Profin

Quan điểm

Quản lý tài chính cá nhân #32: Chủ nghĩa tiêu dùng phô trương - Xu hướng mua sắm sẽ phổ biến tại Việt Nam trong thời gian tới?

Quản lý tài chính cá nhân #32: Chủ nghĩa tiêu dùng phô trương - Xu hướng mua sắm sẽ phổ biến tại Việt Nam trong thời gian tới?

Theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới (World Bank), đến năm 2045 sẽ có 52 triệu người Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu, tương đương với một nửa dân số Việt Nam. Mức tăng rất nhanh này cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ. Điều này cũng dẫn đến sự thay đổi về thói quen chi tiêu, thúc đẩy sự bùng nổ của chủ nghĩa tiêu dùng phô trương tại Việt Nam trong những năm tới.

Tiêu dùng phô trương là gì?

Theo Investopedia, tiêu dùng phô trương (tiếng Anh: Conspicuous consumption) là hành động mua sắm những mặt hàng xa xỉ nhằm thể hiện sự giàu có và địa vị xã hội. Đáng chú ý hơn, không chỉ những người thật sự giàu có mới tiêu dùng phô trương, mà có thể xuất hiện ở bất cứ tầng lớp nào trong xã hội.

Thuật ngữ này xuất hiện vào năm 1889, trong quyển sách The Theory of the Leisure Class, được chắp bút bởi Thorstein Veblen - Nhà Kinh tế học và Xã hội học người Mỹ. Xu hướng tiêu dùng phô trương này bắt đầu nở rộ vào giai đoạn thế kỷ 18 - 19, giới trung lưu sẵn sàng bỏ tiền vào những loại hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, không cần thiết để phô bày sự giàu có của bản thân.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay, những mặt hàng được cho là biểu tượng của sự giàu có thể kể đến các thiết bị công nghệ (điện thoại thông minh, máy tính xách tay, đồng hồ thông minh,...), quần áo - mỹ phẩm từ các thương hiệu cao cấp, xe ô tô, bất động sản,...

Xu hướng tiêu dùng phô trương tại Việt Nam

Theo thống kê từ Tổ chức Phi chính phủ World Data Lab, Việt Nam đang đứng thứ 7 toàn cầu về tốc độ gia tăng tầng lớp trung lưu trong 10 năm tới, tương đương với 23,2 triệu người.

Nguồn ảnh: Zing News

Tuy nhiên, làm thế nào để xác định được một cá nhân có thuộc nhóm trung lưu hay không? Dưới đây là hai tiêu chí bạn có thể tham khảo:

  • Mức chi tiêu trên 15 USD/ngày (tương đương với 350.000 VNĐ), theo Ngân hàng Thế giới (World Bank).

  • Mức chi tiêu từ 11 - 110 USD/ngày (tương đương với 256.000 - 2.567.000 VNĐ), theo Tổ chức Phi chính phủ World Data Lab.

Như vậy, khi có mức thu nhập cao và không cần lo nghĩ quá nhiều về chi phí sinh hoạt hàng ngày, nhóm này sẽ chi tiêu nhiều hơn cho bất động sản, xe ô tô, dịch vụ chăm sóc sức khỏe - sắc đẹp. Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu gia tăng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho xã hội, chẳng hạn như: thúc đẩy kinh tế - văn hóa phát triển, tạo thêm cơ hội việc làm cho nhóm lao động thu nhập thấp.

Một dấu hiệu rõ nhất trong những năm gần đây là các dự án bất động sản cao cấp xuất hiện ngày càng nhiều. Các căn hộ cao cấp được săn đón hiện nay đều sở hữu không gian rộng rãi, gần gũi với thiên nhiên, và đầy đủ tiện nghi (giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khỏe - sắc đẹp, giáo dục,...).

Tiêu dùng phô trương tốt hay xấu?

Nhìn chung, xu hướng tiêu dùng phô trương không hẳn là một dấu hiệu tiêu cực. Đối với những người có điều kiện tài chính vững vàng, việc ưu tiên cải thiện chất lượng cuộc sống là nhu cầu hiển nhiên. Tuy nhiên, đối với những người không đủ điều kiện tài chính, việc mua sắm xa xỉ để khẳng định giá trị bản thân thì hại nhiều hơn là lợi. Nếu không có điều kiện về mặt tiền bạc, vì sao họ theo đuổi chủ nghĩa tiêu dùng phô trương?

Nguyên nhân lớn nhất là hội chứng FOMO (Fear Of Missing Out), xuất hiện bởi sự phát triển của mạng xã hội và truyền thông. Con người thường có xu hướng nhìn vào người khác để xác định giá trị của bản thân. Trong khi đó, mạng xã hội là nơi để mọi người đăng tải những hình ảnh hoàn hảo quá mức. Điều đó vô tình khiến một số bộ phận còn lại cảm thấy tự ti và lo lắng, từ đó không ngừng mua sắm để chứng tỏ cuộc sống của mình không thua kém bất cứ ai. Chưa kể với sự xuất hiện của thẻ tín dụng, ví điện tử và hình thức BNPL (Buy Now, Pay Later; tạm dịch: mua trước, trả sau), người trẻ càng dễ bị cuốn vào vòng xoáy tiêu dùng và nợ nần.

Bài viết liên quan: Quản lý tài chính cá nhân #13: Cẩn thận rơi vào bẫy tiêu dùng khi sử dụng thẻ tín dụng và dịch vụ “mua trước, trả sau” (BNPL)

Sự bùng nổ của mạng xã hội khiến ngày càng nhiều người mắc phải hội chứng FOMO và bị cuốn vào vòng xoáy tiêu dùng phô trương.

Nguồn ảnh: Pixabay

Để tránh rơi vào xu hướng tiêu dùng phô trương, bạn nên có kế hoạch chi tiêu rõ ràng. Bạn không nhất thiết phải theo sát chi tiêu một cách quá chi tiết, bạn chỉ cần chia ra thành các khoản: chi tiêu thiết yếu, chi tiêu cá nhân, các khoản tiết kiệm hoặc đầu tư cho tương lai theo tỷ lệ 50/30/20 chẳng hạn. Ngoài ra, có một số quy tắc quản lý tài chính cá nhân khác bạn có thể tham khảo tại bài viết dưới đây.

Ngoài ra, đừng quên tự nhắc nhở bản thân giá trị của một người không hoàn toàn nằm ở những thứ liên quan đến vật chất. Việc cố gắng chạy theo những mặt hàng xa xỉ nằm ngoài khả năng tài chính chỉ khiến bạn ngày càng lún sâu vào nợ nần, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.

Bài viết liên quan: Bạn có biết: Thường xuyên căng thẳng về vấn đề tài chính có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần?


Theo:
An Nguyễn
Nguồn:
ProFin tổng hợp

Bạn có thể quan tâm