Kiến thức
Nghề hay nghiệp #9: Làm thế nào để nhận biết cấp trên có “toxic” hay không?

Khi hiểu được tính cách và phong cách lãnh đạo của người quản lý trực tiếp, bạn sẽ biết cách phối hợp với họ tốt hơn, đồng thời hạn chế xảy ra mâu thuẫn không đáng có. Bên cạnh đó, bạn cũng cần nhận biết là những “red flags” (dấu hiệu cảnh báo) về một người sếp ‘độc hại’.
5 dấu hiệu của một cấp trên “lành mạnh”
Công bằng mà nói, mọi cá thể trên thế giới này đều không ai hoàn hảo, sếp của bạn cũng thế. Tuy nhiên, có những nhược điểm dễ dàng thỏa hiệp, hoặc giải quyết bất đồng bằng cách giao tiếp hiệu quả và chân thành. Bên cạnh đó, không ít vấn đề rất khó xử lý, từ đó dẫn đến kết quả cuối cùng là nhân viên quyết định bỏ việc. Theo Nhà tâm lý học Daniel Goleman, dưới đây là 6 kiểu cấp trên không ‘độc hại’ với những phong cách lãnh đạo khác nhau:
#1: Có tầm nhìn (Visionary)
Đây là những người sếp có tầm nhìn xa, có hoạch định rõ ràng về tương lai của doanh nghiệp, vấn đề là không phải lúc nào họ cũng biết cách hiện thực hóa điều đó. Họ là những người truyền cảm hứng cho nhân viên, đồng thời có khả năng đồng cảm với mọi người xung quanh. Để làm việc tốt với những vị sếp này, bạn cần cho họ thấy sự nhiệt huyết trong công việc. Bên cạnh đó, hãy lắng nghe và ghi nhớ những mục tiêu đặt ra. Tiếp theo, đừng quên hội ý với đồng đội để tìm ra cách tốt nhất để đạt được kết quả tốt nhất.
#2: Phong cách huấn luyện viên (Coach)
Với những người cấp trên này, bạn sẽ có cơ hội học hỏi và nâng cao năng lực chuyên môn. Họ biết cách tạo động lực cho nhân viên, thông qua những cuộc đối thoại có chiều sâu và cách thiết lập mục tiêu trong công việc. Nếu muốn làm việc lâu dài với họ, bạn nên thành thật và cởi mở về các vấn đề hoặc khó khăn đang gặp phải. Ngoài ra, bạn cũng nên tự đặt ra cho mình những mục tiêu thực tế, phù hợp với năng lực. Cuối cùng, hãy nhận trách nhiệm khi không hoàn thành nhiệm vụ được gia, đừng tránh né hay đổ lỗi mà hãy học hỏi từ những sai lầm đó để làm tốt hơn vào lần sau.
Nguồn ảnh: Jason Goodman / Unsplash
#3: Thân thiện, dễ mến (Affiliative)
Đây ắt hẳn là kiểu cấp trên lý tưởng nhất mà nhân viên nào cũng mong muốn được làm việc cùng. Họ là sợi dây kết nối giữa tất cả mọi người trong công ty. Không chỉ thế, kiểu cấp trên này luôn chú trọng đến cảm xúc của nhân viên. Do đó, họ luôn tìm cách để cải thiện tâm trạng của tất cả khi công ty đang trong một tình huống căng thẳng. Vì thế, bạn cần xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp trong chỗ làm. Đồng thời, bạn nên học cách đưa ra những phản hồi chân thành và chấp nhận đóng góp mang tính xây dựng của người khác.
#4: Chế độ dân chủ (Democratic)
Đối với những vị sếp làm việc theo chế độ dân chủ, họ muốn mỗi nhân viên đạt được năng suất tốt nhất, dựa trên yếu tố hợp tác hiệu quả và tính đoàn kết với tập thể. Với họ, bạn nên đưa ra góp ý thành thật ở mỗi cuộc họp và lắng nghe kỹ càng ý kiến của đồng nghiệp. Điều quan trọng nhất, đừng cam kết thực hiện điều gì khi bạn chưa chắc chắn. Hãy hỏi về những gì bạn chưa rõ, điều đó không chỉ giúp bạn làm việc tốt hơn mà còn tiết kiệm thời gian, công sức của các thành viên còn lại.
#5: Những người tiên phong (Pacesetter)
Với cấp trên thuộc kiểu này, bạn sẽ liên tục được thử thách bởi những nhiệm vụ khó nhằn. Họ cũng là tuýp người chăm chỉ và nỗ lực hết mình. Khi làm việc cùng họ, bạn nên siêng năng và trao đổi rõ ràng với họ về những gì bạn phải làm. Đừng quên cập nhật đầy đủ thông tin cần thiết trong quá trình thực hiện dự án, hoặc công việc được giao.
5 dấu hiệu cảnh báo một cấp trên “độc hại”
#1: Giành lấy công lao của cấp dưới
Theo kết quả khảo sát hơn 1.000 nhân viên nước Mỹ do BamBooHR thực hiện, 17% người được khảo sát cho biết họ đã bỏ việc vì bị cấp trên chiếm lấy công lao của mình. Trong khi đó, 57% nói rằng việc người quản lý trực tiếp làm điều này là không thể chấp nhận được.
Thực chất, tình huống này khá phổ biến trong thực tế. Giả sử bạn có một ý tưởng kinh doanh sản phẩm độc đáo, sau đó bạn bỏ hết công sức, thời gian và tâm huyết để hiện thực hóa ý tưởng đó. Cuối cùng, dự án này thành công vang dội và mang về cho công ty hàng đống tiền. Thế nhưng, người nhận được khen ngợi về vật chất lẫn tinh thần từ Ban Điều hành lại là Trưởng nhóm của bạn. Điều này không chỉ liên quan đến cảm xúc hoặc những phúc lợi trước mắt, mà còn có tác động lớn đến lộ trình thăng tiến của bạn.
#2: Thể hiện sự thiên vị với một nhóm hoặc cá nhân
Lynn Taylor - Chuyên gia về văn hóa chỗ làm và tác giả sách cho biết, ví dụ điển hình nhất về điều này chính là khi bạn được giao một dự án tiềm năng, bỗng nhiên sếp bạn giao cho một nhân viên được yêu thích hơn, mà bạn chỉ biết được điều này khi cận kề thời điểm bắt đầu dự án.
Một người quản lý trực tiếp có tính cách này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng công việc, cũng như văn hóa công ty. Người sếp này có xu hướng đánh giá, khen thưởng dựa trên những đặc điểm cụ thể nào đó của một cá nhân, thay vì hiệu quả công việc. Chẳng hạn như một người được sếp yêu thích dù không có quá nhiều đóng góp sẽ được khen thưởng nhiều, trong khi một nhân viên có năng lực chuyên môn tốt hơn lại ít được công nhận vì không có cảm tình từ sếp.
Nguồn ảnh: Dylan Gillis / Unsplash
#3: Chèn ép nhân viên dưới vỏ bọc “nghiêm khắc”
Một người sếp cầu toàn, nghiêm khắc thì không hề độc hại, thậm chí còn giúp nhân viên phát triển hơn ở nhiều khía cạnh. Thế nhưng, không ít người lại cố ý đánh tráo khái niệm để hành hạ, bắt nạt cấp dưới. Nhà tâm lý học lâm sàng Alan Cavaiola cho biết, một người quản lý nghiêm khắc đúng nghĩa dù khó tính nhưng làm rất tốt vai trò cố vấn cho cấp dưới. Họ rất tận tâm trong việc hướng dẫn nhân viên hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.
Trong khi đó, người sếp đội vỏ bọc “nghiêm khắc” thường xuyên đặt ra những mục tiêu phi lý, thiếu thực tế để chèn ép cấp dưới. Bên cạnh đó, họ còn có xu hướng thô lỗ với nhân viên, chẳng hạn như la hét hoặc đe dọa. Khi dưới trướng những người quản lý như thế, hiệu suất làm việc và sức khỏe tinh thần của nhân viên sẽ giảm sút do quá căng thẳng và áp lực.
#4: Công khai nói xấu nhân viên cũ
Theo Huấn luyện viên nghề nghiệp Angela Karachristos, đây chính là dấu hiệu lớn nhất về một người quản lý độc hại mà bạn có thể thấy được ngay từ sớm. Giả sử bạn mới vào thử việc, sếp mới không ngừng nhắc về nhân viên cũ với thái độ bất mãn, thậm chí nói xấu thậm tệ về người đó. Điều này chứng tỏ họ không hề công tư phân minh, đồng nghĩa với việc dễ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc cá nhân thay vì nhìn nhận mọi thứ một cách công bằng.
Karachristos nói thêm, việc công khai nói xấu nhân viên cũ có thể được coi là một dạng gây hấn thụ động (passive-aggressive). Mặc dù không được đề cập hoặc thể hiện trực tiếp, hành vi này cho thấy nhiều khả năng trong tương lai bạn sẽ là nạn nhân tiếp theo bị họ bêu xấu.
#5: Họ muốn kiểm soát mọi thứ, ngay cả những điều nhỏ nhất
Đây là kiểu quản lý muốn đưa ra quyết định trong mọi vấn đề, toàn bộ nhân viên phải CC họ vào mọi emails, mọi nhóm chat trao đổi tiến trình công việc. Không chỉ thế, họ có thói quen theo dõi sát sao mọi hành động của cấp dưới, nhắc nhở hoàn thành công việc. Tóm lại, họ muốn tự mình quyết định mọi thứ, thay vì để nhân viên chủ động thu xếp.
Làm việc với người quản lý này, cấp dưới sẽ cảm thấy bức bối, gò bó, không có khả năng tự chủ. Nhân viên cũng không có cơ hội để học tập và phát triển kỹ năng của bản thân. Tệ hơn nữa, những người sếp này thích xây dựng quyền lực cá nhân bằng cách chỉ trích thậm tệ công khai, thay vì đưa ra đóng góp tích cực mang tính xây dựng.
Trên đây là 5 dấu hiệu nhận biết một cấp trên “lành mạnh” và “độc hại”. Hành vi và tính cách mỗi người là một thứ rất khó để thay đổi. Do vậy, nếu cảm thấy quá mệt mỏi, không có cơ hội phát triển bản thân hoặc thăng tiến, bạn hoàn toàn có thể đưa ra quyết định thuyên chuyển bộ phận, thậm chí nghỉ việc để tìm cơ hội mới.
“Nghề hay nghiệp” là chuỗi bài do ProFin thực hiện với mong muốn cung cấp góc nhìn mới, kiến thức hữu ích cho các bạn sinh viên, người mới đi làm hoặc bất kỳ ai đang quan tâm đến việc định hướng và phát triển bản thân trong dài hạn. Qua chuỗi bài viết, ProFin hy vọng bạn có thể quyết định được những công việc hàng ngày đang làm là “nghề” hay “nghiệp”, để từ đó lựa chọn cho mình hướng đi đúng đắn và khôn ngoan nhất.
- Theo:
- An Nguyễn
- Nguồn:
- ProFin