Profin

Quan điểm

Nghề hay nghiệp #8: Để thành công và hạnh phúc, theo đuổi đam mê có phải là lời khuyên đúng đắn?

Nghề hay nghiệp #8: Để thành công và hạnh phúc, theo đuổi đam mê có phải là lời khuyên đúng đắn?

Câu nói “Hãy theo đuổi đam mê của bạn” (Follow your passion) đã rất phổ biến kể từ những năm đầu thập niên 90. Cho đến ngày nay, vẫn có rất nhiều quan điểm trái chiều xoay quanh vấn đề này. Không ít người cho rằng, chỉ có đam mê thôi thì chưa đủ để kiếm ra tiền. Một số khác lại nói: nếu làm việc mà không có đam mê sẽ khó có thể thành công vì thiếu động lực cố gắng. Hãy cùng ProFin đào sâu hơn về vấn đề này ở bài viết dưới đây.

Steve Jobs - một cái tên quá quen thuộc cho hình mẫu theo đuổi đam mê. Tại buổi khai giảng của trường Đại học Stanford vào năm 2005, Người sáng lập Apple đã phát biểu rằng: “You've got to find what you love" (tạm dịch: Bạn phải tìm ra điều bản thân yêu thích). Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có câu nói với ý nghĩa tương tự: “Without passion, you don’t have energy, without energy you have nothing.” (tạm dịch: Không có đam mê, bạn sẽ không có nghị lực, không có nghị lực thì bạn không có gì cả). Ngoài ra, vô số những người thành công khác khuyến khích rằng bạn phải theo đuổi đam mê thì mới có thể đạt được thành công. Dù vậy, lời khuyên này không dành cho tất cả mọi người.

Thực chất, đam mê không phải thứ dễ dàng tìm thấy. Theo quan điểm của một bài viết đăng trên Entrepreneur: bạn có thể gặp khó khăn trong việc xác định đam mê. Một cá nhân có thể có nhiều sở thích khác nhau, hoặc không hứng thú với bất kỳ lĩnh vực nào. Những người ở như vậy nhiều hơn hẳn vài cá nhân vốn đã có đam mê từ rất sớm.

Đam mê không phải thứ dễ dàng tìm kiếm và không phải ai sinh ra cũng có sẵn.

Nguồn ảnh: Csaba Balazs / Unsplash

Do sự phát triển của truyền thông và mạng internet, thành kiến sống sót lan rộng hơn, góp phần khiến quan điểm “chạy theo đam mê” ngày càng thịnh hành. Từ đó, chúng ta thường xuyên nhìn thấy số ít đại diện thành công và giàu có nhờ theo đuổi đam mê, mà quên mất rất có nhiều yếu tố tiềm ẩn khác như: hoàn cảnh trưởng thành, trình độ giáo dục, bối cảnh kinh tế - xã hội và nhu cầu thị trường lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, họ còn biết nắm bắt cơ hội đúng lúc, đồng thời may mắn được quý nhân giúp đỡ.

Một kết luận khá thú vị đến từ nghiên cứu của Đại học Stanford: những ai nghe theo lời khuyên theo đuổi đam mê thì ít có cơ hội đạt được thành tựu. Nguyên nhân vì lời khuyên này thiếu tính thực tế và đơn giản hóa quá trình đi đến thành công. Tỷ phú Mark Cuban - người sở hữu đội bóng Dallas Mavericks đã từng lên tiếng phản đối quan điểm này. Theo ông, hãy dành nhiều thời gian và công sức vào những gì bạn thật sự giỏi. Ông nói thêm, khi đã giỏi một thứ gì đó, bạn sẽ chẳng bao giờ muốn bỏ cuộc, vì hầu hết mọi người đều thích tận hưởng cảm giác bản thân vượt trội ở một lĩnh vực nào đó. Để thật sự xuất sắc ở một mảng nào đó, bạn cần có sự nỗ lực. Theo Cuban, điều duy nhất trong cuộc sống bạn có thể kiểm soát chính là sự nỗ lực của bản thân.

Không chỉ thiếu thực tế, đam mê là thứ có thể thay đổi theo thời gian. Không gì có thể đảm bảo niềm yêu thích vào những năm 20 tuổi sẽ kéo dài đến khi bước vào tuổi 40. Theo gợi ý từ Amy Blaschka - cây bút nổi bật trên Forbes, điều tốt nhất bạn nên làm chính là duy trì tinh thần ham học hỏi. Bởi vì đam mê không hẳn lúc nào cũng đi đôi với kỹ năng, mà chỉ có niềm yêu thích thì chưa đủ để thu được thành quả. Trong khi đó, nếu luôn nhìn mọi thứ bằng con mắt tò mò và ham học hỏi, bạn có thể khám phá ra bản thân có tiềm năng ở một lĩnh vực mới mẻ - điều mà trước đây bạn hoàn toàn không ngờ đến.

Làm gì khi bạn không có đam mê? Chẳng sao cả, hãy đặt ra mục tiêu và duy trì tinh thần ham học hỏi.

Nguồn ảnh: ConvertKit / Unsplash

Như vậy, hãy theo đuổi đam mê là lời khuyên đúng hay sai? Câu trả lời tùy thuộc vào mỗi người, không có đáp án dành cho tất cả. Nếu đam mê của bạn đáp ứng được những yếu tố khác như năng lực bản thân, nhu cầu thị trường, tiềm lực tài chính,... thì bạn nên cho bản thân cơ hội để hiện thực hóa điều đó. Ngược lại, trong trường hợp có quá nhiều trở ngại, bạn nên cân nhắc kỹ càng hơn trước khi đưa ra quyết định.

Nếu như bạn không có bất cứ đam mê gì thì sao? Theo nghiên cứu của Giáo sư Jon Jachimowicz đăng tải trên Harvard Business Review, bạn nên theo đuổi một mục tiêu rõ ràng. Thay vì mất thời gian tìm hiểu đam mê đang ẩn giấu nơi nào, hãy tự hỏi bản thân thật sự quan tâm đến lĩnh vực nào, điều gì là quan trọng nhất với bạn. Từ đó, bạn sẽ nhận ra bản thân nên làm gì để đạt được mục tiêu. Giáo sư nói thêm, dựa trên nhiều kết quả nghiên cứu khác, khi có một mục đích cụ thể, những nhân viên không chỉ có hiệu suất làm việc tốt, mà còn có khả năng kiên trì để đối mặt với nghịch cảnh.

Bài viết liên quan: Nghề hay nghiệp #3: Làm thế nào áp dụng bảng phân tích SWOT để vạch ra hướng đi mới cho sự nghiệp?

“Nghề hay nghiệp” là chuỗi bài do ProFin thực hiện với mong muốn cung cấp góc nhìn mới, kiến thức hữu ích cho các bạn sinh viên, người mới đi làm hoặc bất kỳ ai đang quan tâm đến việc định hướng và phát triển bản thân trong dài hạn. Qua chuỗi bài viết, ProFin hy vọng bạn có thể quyết định được những công việc hàng ngày đang làm là “nghề” hay “nghiệp”, để từ đó lựa chọn cho mình hướng đi đúng đắn và khôn ngoan nhất.


Theo:
Nguyên Nguyễn
Nguồn:
ProFin

Bạn có thể quan tâm