sự giúp đỡ

Theo chia sẻ từ Teri Hockett - Giám đốc Phát triển Kinh doanh tại Code Fellows, mọi người đều thích được nhìn nhận như chuyên gia về một lĩnh vực nhất định. Do đó, hãy thường xuyên hỏi về sự giúp đỡ và lời khuyên từ cấp trên. Cần lưu ý là đừng hỏi về các vấn đề quá nhỏ nhặt. Hãy nhờ họ đưa ra giải đáp cho những vướng mắc có liên quan đến một dự án khó nhằn, hoặc giải thích một vấn đề chuyên sâu trong ngành. Hành động này sẽ được đánh giá cao vì chứng tỏ rằng bạn coi trọng ý kiến của cấp trên.

#3: Hãy cởi mở khi gặp khó khăn và hạn chế ‘tám chuyện’ thị phi

Joyce Maroney - Giám đốc cấp cao về Trải nghiệm khách hàng và Tiếp thị dịch vụ cho Kronos cho biết, mọi hành vi của bạn đều ảnh hưởng đến cái nhìn của cấp trên về bạn. Vì thế, bạn nên hạn chế ‘tám chuyện’ ngoài lề với cấp trên, đặc biệt là các chủ đề nhạy cảm như chính trị hoặc đời tư đồng nghiệp trong công ty.

Theo bài viết phân tích từ trang tuyển dụng toàn cầu The Muse, đừng ngại cởi mở và chân thành với cấp trên khi đang gặp khó khăn. Chẳng hạn như cha mẹ đột nhiên ngã bệnh cần bạn ở nhà để chăm sóc, hãy trao đổi thẳng thắn với cấp trên để tìm ra giải pháp phù hợp nhất. Đừng giấu giếm và để ảnh hưởng đến chất lượng công việc và đồng nghiệp. Điều đó sẽ ảnh hưởng xấu đến với mối quan hệ trong công sở.

Kết luận: Hãy ghi nhớ rằng, có nhiều yếu tố cần chú ý khi xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp và cấp trên. Không giống như những kết nối bên ngoài công việc, bạn cần xây dựng lòng tin bằng cách tập trung làm việc, cải thiện kỹ năng giao tiếp rõ ràng và rành mạch. Đồng thời, bạn nên học cách tôn trọng ranh giới của nhau, để hạn chế rơi vào vòng xoáy thị phi nơi công sở.

“Nghề hay nghiệp” là chuỗi bài do ProFin thực hiện với mong muốn cung cấp góc nhìn mới, kiến thức hữu ích cho các bạn sinh viên, người mới đi làm hoặc bất kỳ ai đang quan tâm đến việc định hướng và phát triển bản thân trong dài hạn. Qua chuỗi bài viết, ProFin hy vọng bạn có thể quyết định được những công việc hàng ngày đang làm là “nghề” hay “nghiệp”, để từ đó lựa chọn cho mình hướng đi đúng đắn và khôn ngoan nhất.


Theo:
An Nguyễn
Nguồn:
ProFin

Bạn có thể quan tâm