Profin

Quan điểm

Nghề hay nghiệp #10: Áp lực tụ tập ăn nhậu sau giờ làm

Nghề hay nghiệp #10: Áp lực tụ tập ăn nhậu sau giờ làm

Dù không thích tụ tập ăn nhậu, không ít bạn trẻ mới đi làm, những người có tính hướng nội cố gắng tham gia cùng với đồng nghiệp và cấp trên để giữ mối quan hệ, đồng thời có thêm cơ hội thăng tiến.

Áp lực đằng sau văn hóa nhậu nhẹt

Ở Việt Nam, ăn nhậu thậm chí được xem là một “kỹ năng mềm” cần có khi đi làm, đặc biệt là đối với nam giới. Không khó để nhận thấy rằng quán nhậu mọc lên như nấm và luôn đông đúc mỗi chiều tan làm. Thậm chí nhiều người còn đi nhậu chẳng vì lý do gì, cứ thích thì đi thôi. Dẫu có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh văn hoá ăn nhậu, điều này khó lòng chấm dứt trong một sớm một chiều. Với nhiều người, dù không thật sự thích thú với bia rượu, họ vẫn miễn cưỡng tham gia vì phải xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên, đối tác; giao lưu với bạn bè, anh em thân thiết.

Không riêng Việt Nam, tại các quốc gia châu Á khác, văn hoá ăn nhậu sau giờ làm cũng rất phổ biến. Ở Hàn Quốc, văn hoá này có tên gọi là hoesik - một truyền thống lâu đời tại các công ty ở đất nước này. Dẫu vậy, theo bài phỏng vấn từ Insider, những người nhân viên lớn tuổi cho rằng nhậu nhẹt như một dịp để tăng tính gắn kết giữa các đồng nghiệp. Trong khi đó, các nhân viên trẻ thuộc thế hệ MZ (Millennial và Gen Z) lại không muốn duy trì văn hoá bia rượu sau giờ làm này.

Thế nhưng dù thấy áp lực khi phải tham gia những buổi nhậu lặp đi lặp lại, họ vẫn cố gắng tham gia vì nếu từ chối sẽ ảnh hưởng đến công việc và phúc lợi. Song Jung-yup - Cựu nhân viên văn phòng 38 tuổi chia sẻ với trang The Korea Herald, văn hoá hoesik như một phần mở rộng của công việc, từ chối tham gia có thể khiến cấp trên có ấn tượng xấu. Từ đó, quá trình đánh giá công việc và khả năng thăng chức sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Một số ít người dám dũng cảm đứng ra phản đối văn hoá này, ví dụ cụ thể ở đây là Kim Jung-won, cô hiện đang là nhà thiết kế website tự do. Trước đây khi còn làm việc ở môi trường công sở, khi Kim Jung-won thể hiện rõ quan điểm không thích ăn nhậu sau giờ làm, cô đã bị sa thải vì cấp trên cảm thấy không hài lòng. Cấp trên của cô ấy thậm chí cho rằng cô là một người “kỳ quặc” và không biết vâng lời như các nhân viên còn lại.

Nhiều người dù không thích nhậu nhẹt vẫn cố gắng tham gia do áp lực về nhiều khía cạnh.

Nguồn ảnh: Fred Moon / Unsplash

Hệ quả tiêu cực từ văn hoá ăn nhậu nơi công sở

Thói quen nhậu nhẹt sau giờ làm có thể dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Đầu tiên là tai nạn giao thông. Theo TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức, trong các vụ việc tai nạn giao thông do rượu bia, tỷ lệ nam giới chiếm 80 - 90%. Không chỉ vậy, nhậu nhẹt thường xuyên có thể dẫn đến nghiện rượu và thúc đẩy gia tăng bạo lực gia đình.

Đối với nữ giới, việc bị thúc ép tham gia nhậu nhẹt còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ khác, đáng lo ngại nhất là vấn nạn quấy rối tình dục. Theo Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, vào năm 2015 và 2018, hành vi quấy rối tình dục công sở diễn ra nhiều nhất tại các buổi ăn nhậu. Vào năm 2021, tỷ lệ quấy rối giảm mạnh từ 8,1% (2018) xuống 4,8% (2021). Điều đó cho thấy giãn cách xã hội dù có nhiều bất lợi, thế nhưng lại góp phần giảm thiểu tệ nạn quấy rối tình dục công sở.

Học cách từ chối và thiết lập ranh giới rõ ràng

Như vậy, giải pháp đầu tiên đó là học cách từ chối đúng lúc và khéo léo. Việc e ngại mất lòng đồng nghiệp và cấp trên có thể khiến bản thân không thoải mái, căng thẳng, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất - tinh thần và hiệu suất công việc.

Học cách từ chối là kỹ năng mềm khá quan trọng, không chỉ đối với khía cạnh công việc mà còn có thể áp dụng với các phương diện khác trong cuộc sống. Theo Shaun Belding - tác giả sách The Journey to WOW, để xây dựng mối liên kết lành mạnh với đồng nghiệp hoặc cấp trên, bạn không nên từ chối quá thẳng thừng mà nên truyền tải khéo léo với thái độ hòa nhã.

Tiếp theo, đừng quên đặt ra ranh giới của bản thân tại công sở. Theo bài viết đăng tải trên Forbes, bạn nên đặt ra những giới hạn khả thi và phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Như vậy, trong trường hợp công việc của bạn cần phải gặp khách hàng và đối tác thường xuyên, việc ăn nhậu sau giờ làm là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể từ chối hoặc hạn chế bớt những buổi tụ tập phát sinh do tùy hứng, với lý do cần nghỉ ngơi và dành thời gian cho gia đình hoặc người yêu. Sau vài lần từ chối, mọi người sẽ dần hiểu ra và ít khi mời mọc bạn nữa. Nếu không may rơi vào trường hợp tương tự như cô Kim Jung-won ở trên, có lẽ bạn nên cân nhắc về việc rời khỏi môi trường làm việc độc hại đó.

Bài viết liên quan: Nghề hay nghiệp #5: 3 vấn đề cần lưu ý trước khi nhảy việc

“Nghề hay nghiệp” là chuỗi bài do ProFin thực hiện với mong muốn cung cấp góc nhìn mới, kiến thức hữu ích cho các bạn sinh viên, người mới đi làm hoặc bất kỳ ai đang quan tâm đến việc định hướng và phát triển bản thân trong dài hạn. Qua chuỗi bài viết, ProFin hy vọng bạn có thể quyết định được những công việc hàng ngày đang làm là “nghề” hay “nghiệp”, để từ đó lựa chọn cho mình hướng đi đúng đắn và khôn ngoan nhất.


Theo:
An Nguyễn
Nguồn:
ProFin

Bạn có thể quan tâm