
Cùng ProFin điểm lại những tin tức kinh tế - tài chính nổi bật trong tuần 29/2022.
6,3%
Là dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022, theo báo cáo do Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) thực hiện.
AMRO dự báo tăng trưởng khu vực ASEAN năm 2022 ở mức 5,1% và lạm phát ở mức 6,2% (dự báo vào tháng 4/2022 là 4,1%). Theo báo cáo, vào năm 2023, tình hình được kỳ vọng tốt hơn với mức tăng trưởng 5,2% và tỷ lệ kiểm soát lạm phát ở mức 3,2%. Nguyên nhân do chính sách thắt chặt tiền tệ các nước trong khu vực có hiệu quả, đồng thời đại dịch có dấu hiệu thuyên giảm.
Trong lần dự báo này, mức tăng trưởng của Việt Nam là 6,3%, mức dự báo cao thứ hai trong khu vực ASEAN, chỉ đứng sau Philippines (6,9%). Cho đến năm 2023, mức tăng trưởng dự báo của Việt Nam là 6,5%, mức dự báo cao nhất trong khu vực, bằng với Philippines. Các quốc gia khác thuộc ASEAN như Malaysia, Indonesia, Singapore và Thái Lan được dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt 6%, 5,1%, 3,9% và 3,2%.
Nguồn: Tổ Quốc
23 tỷ USD
Là kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may từ đầu năm đến nay, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Được biết, toàn ngành dệt may năm nay đặt mục tiêu đạt giá trị xuất khẩu là 43,5 tỷ USD. Tuy nhiên, tình hình COVID-19 tái bùng phát tại Trung Quốc, Nhật Bản,... đã ảnh hưởng không ít đến chuỗi cung ứng, nguyên - phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.
Ngoài ra, lạm phát tăng cao cũng như tình trạng thiếu lao động sau đại dịch, bất lợi về tỷ giá với đối thủ cạnh tranh, và yêu cầu truy xuất nguồn gốc từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may trong nước đang phải đối mặt.
Để ổn định sản xuất và hướng tới mục tiêu bền vững trong tương lai, các công ty dệt may cần bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư thiết bị hiện đại, sẵn sàng cho chuyển đổi xanh theo yêu cầu của nhãn hàng, chú trọng xây dựng và đào tạo nhân lực chuyên môn cao.
Nguồn: VTV
79%
Là tỷ lệ người lao động nước ngoài cho biết họ không có áp lực về tiền bạc khi sống và làm việc tại Việt Nam, theo báo cáo Expat Insider 2022 Ranking do InterNations thực hiện.
Được biết, InterNations là cộng đồng người lao động làm việc tại nước ngoài với hơn 4,5 triệu thành viên từ 420 thành phố lớn trên toàn cầu. Theo báo cáo Expat Insider 2022 Ranking, Việt Nam xếp hạng 7 trong số 10 địa điểm tốt nhất cho người nước ngoài đến làm việc và xếp thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á, xếp sau Indonesia.
Cũng theo khảo sát này, 21% lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc ở lĩnh vực giáo dục và 15% trong lĩnh vực sản xuất và kỹ sư. 68% lao động cho biết họ nhận được mức lương hợp lý, 80% hài lòng về chi phí sống tại Việt Nam. Dẫu vậy, có một số khó khăn đối với người lao động ngoại quốc: 80% cho rằng Tiếng Việt rất khó học, 64% không hài lòng với chất lượng không khí tại Việt Nam.
Trước đó, vào năm 2021, theo báo cáo Expat City Ranking 2021 do InterNations thực hiện, TP.HCM được xếp hạng 6/10 thành phố tốt nhất cho người nước ngoài sinh sống, xếp thứ 3 Đông Nam Á sau Kuala Lumpur và Singapore.
Nguồn: Tổ Quốc
5.696 tỷ đồng
Là mức doanh thu thuần trong năm 2021 của công ty Shopee Việt Nam, gấp gần 2,5 lần so với con số 2.307 tỷ đồng năm 2020 và gấp 7 lần năm 2019. Tuy doanh thu tăng mạnh qua các năng nhưng điểm đặc biệt là công ty vẫn chưa có lãi. Cụ thể từ năm 2019 đến 2021 công ty đều ghi nhận các khoản lỗ lần lượt là 2.411 tỷ đồng, 1.610 tỷ đồng và 772 tỷ đồng. Số lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2021 lên gần 7.500 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2021 âm 2.235 tỷ đồng.
Các khoản lỗ chủ yếu đến từ chi phí bán hàng cao gấp nhiều lần so với lợi nhuận gộp. Đây cũng là đặc thù của ngành thương mại điện tử với đặc thù đốt tiền để chiếm thị phần.
Nguồn: Người Đồng Hành
Nguồn ảnh: Retail in Asia
600 triệu USD
Tập đoàn Masan vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc ký kết hợp đồng tín dụng với tổng giá trị tối đa 600 triệu USD, các đối tác cho vay gồm BNP Paribas, Credit Suisse, Standard Chartered Bank, HSBC và các bên khác (nếu có).
Cụ thể, tổng số tiền vay tối đa ban đầu của Masan là 205 triệu USD, kèm theo quyền chọn có thể gia tăng khoản vay thêm tối đa 45 triệu USD. Các khoản vay còn lại thuộc về Công ty TNHH The Sherpa, công ty con của Masan. Tổng số tiền ban đầu công ty con này được vay là 170 triệu USD, kèm theo quyền chọn gia tăng khoản vay thêm tối đa 180 triệu USD. Các khoản vay của The Sherpa được Masan bảo lãnh nghĩa vụ thanh toán.
Tại Việt Nam, Masan cùng với Vingroup, Novaland là những cái tên hiếm hoi có thể huy động vốn nước ngoài với khối lượng lớn qua kênh trái phiếu hoặc khoản vay.
Nguồn: The Leader
1,02 tỷ USD
Là số vốn Swire Pacific Limited bỏ ra để mua lại Coca Cola tại Việt Nam và Campuchia. Cụ thể hơn, Swire Pacific Hong Kong sẽ trả số tiền này cho Coca Cola Indochina, chi nhánh chịu trách nhiệm đóng chai và phân phối sản phẩm tại hai thị trường trên. Thương vụ này được thực hiện thông qua Swire Beverages và Swire Coca Cola - hai công ty con của Swire Pacific.
Swire Pacific Limited hoạt động dưới hình thức là công ty holding, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau: bất động sản (một số dự án phát triển tại Việt Nam), nước giải khát, hàng không, hàng hải,... Doanh thu chủ yếu của Swire Pacific đến từ Trung Quốc, Hong Kong và Mỹ.
Đối với hoạt động đóng chai sản phẩm Coca Cola, công ty này tham gia từ năm 1965 sau khi mua lại phần lớn cổ phần Coca Cola Hong Kong. Các thị trường mà Swire Pacific được nhượng quyền sản xuất bao gồm: Đài Loan, 11 tỉnh thành tại Trung Quốc, 13 bang tại Mỹ. Khi bổ sung thêm Việt Nam và Campuchia, Swire hiện đang phục vụ cho tổng dân số lên đến 876 triệu người.
Nguồn: Người đồng hành
Nguồn ảnh: VIR
XEM SỐ CÙNG PROFIN - Chuyên mục cập nhật tin tức tài chính doanh nghiệp hàng tuần của ProFin